Cô gái TP.HCM từ bỏ mức lương gần 80 triệu đồng/tháng để ngủ bù

Cô gái TP.HCM từ bỏ mức lương gần 80 triệu đồng/tháng để ngủ bù
16 giờ trướcBài gốc
Gen Z sinh sống tại TP.HCM đang tạm nghỉ ngơi để chuẩn bị cho kế hoạch công việc tiếp theo.
Trong cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, Tuyết Hân chia sẻ về hành trình làm việc từ xa cho các công ty nước ngoài và những áp lực âm thầm sau mức lương đáng mơ ước.
Tôi là Tuyết Hân (sinh năm 1999), chuyên viên thiết kế trải nghiệm người dùng (UI/UX), sinh sống tại quận 7 (TP.HCM).
Hiện tôi đang tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi quyết định tạm dừng công việc vào tháng 3, sau gần 4 năm gắn bó với công việc thiết kế từ xa cho các công ty nước ngoài.
Tôi từng hài lòng với mức thu nhập 3.000 USD/tháng (gần 80 triệu đồng) khi làm công việc thiết kế lĩnh vực tạo ra trải nghiệm người dùng. Thế nhưng, sau một thời gian dài làm việc 10–12 tiếng mỗi ngày và chỉ ngủ khoảng 4 tiếng mỗi đêm, tôi bắt đầu cảm nhận rõ sức khỏe xuống dốc và thấy mình cần tạm dừng lại.
Làm từ xa không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng
Tôi vốn học ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Ngoại thương (TP.HCM). Nhưng từ năm hai, tôi đã bắt đầu rẽ hướng sang thiết kế. Khi đó, tôi nhận các dự án freelance nhỏ, vừa tự học vẽ, vừa bán tranh để trang trải chi phí sinh hoạt. Cuộc sống sinh viên bận rộn, nhưng nhờ vậy, tôi sớm có thể tự chủ tài chính với thu nhập khoảng 15–20 triệu đồng mỗi tháng.
Khi còn là sinh viên, tôi từng làm việc tại văn phòng trong lĩnh vực marketing. Thời gian đó, môi trường đó khiến tôi cảm thấy gò bó. Không chỉ bởi áp lực công việc, mà còn mệt mỏi vì những câu chuyện nơi công sở. Sau này, khi chuyển sang làm freelance và làm việc từ xa, tôi cảm thấy dễ thở hơn. Mọi người tập trung vào công việc, không quan tâm đến đời sống cá nhân của nhau.
Sau khi tốt nghiệp, tôi nhận ra thu nhập lúc đó không đủ để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn. Vì vậy, tôi quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực UI/UX (thiết kế trải nghiệm người dùng) với mong muốn cải thiện thu nhập. Sau 3 tháng tự học, tôi bắt đầu ứng tuyển và nhận được lời mời làm việc từ một công ty Singapore với mức lương 1.000 USD/tháng.
Làm việc tại nhà đôi khi còn mệt mỏi hơn vì không có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống.
Gắn bó gần 2 năm với công ty nước ngoài đầu tiên, tôi tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới để nâng cao thu nhập. Tôi nhận một công việc thiết kế dạng hợp đồng bán thời gian cho một công ty ở Đức với mức lương 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, tôi dừng lại vì môi trường làm việc thiếu động lực.
Sau đó, tôi nhận hợp đồng toàn thời gian với một công ty ở Mỹ. Thu nhập tăng lên 2.500 USD/tháng, nhưng đi kèm là áp lực lớn hơn do lệch múi giờ, có những hôm tôi làm việc đến 3–4h. Dù mệt, đây lại là giai đoạn giúp tôi cải thiện đáng kể thu nhập, tạo bước đệm cho vị trí tiếp theo với mức 3.000 USD/tháng (bao gồm thưởng hiệu suất).
Công việc gần đây nhất của tôi là tại một start-up công nghệ có trụ sở ở Singapore. Sau hơn 1 năm rưỡi làm việc với cường độ cao, tôi bắt đầu cảm nhận rõ những dấu hiệu xuống sức. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, da dẻ kém sắc, xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn và huyết áp dễ tăng cao bất thường. Việc thiếu ngủ kéo dài cũng khiến tôi mắc chứng đau nửa đầu sau. Những thay đổi này buộc tôi phải dừng lại và nghiêm túc nhìn lại sức khỏe của chính mình.
Thực tế, làm việc từ xa (remote) không hề nhẹ nhàng như nhiều người vẫn tưởng. Nếu như làm việc trên văn phòng còn có giờ đến – giờ về rõ ràng, thì remote khiến ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân gần như bị xóa mờ. Làm ở nhà không đồng nghĩa với thảnh thơi, nhiều khi còn mệt mỏi hơn vì chẳng biết lúc nào mới thật sự “nghỉ”.
Gen Z có phải thế hệ yếu đuối?
Khi quyết định nghỉ việc, tôi hiểu rất rõ rằng mức lương 3.000 USD không phải là điều dễ dàng đạt được, nhất là đối với một người trẻ đang sống ở Việt Nam. Tôi biết ngay cả khi giữ vị trí quản lý tại các công ty trong nước, đạt được mức lương này cũng là điều hiếm hoi.
Nhưng tôi cũng nhận ra nếu tiếp tục, sức khỏe sẽ là cái giá mà tôi phải trả.
