Là một người trẻ thuộc thế hệ gen Z, chị Nguyễn Bích Ngọc hiện sinh sống tại phố núi Pleiku và làm công việc chính là gia sư tiếng Anh. Trong âm nhạc, chị chọn cái tên A Fishy Bit làm nghệ danh. Dù yêu thích âm nhạc từ nhỏ, mãi đến năm 2016 chị mới bắt đầu sáng tác và đến năm 2020 phát hành sản phẩm đầu tay. Khi ấy, âm nhạc đối với chị vẫn là một niềm yêu thích riêng, không đặt nặng kỳ vọng về danh tiếng.
Từ năm 2016 đến 2023, chị sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian này, chị từng theo đuổi âm nhạc một cách chuyên nghiệp. Năm 2024, chị quyết định trở lại phố núi Pleiku, nơi đã gắn bó với chị suốt 18 năm đầu đời. Từ đó, âm nhạc dần trở thành một phần trong cuộc sống, giữ vị trí riêng trong tâm hồn chị, như một người bạn đồng hành lặng lẽ và bền bỉ.
Cô gái gen Z chọn trở về phố núi để làm nhạc theo cách riêng, gần gũi, đơn sơ nhưng đầy cảm xúc. Ảnh: NVCC
Từng có cơ hội biểu diễn trên nhiều sân khấu và tham gia cộng đồng nghệ sĩ Indie tại các thành phố lớn, nhưng chính khi trở về phố núi Pleiku, chị mới thật sự “gặp lại” bản thân. Chị kể: “Tôi được bạn bè ở phố núi Pleiku dẫn đi chơi, giới thiệu những nơi rất đẹp mà tôi chưa từng biết. Khi đã trở về quê nhà, gần gũi lại với thiên nhiên khiến tôi có cảm hứng mãnh liệt để sáng tác và hát”.
Từ những chuyến đi ấy, chị nảy ra ý tưởng biểu diễn và ghi hình ngay giữa núi rừng. Và chị bắt đầu thực hiện chuỗi video mang tên Water Session, nơi chị cất tiếng hát bên những khung cảnh đặc trưng của phố núi như công viên Diên Hồng, đập Tân Sơn, các con suối nhỏ hay bãi cỏ rì rào gió. Không gian thiên nhiên hoang sơ, gần gũi, yên bình ấy không chỉ là “sân khấu” biểu diễn, mà còn là nguồn cảm hứng cho giọng hát và những sáng tác mộc mạc của chị.
Chị tự chuẩn bị mọi thứ, từ nhạc cụ, ghi âm đến quay dựng, rồi chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân mang tên A Fishy Bit. Đến nay, kênh YouTube của chị có gần 2.000 lượt đăng ký. Nhiều video đạt từ 10.000 đến gần 20.000 lượt xem, đặc biệt là những video mang phong cách hát giữa thiên nhiên. Không gian núi rừng, tiếng suối chảy, lá cây xào xạc trở thành chất liệu hòa quyện cùng giọng hát, tạo nên những bản ghi hình độc đáo và giàu cảm xúc.
Chị Nguyễn Bích Ngọc (nghệ danh A Fishy Bit) lan tỏa âm nhạc mộc mạc giữa thiên nhiên thanh bình. Ảnh: NVCC
Chị Ngọc chia sẻ: “Khi hát giữa thiên nhiên, tôi cảm thấy tự do và không bị phán xét. Tôi chỉ cần cất tiếng hát và mọi thứ cứ thế tuôn ra. Đó là cảm giác tôi đã tìm kiếm rất lâu, sau những năm tháng sống ở đô thị, nơi từng có lúc tôi hát không còn vì yêu thích mà vì trách nhiệm”.
Với chị, mỗi buổi ghi hình ngoài trời đều để lại dấu ấn riêng. Có lần đang thu âm thì mưa rơi nhẹ, làm bản nhạc thêm cảm xúc mới lạ; có hôm gió mạnh khiến âm thanh bị nhòe; hay có khi tiếng dế kêu bất ngờ chen vào đoạn hát. Những điều ấy không nằm trong kịch bản, nhưng chị không xem đó là trở ngại. Trái lại, đó là những “món quà bất ngờ” của mẹ thiên nhiên ban tặng, góp phần tạo nên bản phối độc đáo, không thể lặp lại lần thứ hai.
Theo chị Ngọc, dòng nhạc mà chị theo đuổi mang hơi hướng folk (dân gian hiện đại) và pop (đại chúng). Chị thích điều đó vì nó giữ được sự chân thành, đôi khi cả những lỗi nhỏ cũng trở thành một phần cảm xúc. Khi thu âm hoặc biểu diễn, chị không cố gắng làm mọi thứ hoàn hảo, mà chỉ mong âm thanh phản ánh đúng cảm xúc thật tại thời điểm đó.
