Nếu sinh sống ở Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nam hay Ninh Bình, chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần bắt gặp loài cây dại có hoa màu vàng rực rỡ này.
Với đặc tính ưa ẩm và ưa sáng, mao lương hoa vàng thường xuất hiện ở ven rừng, bờ nương rẫy hoặc ngay dọc đường đi ở các vùng cao. Quả mao lương hoa vàng mọc thành cụm, phía đầu có màu nâu nhạt hoặc nâu đậm.
Không chỉ có vẻ ngoài đẹp mắt, giống cây dại này còn có giá trị kinh tế cao. Chúng có nguồn gốc từ các quốc gia vùng Địa Trung Hải, Australia. Ở Việt Nam, chúng có tên gọi là mao lương hoa vàng.
Theo y học cổ truyền, mao lương hoa vàng có mùi hắc, vị đắng chát, đặc biệt là khi cây còn tươi thì mùi hắc hơn. Toàn bộ cây mao lương hoa vàng đều dùng được. Cây có độc tố protoanemonin (anemonol) nhưng độc tố này sẽ giảm khi cây được phơi khô hoặc xử lý nhiệt. Loại thảo dược này có công dụng giảm viêm, giảm sưng, trị phong thấp, sốt rét, tán kết, bổ thận...
Quả mao lương hoa vàng
Ngoài Việt Nam, mao lương hoa vàng còn phân bố rộng rãi ở Trung Quốc. Đặc biệt trong thời gian gần đây, giá của cây dại này đã tăng phi mã tại thị trường tỉ dân.
Dược liệu quý tăng giá gấp 20 lần chỉ trong 3 năm
Được biết, mao lương hoa vàng là một dược liệu quý trong y học cổ truyền Trung Quốc. Năm 2021, giá mao lương hoa vàng tại nước này chỉ hơn 40 NDT (137.000đ)/kg, được xếp vào loại được liệu giá rẻ. Đến nửa cuối năm 2022, mức giá đã tăng vọt lên hơn 80 NDT/kg. Nửa cuối năm 2023, mức giá tiếp tục được đẩy lên cao khó tin - hơn 200 NDT/kg.
Và kể từ tháng 2/2024, kỷ lục mới về mức giá được xác lập với con số 700 - 800 NDT (2,4 - 2,7 triệu đồng)/kg (đối với mao lương hoa vàng trong tự nhiên). So với mức giá năm 2021, chỉ trong 3 năm, loại dược liệu này đã tăng giá gấp 20 lần.
Vì sao mao lương hoa vàng lại tăng giá “phi mã” tại Trung Quốc?
Theo những nông dân trồng mao lương hoa vàng tại Trung Quốc chia sẻ, do hạn hán nghiêm trọng kéo dài và các điều kiện thời tiết đặc biệt khác diễn ra trong hai năm qua, năng suất trồng dược liệu này đã giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường tăng lên đáng kể, dẫn đến tình trạng giá leo dốc không phanh.
Bên cạnh đó, mao lương hoa vàng trước đây thuộc nhóm dược liệu thiểu số với sản lượng thấp, diện tích trồng không lớn. Khi nhu cầu thị trường tăng lên, nhiều người trồng “ghim hàng” chờ tăng giá khiến mức giá ngày càng cao hơn nữa. Dần dần, số lượng mao lương hoa vàng trên thị trường Trung Quốc ngày càng ít đi còn giá cả ngày càng cao.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)