Cô gái tái hiện mâm cơm Tết xưa từ bánh ngọt y như thật

Cô gái tái hiện mâm cơm Tết xưa từ bánh ngọt y như thật
2 ngày trướcBài gốc
Mâm cỗ Tết đẹp mắt và làm 100% bằng nguyên liệu ăn được của Thùy Dương cùng cộng sự.
Những ngày đầu năm, khách hàng ghé quán cà phê tại quận Ba Đình (Hà Nội) bị thu hút bởi mâm cỗ Tết được trưng bày trong không gian hoài cổ.
Từ bát, đũa, nồi, niêu đến các món ăn quen thuộc ngày Tết như bánh chưng, nem rán, giò, dưa hành... được tạo hình theo tỷ lệ 1:1 với mâm cỗ thật. Đặc biệt, tất cả đều làm từ bánh ngọt, kẹo đường nên hoàn toàn ăn được.
Tác giả của mâm cỗ Tết mang tên “Vị xưa” là Thùy Dương (29 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) cùng 8 cộng sự. Công việc chính là làm bánh nên cô gái quê Tuyên Quang tận dụng các nguyên liệu quen thuộc để tạo ra sản phẩm đẹp mắt, gợi nhớ về cái Tết cổ truyền đầm ấm, sum vầy.
“Mình ấp ủ ý tưởng cách đây 4-5 năm. Có lần, mình làm thử nhưng thất bại vì chưa đủ khéo léo”, Dương chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, Thùy Dương chợt nhớ về mâm cỗ hôm 30 Tết. Lần này, tự tin vào độ chín trong nghề, cô cùng nhóm bắt tay vào thực hiện trong vòng 5 ngày.
Dương phụ trách các công đoạn chính, quản lý và giám sát, còn những người khác tạo hình phụ kiện. Từ nguyên liệu chính là đường xay và chocolate, những đôi bàn tay cẩn thận nhào nặn từng món ăn, bát, đũa…
“Từng họa tiết, hoa văn trên bát, đĩa đều được vẽ tay bằng màu thực phẩm an toàn. Chúng mình nhờ người thân ở quê tìm lại những mẫu bát, đĩa phổ biến cách đây hơn 20 năm để mô phỏng sao cho chân thật nhất”, cô cho hay.
Nhóm của Thùy Dương mất 5 ngày để hoàn thiện mâm cỗ Tết từ bánh ngọt, kẹo đường.
Không chỉ tạo hình bên ngoài sản phẩm, tất cả chi tiết, nguyên liệu bên trong cũng được chuẩn bị kỹ càng. Đối với nem rán, Thùy Dương mất nửa ngày để suy nghĩ xem nên làm thế nào trông giống thật nhất. Cô tạo hình mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt bào sợi… rồi gói vào bánh đa nem.
Chiếc bánh chưng ngon mắt được Dương dùng cốt bánh cacao, phủ kem chocolate và bọc kẹo đường, để tạo hình. Bốn người tỉ mẩn nặn từng hạt gạo, cố tình làm có hạt tròn hạt méo như đã luộc chín, rồi đính lên bề mặt bánh.
Riêng bát canh bóng bì và thịt đông, Dương dùng thêm chất liệu gelatin để tạo độ trong và bóng, có thể nhìn rõ phần nhân. Để tăng thêm phần sinh động cho miếng thịt quay tẩm ngũ vị hương, cô cẩn thận quan sát miếng thịt thực tế, rồi khéo léo vẽ từng vân thịt.
Mâm cỗ hoàn thành, Thùy Dương đánh giá không hoàn hảo nhưng cô hài lòng về hình dáng và màu sắc của từng sản phẩm. Mỗi lần ngắm nhìn, cô thấy như cả tuổi thơ ùa về.
“Cuộc sống bộn bề nên chỉ có Tết, mình mới được nếm hương vị của bát canh có hành, của nem rán ăn cùng rau mùi, xà lách. Đến tận bây giờ, hễ ăn rau mùi, mình lại có cảm giác Tết về”, cô gái 29 tuổi kể.
Dương cũng mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm một góc chụp hình mang lại nhiều xúc cảm nhất. Cuối cùng, mâm cơm Tết được bày cạnh bình hoa thược dược sắc màu, cành đào nhỏ trang trí bằng bóng bay và lì xì may mắn.
Chiếc bánh chưng ngon mắt được nhóm tác giả dùng cốt bánh cacao, phủ kem chocolate và bọc kẹo đường, để tạo hình.
Thùy Dương chia sẻ bộ ảnh mâm cơm Tết cổ truyền của mình lên mạng xã hội để lan tỏa không khí Tết xưa. Cô bất ngờ khi công sức của mình thu hút hơn 7.000 lượt yêu thích và hàng nghìn bình luận, lượt chia sẻ.
“Nhiều người nghĩ là mâm cỗ thật, nhắn tin hỏi mình mua bát, đũa ở đâu. Nhìn vào đó, nhiều người cũng nao lòng mong ngóng đến Tết”, cô bày tỏ.
Nhiều năm bén duyên với nghề làm bánh, Dương luôn đề cao các giá trị truyền thống của dân tộc. Ký ức xưa luôn mang đến cho cô những ý tưởng thú vị và độc đáo.
Thiên Băng
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/co-gai-tai-hien-mam-com-tet-xua-tu-banh-ngot-y-nhu-that-post1522361.html