Với cô gái gen Z, thiên nhiên là nơi lý tưởng để cất lên những giai điệu chân thành nhất. Ảnh: NVCC
Đối với dòng nhạc Indie, chị cho rằng đó là cách người trẻ làm nhạc một cách tự do, từ sáng tác, phối khí, thu âm đến sản xuất và phát hành mà không thông qua công ty quản lý. “Tôi làm nhạc độc lập nhưng không cô độc. Tôi may mắn được bạn bè hỗ trợ trong từng sản phẩm. Và tôi nhận ra, thể hiện một bài hát chỉ là một phần nhỏ trong hành trình làm nên một sản phẩm âm nhạc chân thực”-chị Ngọc bộc bạch.
Kết nối người trẻ qua giai điệu mộc mạc
Không chỉ làm nhạc cho riêng mình, chị Ngọc còn tìm cách lan tỏa cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng yêu nhạc. Năm 2024, chị tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ tại nhà riêng mang tên “Qua nhà Bit chơi”, nơi các nghệ sĩ trẻ phố núi cùng tụ họp, đàn hát và chia sẻ đam mê trong không gian ấm cúng, mộc mạc, không phô trương.
Chị Ngọc bày tỏ: “Tôi mong rằng những dịp như thế sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, để những người yêu nhạc có thể tìm thấy một nơi để trở về và kết nối. Tôi không kỳ vọng đó là một sân khấu lớn giữa phố núi, chỉ cần một nơi đủ yên tĩnh để mọi người lắng nghe nhau, cùng hát, cùng cảm nhận. Tôi tin rằng âm nhạc chân thành, dù nhỏ bé, vẫn có thể kết nối được những tâm hồn đồng điệu”.
Không gian ấm cúng của đêm nhạc “Qua nhà Bit chơi” được chị Nguyễn Bích Ngọc (bìa trái) tổ chức tại phố núi Pleiku. Ảnh: NVCC
Dù không quảng bá rầm rộ, chị vẫn duy trì chia sẻ các video trong chuỗi Water Session lên mạng xã hội. Những bản nhạc mộc mạc giữa thiên nhiên âm thầm chạm đến cảm xúc người nghe, thu hút một cộng đồng nhỏ yêu thích âm nhạc gần gũi, chân thành. Với nhiều người, đó không chỉ là giai điệu nhẹ nhàng, mà còn là nơi họ tìm thấy sự đồng cảm và cảm giác được chữa lành.
Bạn Nguyễn Tô Quang Sỹ (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Huệ, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Em rất thích xem kênh của chị Ngọc. Mỗi tối em đều mở nghe sau những giờ học căng thẳng. Nhạc của chị giúp cảm xúc của em dịu lại, bớt lo âu và dễ ngủ hơn. Em cảm nhận rõ sự chân thành trong từng lời hát rất gần gũi, không màu mè, không gượng ép. Nhất là khi chị hát giữa thiên nhiên, mọi thứ trở nên rất thật, rất nhẹ nhàng. Em nghĩ những ai đang mệt mỏi hoặc cảm thấy lạc lõng sẽ tìm được sự an ủi khi nghe nhạc của chị”.
Còn bạn Nguyễn Khánh Trân (sinh viên năm ba, Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng: “Âm nhạc của chị Ngọc giúp kết nối tâm hồn. Khi nghe, em có cảm giác như được sống giữa thiên nhiên, rất yên bình. Em từng sống ở phố núi Pleiku nên càng thấm thía hơn những cảnh rừng, đồi, suối... hiện lên trong video.
Giọng hát trong veo, cách thể hiện mộc mạc khiến em cảm thấy như đang trở về nhà, trở về với ký ức. Dù đang sống ở thành phố khác, nhưng mỗi lần nghe nhạc của chị, em như được nạp lại nguồn năng lượng tích cực từ chính nơi mình sinh ra”.
Âm nhạc của chị Nguyễn Bích Ngọc (bìa phải, nghệ danh A Fishy Bit) như sợi dây kết nối những tâm hồn trẻ. Ảnh: NVCC
Khi được hỏi về áp lực chạy theo xu hướng, chị Ngọc cho hay: “Tôi không đặt nặng chuyện nổi tiếng. Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng tôi vẫn chọn cách làm chậm rãi, chân thật, gắn với thiên nhiên. Những điều tốt đẹp luôn cần thời gian để trưởng thành”.
Trao đổi với P.V, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Thanh Thiết (phường Thống Nhất, tỉnh Gia Lai) nhận định: “Tôi cho rằng việc làm nhạc theo hướng độc lập (Indie), từ sáng tác đến sản xuất, đồng thời ghi hình giữa khung cảnh núi rừng Tây Nguyên, đã giúp nghệ sĩ trẻ A Fishy Bit tạo được màu sắc riêng. Đó không chỉ là cách tôn vinh bài hát mà còn góp phần quảng bá cảnh quan quê hương tươi đẹp.
Người trẻ hôm nay không chỉ làm nhạc để giải trí, mà còn để kể câu chuyện của chính mình bằng những thanh âm chân thành, gần gũi với đời sống và đủ sức chạm đến tâm hồn người nghe”.
Clip: “Có đôi lần” (A Fishy Bit, Duy Dao – Water Session Ep.01) được chị Nguyễn Bích Ngọc thể hiện tại Công viên Diên Hồng (tỉnh Gia Lai).
NGỌC DUY
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/co-gai-gen-z-tha-hon-vao-am-nhac-giua-thien-nhien-pho-nui-post559940.html