Từ những đơn hàng lẻ tẻ vài chục ngàn đồng, gian hàng “Thực phẩm sạch Mẹ Rô” của chị Phạm Thị Trang cô gái quê Nghệ An, lớn lên tại Đắk Lắk, nay lập nghiệp ở Bình Tân (Đồng Nai).
Đã vươn lên thành một trong những gian hàng nông sản tiêu biểu trên sàn Shopee, với số lượng đơn hàng lên đến hàng nghìn đơn trên ngày.
Gieo mầm từ đất, gặt quả trên sàn
Lựa chọn kinh doanh nông sản không phải là con đường dễ dàng, nhưng với chị Trang, đó là lựa chọn gắn liền với trải nghiệm thực tế của gia đình.
“Chị xuất thân trong gia đình nông nghiệp. Bố mẹ chị đều làm nông. Ngày trước đặc sản địa phương được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Vì vậy khi bắt đầu khởi nghiệp, chị đã chọn nông sản làm lĩnh vực kinh doanh và sàn thương mại điện tử là kênh triển khai”.
Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, chị Trang lựa chọn hạt điều, mắc ca đây những sản phẩm có sẵn tại Đắk Lắk và Bình Phước để làm nền tảng phát triển thương hiệu.
Gian hàng mang tên Thực phẩm sạch Mẹ Rô không chỉ là cách để cá nhân hóa thương hiệu, mà còn muốn gửi gắm niềm tin và cam kết về chất lượng đến với từng khách hàng.
Những hình ảnh tại xưởng sản xuất. Ảnh NVCC.
Từ năm 2017, chị bắt đầu chân ướt chân ráo bước lên sàn Shopee. Nhưng chỉ đến giai đoạn 2020 – 2022, khi chị thực sự đầu tư nghiêm túc về hình ảnh, livestream và quản lý đơn hàng, thương hiệu Mẹ Rô mới thực sự có lượng đơn ổn định.
“Chị đã từng đạt hơn 1 tỷ đồng/ngày vào ngày sale lớn. Trung bình mỗi ngày chị xử lý từ 500 đến hơn 3.000 đơn cho mỗi gian hàng ”, chị nói.
Yếu tố tạo nên sự khác biệt cho Mẹ Rô nằm ở cách chị kể câu chuyện sản phẩm. Không đơn thuần là bán hạt điều hay xoài sấy, chị quay video quy trình, làm nội dung giải thích từ quả điều trên cây cho đến thành phẩm giao tay khách.
Các nội dung này được truyền tải qua ba hình thức chính, hình ảnh bắt mắt, video quy trình và livestream tư vấn trực tiếp để giữ chân người dùng và tạo lòng tin.
Bền vững nhờ chất lượng và chuyển đổi số
Khác với nhiều hộ kinh doanh chỉ dừng ở mức bán hàng online, chị Trang chủ động ứng dụng chuyển đổi số vào mọi khâu vận hành. Từ theo dõi đơn hàng đến tương tác khách hàng, quản lý tồn kho, tất cả đều được chị học hỏi, thử nghiệm và điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng.
“Khi chị mới bán hàng online là chị bán trên Facebook thì một ngày chỉ đạt từ 5 đến 10 đơn. Nhưng khi bán ở Shopee, chị có thể đạt 50 đơn, rồi 100 đơn, rồi có ngày 3.600 đơn. Cả hai shop cộng lại, có ngày chị xử lý 5.000 đơn/ngày”, chị chia sẻ.
Gian hàng trực tuyến của chị Trang trên sàn Shopee với hàng nghìn lượt mua trên sản phẩm. Ảnh chụp màn hình.
Với đặc thù ngành hàng nông sản, nơi mà nguồn gốc xuất xứ và độ tươi mới là yếu tố sống còn, chị Trang chọn cách liên kết trực tiếp với các cơ sở chế biến uy tín tại Đắk Lắk và Bình Phước đây vùng nguyên liệu lớn nhất Việt Nam về hạt điều và mắc ca.
“Chị đến tận nơi quay video quy trình để khách hàng thấy rõ sản phẩm sạch thật sự. Từ đó, khách yên tâm và gắn bó lâu dài”.
Trên nền tảng Shopee, chị tận dụng tối đa công cụ quảng bá hình ảnh, video ngắn, đánh giá người dùng, livestream theo khung giờ cố định.
Những lúc cao điểm như Tết hoặc ngày sale lớn, chị và đội ngũ phải chuẩn bị hàng nghìn đơn/ngày nhưng vẫn giữ đúng cam kết chất lượng.
“Với phương châm “Bán hàng có tâm ắt có tầm”. Mình đã từng không có gì trong tay, chỉ có lòng tin vào sản vật địa phương. Shopee là bệ đỡ giúp mình vượt qua đoạn khởi nghiệp đó”, chị Trang chia sẻ.
Không chỉ là một gian hàng thành công, Thực phẩm sạch Mẹ Rô đang trở thành hình mẫu cho nhiều hộ kinh doanh địa phương đang muốn chuyển mình từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình số hóa.
Câu chuyện từ nông sản bị ép giá ngoài chợ đến những đơn hàng trị giá tiền tỷ trên nền tảng số là minh chứng cho việc. Nếu có chiến lược đúng, sự tận tâm và kiên trì, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn xa trên sàn thương mại điện tử.
Với chị Trang, hành trình ấy không chỉ là sự thành công của một người bán hàng, mà còn là lời khẳng định cho một thế hệ trẻ biết nâng niu giá trị quê hương theo cách hiện đại và bền vững.
Thu Uyên