Nhà đầu tư “tẩy chay”
Trong thư ngỏ gởi tới khách hàng, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VND, đã gửi lời xin lỗi về sự cố tấn công mạng làm gián đoạn, ngừng trệ giao dịch trong nhiều ngày. Bà Hương chia sẻ: “Ngày 24-3, hacker quốc tế đã tấn công mã hóa hệ thống công nghệ của VND. Mặc dù chúng tôi luôn đầu tư lớn để xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin an toàn và bảo mật, nhưng phải thú thực rằng, đội ngũ của VND dù rất giỏi chuyên môn, song còn thiếu kinh nghiệm trong việc phòng bị, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng tinh vi, ở tầm cỡ quốc tế như thế này”.
Theo bà Hương, dù đã khôi phục được toàn bộ hệ thống và dữ liệu, nhưng các công đoạn rà soát an ninh thông tin để đảm bảo điều kiện kết nối an toàn mất thêm khá nhiều thời gian. “Cuộc tấn công lần này là xâm phạm vào quyền điều hành hệ thống ảo hóa và khóa mã, chứ không thể xâm nhập vào cơ sở dữ liệu và dữ liệu khách hàng. Trong quá trình khôi phục hệ thống, chúng tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian để đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin và tài sản của khách hàng”- bà Hương cho biết.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) đón nhận thông tin về các chính sách ưu đãi với tâm trạng không mấy tích cực. Câu hỏi được NĐT thảo luận nhiều là lựa chọn công ty chứng khoán (CTCK) có hệ thống an toàn để chuyển sang sau khi đóng tài khoản VND. Thậm chí, không ít NĐT đang tính tới phương án khởi kiện VND, vì những thiệt hại do không thể mua bán trong những tuần tháng 3 sau khi xảy ra sự cố.
Thực tế, thị phần môi giới của VND đã bị ảnh hưởng đáng kể sau sự cố mạng và làn sóng “tẩy chay” của NĐT. Tính đến hết quý III, thị phần môi giới trên HoSE của VND đã giảm còn 5,7% và rơi xuống vị trí thứ 6.
Đây cũng là mức thị phần thấp nhất kể từ năm 2016 của CTCK này. Trong 2 năm trước đó, VND luôn nằm ở Top 3 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE, với 7,88% năm 2022 và 7,01% năm 2023.
Hệ lụy từ thị phần suy giảm
Quay lại với sự cố tấn công mạng, để khắc phục phần nào những tổn thất của khách hàng, VND công bố nhiều chính sách ưu đãi trong quý II, như: miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở trong tháng 4; miễn toàn bộ lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ từ ngày 25-3 đến ngày hệ thống giao dịch trở lại; miễn lãi nợ thấu chi và phí quản lý vị thế qua đêm, với giao dịch chứng khoán phái sinh từ ngày 25-3 đến ngày hệ thống giao dịch trở lại; áp dụng lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ 9,3% trong tháng 4.
Kết quả của các chính sách “đền bù” kể trên là lợi nhuận liên tục đi xuống. Theo báo cáo tài chính quý III, VND tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ, với doanh thu hoạt động đạt 1.270 tỷ đồng (giảm 28%), lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng (giảm 22%).
Theo giới phân tích, VND đang chịu tác động kép từ cả biến động thị trường và dư âm của sự cố tháng 3, khiến doanh thu các mảng kinh doanh chính đều sụt giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp tuy phục hồi đáng kể so với quý trước, nhưng chủ yếu do hoàn nhập chi phí dự phòng cho vay chứ không đến từ hoạt động thực chất.
Một vấn đề đáng lưu ý trong báo cáo tài chính của VND, là tăng trưởng dư nợ của VND trong 3 quý vừa qua tương đối ảm đạm so với các CTCK khác, trong bối cảnh VND đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ. Tính đến hết quý III, dư nợ cho vay của VND đạt gần 10.900 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, dư nợ toàn thị trường tính đến hết tháng 9 đạt 228.100 tỷ đồng, tăng 56.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, và là mức cho vay cao nhất lịch sử.
Dẫn đầu thị trường là TCBS với dư nợ cuối kỳ đạt 25.483 tỷ đồng (tăng 790 tỷ đồng so với quý trước). Đứng kế tiếp là MAS, tăng từ 16.746 tỷ đồng cuối quý II lên 19.291 tỷ đồng cuối quý III. Nhiều CTCK lớn khác cũng tăng cho vay margin như VCI, HSC, VPS, Yuanta, VIX, VDSC, FPTS, VCBS, SHS. Thậm chí, dư nợ cho vay còn ghi nhận đột biến ở một số CTCK có quy mô nhỏ như DNSE, KAFI.
“Khẩu vị” đầu tư rủi ro
Từ lâu VND khá nổi tiếng với “khẩu vị” đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trước đây, việc nắm giữ nhiều TPDN mang lại nguồn thu khá lớn. Tuy nhiên, sự cố liên quan đến TPDN trong năm 2022, khiến cho VND đối mặt với nhiều rủi ro. Một trong những khoản đầu tư khiến cổ đông VND lo nhất nhất là lượng TPDN của Trung Nam Group.
Tại thời điểm cuối quý III, danh mục trái phiếu của VND có giá trị 13.100 tỷ đồng, trong đó khoản liên quan đến Trung Nam Group đã khiến VND phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng trong kỳ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, nhiều cổ đông của VND đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến khoản đầu tư của VND vào Trung Nam Group. Trước câu hỏi này, Chủ tịch HĐQT VND khẳng định, đã chuẩn bị các phương án dự phòng từ 2 năm trước để đối phó với rủi ro.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào TPDN của Trung Nam Group đều có tài sản đảm bảo, giúp hạn chế rủi ro tài chính. Thế nhưng, bất chấp phát biểu trấn an của HĐQT, cổ đông của CTCK này vẫn xem đây là vấn đề “sống còn”, nên mỗi khi có thông tin xấu liên quan đến Trung Nam Group là họ lại đua nhau bán cắt lỗ.
Đơn cử phiên giao dịch 4-12, sau thông tin Trung Nam Group lỗ sau thuế 2023 lên đến 2.878 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 65.000 tỷ đồng (gấp 2,7 lần vốn điều lệ), cổ đông VND lại ào ạt bán tháo khiến cho mã cổ phiếu này có thời điểm giảm kịch sàn 7%.
Với thị giá hiện tại là hơn 13.000 đồng, mức giá thấp nhất của VND trong 2 năm trở lại đây, nhưng nhiều cổ đông vẫn hết sức lo lắng về diễn biến của VND trong những ngày tới. Thậm chí, nhiều cổ đông còn lo mất Tết nếu VND tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý IV không sáng sủa.
Sự cố hệ thống cuối quý I không chỉ làm giảm lòng tin của NĐT, mà còn tác động lớn đến thị phần môi giới của VND, khiến cổ phiếu mất 23% giá trị chỉ trong tháng 4.
KIM GIANG