CBA trở thành cổ đông chiến lược của VIB từ tháng 9/2010.
Số lượng cổ phiếu bán ra tương đương khoảng hơn 10% vốn điều lệ của VIB. Trong khi đó, khối lượng mua vào của khối ngoại bằng 0, cho nên toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán cho nhà đầu tư trong nước.
Cũng trong ngày 29/10/2024, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) ra thông báo bán ra khoảng 10% vốn điều lệ VIB, thu về xấp xỉ 320 triệu đô la Astralia (tương đương 5.325 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
“Giao dịch này phù hợp với chiến lược của tập đoàn là tập trung vào các hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Australia và New Zealand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CBA vẫn nắm khoảng 5% cổ phiếu đang lưu hành tại VIB,” thông báo ngày 29/10 của CBA cho biết.
Trước đó, vào ngày 26/9, CBA đã bán ra 148 triệu cổ phiếu, tương đương 5% vốn điều lệ VIB, hạ sở hữu từ 19,74% về còn 14,78% vốn điều lệ ngân hàng này.
Kể từ đầu tháng 7/2024, VIB đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99% (148,7 triệu cổ phiếu). Trước đó, room ngoại được ngân hàng giới hạn ở mức 20,5% (611 triệu cổ phiếu) và luôn trong tình trạng kín room.
CBA trở thành cổ đông chiến lược của VIB từ tháng 9/2010 khi mua lại 15% cổ phần ngân hàng này. Một năm sau đó, CBA nâng mức sở hữu tại VIB lên 20%. Tỷ lệ sở hữu này được duy trì cho tới đợt thoái vốn vừa qua.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của VIB đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Ước tính riêng trong quý 3/2024, lợi nhuận của VIB đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26%. Như vậy sau 9 tháng, VIB đã thực hiện được khoảng 54,8% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua (12.045 tỷ đồng).
Minh Phong