Khi giai điệu đám cưới vang lên, cô dâu chú rể tay trong tay bước lên lễ đường trong tiếng chúc phúc của gia đình và bạn bè, thì ở một góc khuất ít người để ý, một cô gái lặng lẽ vung cọ, lưu giữ khoảnh khắc ấy bằng màu sắc sống động.
Đó chính là họa sĩ vẽ tranh cưới, một nghề độc đáo đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ yêu nghệ thuật.
Cô gái có biệt danh Tư Lý Lệ Lệ (SN 1995), tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tây An, từng làm giáo viên tiểu học, hiện theo đuổi công việc mới mẻ này. Tình cờ, cô khám phá ra lĩnh vực vẽ tranh cưới và tìm thấy niềm đam mê trong công việc đó.
Tranh vẽ đám cưới được họa sỹ trẻ phác họa. Ảnh: Sohu
Những bức vẽ giàu cảm xúc
Khi nhận ra đây là công việc không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn chứa đựng tình cảm sâu sắc, Tư Lý Lệ Lệ càng thích thú hơn.
Theo cô, khác với việc chụp ảnh hay quay phim ghi lại sự kiện theo cách trực diện, tranh vẽ cưới mang lại chiều sâu cảm xúc, cho phép nghệ sĩ "thêm thắt" yếu tố cảm xúc vào trong đó.
Có lần, cô được mời vẽ cho một cô dâu có người thân đã qua đời. Cô đã đưa hình ảnh những người thân yêu ấy vào tranh, khiến cô dâu xúc động rơi lệ.
“Tranh cưới không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là kỷ vật chứa đựng giá trị tinh thần lớn của những người thân yêu cả đang hiện diện, lẫn đã khuất của cô dâu, chú rể”, cô chia sẻ.
Các gói dịch vụ vẽ tranh cưới bao gồm tranh toàn cảnh, tranh ký họa tại chỗ và tranh chân dung khách mời. Hiện cô phát triển công việc qua mạng xã hội và đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, dù đây vẫn còn là lĩnh vực khá mới.
Nhiều cặp đôi chọn hình thức này vì muốn ngày cưới trở nên độc đáo và giàu cảm xúc hơn. “Ảnh và video lưu giữ hình ảnh nhưng tranh vẽ mới là nơi cảm xúc được sống lại”, một cô dâu chia sẻ.
Nghề vẽ tranh cưới cũng đối mặt không ít thách thức: Thị trường còn mới, chưa có chuẩn mực rõ ràng, năng lực các họa sĩ chưa đồng đều. Dù vậy, tiềm năng phát triển của nghề rất lớn, nhất là khi nhu cầu cá nhân hóa trong đám cưới ngày càng cao.
Tư Lý Lệ Lệ yêu thích tranh vẽ
Tư Lý Lệ Lệ hy vọng sẽ có nhiều họa sĩ trẻ tham gia và mong muốn có một tổ chức đào tạo chuyên nghiệp để nghề này được phát triển bài bản hơn.
“Chúng tôi không chỉ là người vẽ tranh, mà còn là một phần không thể thiếu trong câu chuyện tình yêu các cặp đôi đang viết”, cô nói.
Với đôi bàn tay tài hoa và trái tim chan chứa cảm xúc, các họa sĩ tranh cưới đang biến những khoảnh khắc yêu thương thành nghệ thuật sống động, biến mỗi nét cọ thành một lời chúc phúc.
Nghề bán thời gian có thu nhập tốt
Tiểu Phùng, một họa sĩ tranh sơn dầu sinh năm 2000 đến từ Chiết Giang cho biết, cô đã theo đuổi nghề vẽ tranh cưới này được hơn 1 năm. Cô cảm thấy, nhu cầu vẽ tranh kiểu này ngày càng cao, thông tin từ QQ.
"Cần 4-6h để hoàn thành một bức tranh sơn dầu và sản phẩm hoàn thiện thường được giao đến tận tay cô dâu chú rể trong ngày.
Do đó thời gian vẽ tại chỗ rất hạn chế. Đến địa điểm sớm giúp bạn quan sát trước tĩnh vật và chuẩn bị bối cảnh có thể vẽ. Đây cũng là chuyên môn cơ bản của một họa sĩ vẽ tranh cưới", Tiểu Phùng cho biết.
Trong một đám cưới mới đây, Tiểu Phùng đã cẩn thận quan sát và vẽ lại những biểu cảm tinh tế của hơn 60 người thân và bạn bè của đôi uyên ương, rồi yêu cầu từng người ký tên. Nhờ vậy bức vẽ trở nên ý nghĩa hơn nhiều.
Tiểu Phùng thích vẽ tranh đám cưới. Ảnh: Sohu
Tiểu Phùng cho rằng, một bức ảnh không thể cho thấy biểu cảm của hơn 60 người tại các thời điểm khác nhau trong cùng một khung hình, còn tranh vẽ lại khác.
Gia đình hào hứng bên tranh cưới đầy đủ thành viên. Ảnh: Sohu
Tiểu Phùng cho biết, hầu hết họa sĩ vẽ tranh cưới hiện nay đều làm việc bán thời gian. Vì số lượng đơn hàng biến động theo mùa nên họ không thể coi đó là công việc chính. Phí cho một bức tranh là từ 2.000 đến 4.000 NDT (7-14 triệu đồng).
Thời điểm nhiều đơn hàng nhất là từ tháng 5-8. Hiện cô đã kín lịch đặt đến tháng 10. Mỗi tháng, cô thu về khoảng 20.000 NDT (hơn 70 triệu đồng). Nếu chỉ là công việc làm bán thời gian thì đây là mức thu nhập khá lớn đối với họa sĩ trẻ như cô.
Tú Linh