Hình ảnh cô gái trẻ bật khóc giữa hành lang bệnh viện được chia sẻ trên mạng xã hội. (Video: BSCC)
Hình ảnh một cô gái trẻ ôm tờ giấy xét nghiệm, gục đầu trên ghế chờ ở hành lang bệnh viện với đôi mắt đỏ hoe lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Cô nhận kết quả chẩn đoán mắc ung thư máu giai đoạn 3 và hoàn toàn suy sụp, tay run không ngừng, không thể đứng vững.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh – chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết, cô gái đó là bệnh nhân do anh trực tiếp thăm khám. Cô gái 22 tuổi, mới tốt nghiệp đại học và vừa bắt đầu đi làm.
Sau Tết Nguyên đán, cô thường xuyên mệt mỏi kéo dài nhưng nghĩ là do thay đổi môi trường sinh hoạt. Một dấu hiệu bất thường khác là chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, nên đi khám phụ khoa. Kết quả xét nghiệm công thức máu lại phát hiện bất thường, nên cô được chỉ định chuyển sang chuyên khoa ung bướu để tiếp tục kiểm tra chuyên sâu.
Cầm kết quả chẩn đoán mắc ung thư máu giai đoạn 3, cô gái òa khóc nức nở giữa hành lang bệnh viện. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Duy Anh cho biết, kết quả huyết đồ ban đầu vẫn trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ phát hiện khối nghi ngờ ở khoang sau phúc mạc.
“Cô gái lo lắng. Tôi động viên chụp CT ngực – bụng thì thấy có nhiều hạch trong ổ bụng, khoang ngực, cạnh cột sống thắt lưng – dấu hiệu không bình thường”, bác sĩ kể.
Bệnh nhân được chỉ định sinh thiết hạch ổ bụng và kết quả trả về là u lympho không Hodgkin – một dạng ung thư máu. Nhận kết luận, cô gái trẻ sụp đổ hoàn toàn.
Thấy bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm lý, bác sĩ lập tức liên hệ bộ phận tư vấn tâm lý và điều dưỡng nữ để hỗ trợ. “Cô ấy được đưa vào phòng riêng, một bác sĩ nữ và một điều dưỡng nữ cùng động viên, trấn an tinh thần. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân bình tĩnh hơn và gọi điện báo tin cho gia đình”, bác sĩ Duy Anh nói.
Hai ngày sau, cô quay lại bệnh viện cùng người thân để nghe tư vấn điều trị. Theo bác sĩ, trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị kết hợp ghép tủy, nếu tìm được người hiến phù hợp. Sau điều trị, bệnh nhân còn phải làm xét nghiệm gene để đánh giá khả năng tái phát.
Bác sĩ Duy Anh thăm khám cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Duy Anh khẳng định, với sự tiến bộ của y học hiện nay, tỷ lệ sống thêm 5 năm với bệnh nhân ung thư máu có thể lên đến 80%, trong khi trước đây chỉ đạt khoảng 50-60%. Có nhiều người điều trị ổn định, quay lại làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí lập gia đình và sinh con khỏe mạnh.
“Quan trọng nhất là phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Đừng bỏ điều trị để nghe theo các phương pháp truyền miệng như thực dưỡng hay thuốc nam, sẽ bỏ lỡ giai đoạn vàng”, bác sĩ nói.
Ung thư máu còn gọi là bệnh máu trắng, xảy ra khi tủy xương tăng sinh mất kiểm soát một loại tế bào non gọi là blast. Tế bào này tràn vào máu, ức chế sản sinh hồng cầu và tiểu cầu, khiến bệnh nhân thiếu máu, dễ bầm tím, chảy máu cam, ra mồ hôi ban đêm hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Nếu xuất hiện các dấu hiệu này, người dân nên đi khám để sàng lọc ung thư máu càng sớm càng tốt.