Chia sẻ của một cô dâu ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào ngày lên xe hoa "gây bão" trên mạng xã hội nước này.
Theo đó, cô và người đàn ông của mình đính hôn đã lâu nhưng vẫn trì hoãn chuyện cưới xin vì vấn đề sính lễ.
Thậm chí có lúc họ đã định ngày cưới nhưng sau đó vẫn phải lùi lại vì hai bên gia đình không thể thống nhất được chuyện sính lễ, của hồi môn.
Mới đầu, gia đình nhà gái đưa ra một số yêu cầu nhưng nhà trai không đáp ứng được, đề nghị chỉ trao sính lễ 200.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 700 triệu đồng).
Vào sát ngày cưới, nhà trai lại thông báo do gia cảnh khó khăn nên sẽ không lo được sính lễ, cỗ bàn đầy đủ.
Cô dâu và gia đình cực kỳ thất vọng. Tuy nhiên, vì hạnh phúc của con gái, bố mẹ cô quyết định không nhận sính lễ nữa để đám cưới thuận lợi diễn ra.
Vào ngày cưới, trong khoảnh khắc bước lên xe hoa về nhà chồng, cô dâu bật khóc khi thấy ngoài khoản 200.000 tệ sính lễ đã được chuyển thành của hồi môn đưa trả lại nhà chồng, mẹ đẻ còn cho cô thêm 19.000 tệ tiền mặt nữa (khoảng 66 triệu đồng).
Chị dâu của cô cũng mừng một phong bì rất dày.
Cô dâu rơi nước mắt vì nhà đẻ cho hồi môn lớn trong ngày cưới.
"Cảm giác an toàn này chỉ có người thân ruột thịt mới có thể đem lại", đó là lời cô dâu khi chia sẻ câu chuyện của mình.
Điều đáng nói là câu chuyện của cô gái này tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về chủ đề tiền bạc và các mối quan hệ xung quanh cuộc hôn nhân.
Rất nhiều cư dân mạng cho rằng cô dâu đã cưới sai người, chỉ trích chú rể và gia đình chú rể là những người quá tính toán.
Họ cũng cho rằng với thái độ như của nhà trai, việc nhà gái bỏ nhiều tiền ra bù đắp cũng không phải là cách có thể đảm bảo cho đôi trẻ hạnh phúc.
- "Không hay ho gì, chồng và nhà chồng có thái độ không tốt, cưới xin kiểu lộn ngược như thế này liệu có thực sự hạnh phúc? Tại sao bạn phải kết hôn? Tự mình tiêu tiền chẳng phải tốt hơn sao, cớ gì phải tìm một người đàn ông để tiêu tiền hộ mình? Như thế hạnh phúc hơn à?",
- "Chồng cô ấy đã vô hình suốt thời gian này? Thái độ của nhà chồng cũng là thái độ của chồng. Lấy tiền nhà mẹ đẻ mà tiết kiệm cho nhà chồng là kiểu gì? Bạn thực sự nghĩ rằng nhà chồng của bạn sẽ đánh giá cao bạn sau khi kết hôn?"...
Đàn ông Trung Quốc ngại lấy vợ vì sợ bị 'giá' sính lễ
Theo truyền thống Trung Quốc, nhà trai trước khi kết hôn sẽ chuẩn bị một số quà tặng nhà gái như tiền bạc, trang sức, đồ gia dụng, súc vật… bên cạnh tiền thách cưới.
Tuy nhiên, số tiền thách cưới mặt bằng chung ngày càng cao là vấn đề khiến nhiều gia đình có con trai đau đầu.
Ở một số địa phương, nếu nhà trai chỉ có một người con, nhà gái sẽ không đòi nhiều sính lễ. Song nếu nhà trai có 2 người con trai, nhà gái sẽ "không khách khí", có thể đòi bao nhiêu thì đòi bấy nhiêu.
Theo cuộc khảo sát trực tuyến của một trang web mai mối Trung Quốc, gần 80% đàn ông độc thân coi tiền thách cưới cao là không thể chấp nhận được.
Số tiền thách cưới mặt bằng chung ngày càng cao là vấn đề khiến nhiều gia đình có con trai đau đầu. Ảnh minh họa
Tháng 6/2013, "bản đồ" giá thách cưới ở đất nước tỷ dân lần đầu được Sina đăng tải. Theo đó, tiền thách cưới cao nhất là ở Thượng Hải, bao gồm một căn nhà và 100.000 NDT (14.900 USD).
Tại tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tây và Thanh Hải vào khoảng 500.000 NDT (gần 75.000 USD); Sơn Đông, Hồ Nam, Chiết Giang có "giá chung" là 100.000 NDT (14.800 USD), con số tương đối cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân nước này, theo ThinkChina.
Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2014, tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của công dân thành thị là 27.000 NDT (4.020 USD) và 8.900 NDT (1.300 USD) đối với người ở nông thôn.
Như vậy, nếu bị nhà gái thách cưới 100.000 NDT, một chàng trai thành thị Trung Quốc phải tiết kiệm tiền trong khoảng 4 năm, còn anh chàng ở nông thôn phải tốn hơn 12 năm, chưa kể các loại phí khác.
Đến các năm gần đây, tiền thách cưới đã tăng gấp đôi ở nhiều vùng nông thôn trong khi thu nhập hàng năm chỉ tăng nhẹ.
"Không đủ tiền thách cưới, không gả con" dường như là bức tranh tổng quát về thị trường hôn nhân ở Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, áp lực xã hội và vấn đề nhân khẩu học là các nguyên nhân sâu xa thúc đẩy tình trạng thách cưới "cắt cổ" ở Trung Quốc.
Chính sách một con được chính phủ đất nước tỷ dân áp dụng từ năm 1979 đến 2015 đã để lại hậu quả khôn lường, rõ rệt nhất là sự chênh lệch giới tính khi nhiều gia đình chỉ muốn sinh con trai.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia về những người trên 15 tuổi chưa kết hôn vào năm 2017, có 4.625 nam trên 3.060 nữ ở Trung Quốc, tương đương tỷ lệ nam/nữ là 1,5/1. Năm 2018, số nam giới nhiều hơn nữ khoảng 34 triệu người, theo The Post.
Tồi tệ hơn, tình trạng khan hiếm phụ nữ ở nông thôn do chính sách sinh đẻ càng làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn: vùng nào càng nghèo thì tiền thách cưới càng cao.
Bên cạnh đó, sự phân chia hộ khẩu theo thành thị - nông thôn khiến ngày càng có nhiều đàn ông ở các vùng quê và phụ nữ ở thành phố lớn chưa lập gia đình.
Các cuộc hôn nhân không thành vì gánh nặng tài chính còn gây áp lực lên vấn đề nhân khẩu học ở Trung Quốc, khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Bách Hợp (t/h)