Khi tôi chia sẻ ý định nghỉ việc, người đầu tiên ủng hộ là bạn trai tôi. Gia đình tôi thì khác. Mẹ và chị gái khuyên tôi suy nghĩ thật kỹ, bởi ai cũng hiểu rằng mức thu nhập đó không dễ có được lần thứ hai. Tôi cũng cân nhắc rất lâu trước khi đưa ra quyết định. Nhưng sau tất cả, mọi người vẫn tôn trọng lựa chọn của tôi, bởi họ biết, tôi không làm điều này vì suy nghĩ bốc đồng.
Nhiều người thường nhìn thế hệ của tôi và cho rằng chúng tôi "yếu đuối", dễ nản lòng, dễ từ bỏ. Nhưng có lẽ, chúng tôi chỉ đang lớn lên trong một thời đại khác, với những thước đo và giá trị đã thay đổi.
Tôi từng thắc mắc vì sao ba tôi có thể gắn bó với một công việc suốt 30 năm. Sau này, tôi hiểu rằng ở thế hệ của ba mẹ, việc làm ổn định là điều quý giá, và họ không có nhiều lựa chọn như chúng tôi bây giờ.
Cô gái 26 tuổi nhận thấy thế hệ mình lớn lên với áp lực thành công và hoàn thiện bản thân liên tục, khác với thế hệ trước coi trọng sự ổn định.
Thế hệ của tôi trưởng thành trong một thế giới biến động, nơi cơ hội rộng mở nhưng đồng thời cũng đi kèm nhiều áp lực hơn. Chúng tôi không chỉ làm việc để tồn tại, mà còn mang theo kỳ vọng phải thành công, phải hoàn thiện bản thân liên tục.
Tôi cũng nhận ra sự khác biệt trong cách các thế hệ được nuôi dạy. Nếu ba mẹ tôi từng dặn rằng: "Miễn kiếm được tiền là ổn", thì thế hệ chúng tôi lớn lên với một quan niệm khác, sức khỏe tinh thần quan trọng không kém gì sự ổn định về tài chính.
Tôi từng thấy ở nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là tại Australia hay châu Âu, nhân viên được nghỉ vài tháng để tái tạo năng lượng. Còn ở Việt Nam, xin nghỉ 1 tuần cũng có thể bị đánh giá là thiếu cam kết.
Có lẽ, thay vì so sánh, điều chúng ta cần là sự thấu hiểu giữa các thế hệ.
Bước chậm trước khi bước xa hơn
Sau khi nghỉ việc, tôi dành phần lớn thời gian để… ngủ. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng đó là điều cơ thể tôi cần nhất sau gần 4 năm thiếu ngủ triền miên vì công việc. Những ngày đầu, tôi gần như chỉ nằm nghỉ, như thể bù lại khoảng thời gian đã đánh đổi cho guồng quay cũ.
Dù vậy, tôi không xem đây là khoảng nghỉ hoàn toàn. Tôi lên kế hoạch rõ ràng cho chặng đường tiếp theo: học lập trình để chuyển hướng từ một chuyên viên thiết kế truyền thống sang designer-engineer (lập trình kiêm thiết kế). Tôi cũng muốn thử sức với vai trò nhà sáng tạo nội dung và bán tranh trở lại.
Và nếu mọi thứ không theo kế hoạch? Tôi vẫn sẵn sàng quay lại công việc toàn thời gian hoặc freelance. Trải qua cảm giác kiệt sức, tôi không còn sợ bắt đầu lại, miễn là bản thân còn động lực và mục tiêu rõ ràng.
Một điều tôi nhận ra rất rõ sau gần 2 tháng nghỉ việc, đó là nghỉ ngơi không hẳn đồng nghĩa với tận hưởng.
Hiện tại Hân đầu tư thời gian nhiều hơn cho sức khỏe.
Khi đã rời xa công việc đủ lâu, đôi khi ta lại thấy thiếu nhịp điệu, thiếu sự kết nối. Tôi hiểu vì sao có những người dù đã ổn định về tài chính vẫn muốn đi làm, không chỉ vì thu nhập, mà vì cảm giác được tương tác, được đóng góp, được hiện diện trong một guồng sống quen thuộc.
Sau tất cả, tôi nhận ra rằng thay vì dốc toàn bộ sức lực để đổi lấy một khoản thu nhập trong thời gian ngắn, điều tôi thật sự cần là một kế hoạch dài hơi, cho cả tài chính lẫn sức khỏe. Đến một lúc nào đó, không ai muốn mình mới bước qua tuổi 30 đã kiệt sức phải nằm viện.
Vì thế, tôi tin rằng người trẻ nên đầu tư sớm vào sức khỏe thể chất và tinh thần, những thứ dễ bị xem nhẹ ở tuổi 25–26. Đồng thời, việc lựa chọn một công việc phù hợp cùng lộ trình học hỏi rõ ràng cũng quan trọng không kém. Đó là cách để tránh rơi vào vòng lặp “bán sức – bán thời gian” chỉ để đổi lấy thu nhập ngắn hạn.
Như Phương
Ảnh: NVCC
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/co-gai-tphcm-tu-bo-muc-luong-gan-80-trieu-dongthang-de-ngu-bu-post1544256.html