Ngân hàng rót tiền mặt về cho cổ đông: LPBank, Techcombank, VIB dẫn đầu. Ảnh minh họa
Mùa Đại hội cổ đông thường niên 2025 của ngành ngân hàng đã khép lại với tâm điểm là kế hoạch chia cổ tức, trong đó xu hướng chia bằng tiền mặt được nhiều nhà băng thực hiện. Hàng chục nghìn tỷ đồng đang được các ngân hàng lớn chuẩn bị giải ngân.
LPBank nổi bật với kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức 25%, tương đương 2.500 đồng/cổ phiếu - cao nhất ngành ngân hàng hiện nay. Với tỷ lệ này, LPBank dự kiến chi trả khoảng 7.468 tỷ đồng cho cổ đông từ lợi nhuận sau thuế năm 2024. Đây là bước tiến vượt bậc so với kế hoạch cổ tức khoảng 18% được đề xuất vào năm trước.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông vừa qua, ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc với vốn điều lệ đạt gần 30.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu khoảng 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,81%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, việc chia cổ tức tiền mặt không ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và an toàn vốn.
Trong khi đó, Techcombank tiếp tục gây chú ý khi công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương khoảng 7.060 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Techcombank thực hiện chia cổ tức tiền mặt sau nhiều năm duy trì chính sách giữ lại lợi nhuận để phục vụ tái đầu tư. Ngân hàng cho biết động thái này nhằm khẳng định cam kết đồng hành lâu dài cùng cổ đông và tạo niềm tin cho thị trường về sự ổn định tài chính của mình.
Techcombank thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%. Ảnh: Techcombank
Ngân hàng Quốc tế VIB cũng đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương hơn 2.085 tỷ đồng. VIB dự kiến chi trả vào ngày 23/5/2025, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên thực hiện chi trả trong năm nay.
OCB cũng không nằm ngoài xu hướng khi công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%, tương ứng khoảng 1.726 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền kể từ khi niêm yết. Sau khi chia cổ tức, ngân hàng vẫn giữ lại gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận để phục vụ tái đầu tư và các dự án chiến lược dài hạn.
VPBank tiếp tục giữ lời hứa chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm liên tiếp, với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến chi khoảng 3.967 tỷ đồng từ lợi nhuận hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng của năm 2024. Theo Chủ tịch VPBank, trong 2 năm tới, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
VPBank sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp. Ảnh: VPBank
Một ngân hàng khác là ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 10% là bằng tiền mặt, tương đương khoảng 4.466 tỷ đồng được chi trả trực tiếp cho cổ đông.
TPBank cũng tham gia làn sóng chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ dự kiến 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2024.
Với MB, ngân hàng này lên kế hoạch chi tổng cộng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức trong năm nay, trong đó 1.831 tỷ đồng sẽ được chi trả bằng tiền mặt (tương đương 3%) và phần còn lại bằng cổ phiếu. Đáng chú ý, MB cũng dự kiến phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu nhằm tiếp tục nâng vốn điều lệ, góp phần đưa ngân hàng trở thành tổ chức có vốn lớn thứ hai hệ thống chỉ sau Vietcombank.
Việc các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức tiền mặt năm nay là minh chứng rõ ràng cho nền tảng tài chính vững vàng, khả năng sinh lời ổn định và tính minh bạch trong chiến lược phát triển. Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế vẫn đối mặt với khó khăn, thì việc ngân hàng có thể chia cổ tức cao, đặc biệt là bằng tiền mặt, là dấu hiệu cho thấy khả năng kiểm soát rủi ro tốt, hiệu quả hoạt động bền vững.
Bên cạnh việc chia cổ tức tiền mặt, nhiều ngân hàng vẫn song hành với kế hoạch chia cổ phiếu để tăng vốn điều lệ - bước đi giúp củng cố năng lực tài chính và tạo nền tảng cho những chiến lược mở rộng dài hạn.
Thu Trang