Theo Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, chỉ trong vài ngày, chị H.T. (21 tuổi, ở Tây Ninh) từ những triệu chứng tưởng chừng nhẹ như mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng âm ỉ… đã rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, đe dọa tính mạng.
Ban đầu, chị T. nghĩ mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm siêu vi thông thường nên tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm, thậm chí chuyển nặng với cơn đau bụng dữ dội không đáp ứng với thuốc giảm đau, nôn ói liên tục, khiến cơ thể kiệt sức. Gia đình lập tức đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay xuất huyết - Ảnh minh họa
Tại Khoa Khám bệnh, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Dù không sốt cao, không có biểu hiện xuất huyết ngoài da, nhưng kết quả xét nghiệm ghi nhận tiểu cầu giảm còn 36.000/uL, men gan tăng cao, phù nề túi mật, tụ dịch ổ bụng và màng phổi lượng nhiều cho thấy tình trạng thoát dịch nặng.
Tình trạng lâm sàng bệnh nhân biểu hiện nặng như sốt, nôn ói nhiều lần, uống nước kém, đau tức bụng nhiều, huyết áp kẹt… nên nhanh chóng được làm các xét nghiệm chẩn đoán với kết quả NS1Ag dương tính.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội Tổng Quát để điều trị tích cực theo phác đồ có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, bệnh chuyển biến sang sốc sốt xuất huyết Dengue, với hai lần tái sốc phải truyền tới cao phân tử và Albumin, đồng thời giảm tiểu cầu nặng gây xuất huyết dưới da, tăng men gan nặng, tình trạng thoát dịch nhiều, cô đặc máu cao.
Trong suốt quá trình điều trị, các bác sĩ đã theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn, kiểm soát dịch truyền, chức năng gan thận và kịp thời xử lý các biến chứng.
Sau 9 ngày điều trị, chị T. dần hồi phục, các chỉ số sinh học ổn định và đã được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Ngọc Việt – Trưởng khoa Nội Tổng Quát cho biết: “Bệnh nhân T. là một trường hợp điển hình cho thấy sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay xuất huyết. Nhiều trường hợp khởi phát âm thầm với triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng…, khiến bệnh nhân chủ quan, tự điều trị tại nhà mà không biết rằng cơ thể đang bị bệnh nặng”.
Theo bác sĩ Việt, khó khăn nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân T. là dù các bác sĩ đã nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và điều trị sớm, nhưng bệnh nhân vào “sốc sớm” ở những ngày đầu với biểu hiện nặng: Thể trạng bệnh nhân yếu, nôn ói nhiều lần, tình trạng thoát dịch ra màng phổi và màng bụng lượng nhiều gây đau tức bụng, nôn ói, khó thở, tình trạng cô đặc máu cao và giảm tiểu cầu nặng. Sau khi ra sốc giai đoạn hồi phục bệnh nhân đối diện với tình trạng mệt khó thở do tái hấp thu dịch.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Nhiều trường hợp chuyển nặng gây tổn thương đa cơ quan: Có thể suy thận, viêm gan nặng, sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng… Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể nguy hiểm đe dọa tính mạng, và có thể tử vong.
Bệnh viện khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Khi có biểu hiện như sốt, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, trong mùa cao điểm sốt xuất huyết, việc phòng ngừa muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.
Bình Nguyên