Thị trường chứng khoán bước vào phiên 7/5 với một tâm lý khá “e dè” sau nhịp điều chỉnh chiều qua (6/5). Chỉ số đại diện sàn HOSE bị bao phủ bởi sắc đỏ ngay trong phiên ATO.
Tâm lý phân vân khiến cho diễn biến thị trường chùng xuống, giao dịch “lình xình” cho đến hết phiên sáng, kéo vắt sang đầu phiên chiều. Tưởng chừng như VN-Index sẽ có ngày nghỉ chân sau khi phải chịu áp lực chốt lời tại vùng giá 1.250 điểm.
Thế nhưng, nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó nổi bật là sự “bốc đầu” của hai ông lớn nhà Vingroup là VIC (+4,11%) và VHM (+1,81%) đã kéo chỉ số vọt lên, lấy lại gần như toàn bộ số điểm đã đánh mất trong nửa cuối phiên chiều qua. Năm 2025, VHM đặt mục tiêu doanh số bán mới bất động sản đạt 150-200 nghìn tỷ đồng, tăng từ 44,3% đến 92,4% so với năm 2024. Con số này không chỉ là kỳ vọng của "nhà Vin" mà còn là hy vọng của cổ đông VHM.
VN-Index bất ngờ "vít ga" tăng tốc vào cuối phiên sau pha đổ đèo buổi sáng (7/5).
Bên cạnh đó, dòng tiền cũng tìm thấy sự động thuận từ phần lớn các mã cổ phiếu trong nhóm cùng một số cổ phiếu Midcap như BSR (+6,97%), HVN (+4,17%) và POW (+4,1%).
Trái ngược với sự hưng phấn trên, thị trường dường như bỏ quên nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán khi giao dịch ảm đạm và chịu áp lực điều chỉnh xuyên suốt, tuy nhiên tác động tới chỉ số là không đáng kể.
VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng 8,42 điểm tương đương 0,68% lên 1.250,37 điểm - một ngưỡng tâm lý quan trọng.
Chỉ số tăng điểm tích cực là vậy, nhưng sự phân hóa vẫn hiện hữu với chỉ 11/21 ngành đóng cửa giá xanh. Bất động sản (+2,69%), Dầu khí (+2,28%) và Bất động sản Khu công nghiệp (+1,81%) là ba ngành tăng điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại Thực phẩm tiêu dùng (-1,07%), Chứng khoán (-1,01%) và Nhựa (-0,67%) là các nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.
Thanh khoản khớp lệnh chỉ giảm nhẹ 3,6% so với phiên giao dịch trước đó và giá đóng cửa gần cao nhất phiên. Song, cũng phải nhìn vào thực tế là, giá trị khớp lệnh vẫn thấp hơn 25,9% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 760 triệu cổ phiếu, giảm 2,8%, tương đương giá trị giao dịch đạt 17.124 tỷ đồng, giảm 4,3%.
Hòa chung không khí sôi nổi của thị trường, khối ngoại có phiên mua ròng mạnh nhất trong 10 phiên trở lại với giá trị mua ròng tại thời điểm kết thúc giao dịch đạt 900 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu được mua vào nhiều nhất gồm: DXG (+105 tỷ đồng), NLG (+102 tỷ đồng) và GEX (+100 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại các mã chịu áp lực bán mạnh nhất là: VRE (-78 tỷ đồng) và VCB (-58 tỷ đồng).
Với lực cầu chủ động trở lại thị trường, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục để quay về vùng kháng cự 1,270 – 1,300 điểm – Mốc điểm cân bằng trước khi thông tin thuế đối ứng được công bố.
Minh Lâm