Cô giáo Báu

Cô giáo Báu
3 giờ trướcBài gốc
Khi còn cách chừng hơn chục cây số là tới xã Kiên Mộc thì bỗng dưng xe chết máy. Người lái xe quay lại phân bua với mọi người: "Mời bà con tạm nghỉ ít phút, nhà xe chỉ chữa loáng cái là xong".
Nhìn ngược lên thấy một cái quán nhỏ ven đường tôi chậm rãi bước vào.
Quán chỉ bán bánh kẹo và các loại nước uống đóng chai. Chủ quán là một cô gái chưa đến ba chục tuổi đon đả: "Mời bác vào nghỉ chân".
Quán khá nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Tôi nói: "Cho tôi xin một chai nước khoáng". Cô chủ quán khẽ vâng. Cửa quán phía sau mở rộng, cách một khoảng sân nhỏ là căn nhà ba thụt, hai thò làm theo kiểu vùng xuôi. Tôi nghe tiếng võng đưa và tiếng trẻ thơ ọ ẹ. Cô chủ quán đặt trước mặt tôi chai nước đã mở nắp và một chiếc cốc: "Mời bác uống nước ạ!".
Nhìn cô gái, tôi giật mình. Trời ơi! Đôi mắt này, khuôn mặt này tôi từng gặp ở đâu rồi. Thân lắm, quen lắm. Thấy tôi nhìn chăm chú, cô gái cúi mặt quay đi. Có tiếng trẻ khóc, cô đứng dậy bước nhanh xuống nhà dưới. Lát sau một người đàn bà có tuổi gầy nhỏ, mái đầu điểm bạc từ nhà dưới đi lên. Tôi đoán là mẹ cô chủ quán. Bà bước vào cửa. Tôi bật lên khỏi ghế: "Báu! Cô giáo Báu phải không?". Người đàn bà vẻ không ngạc nhiên. Hẳn bà cho rằng việc gặp nhau là điều hiển nhiên. Ngồi xuống ghế đối diện, tay bà nhấc cặp kính, tay còn lại lau những giọt nước mắt đang trào ra: "Vâng. Báu đây. Ngồi dưới nhà em nghe tiếng rất quen. Người đầu tiên em nghĩ tới là anh".
*
Mùa hè năm 1980, tôi tốt nghiệp trường sĩ quan biên phòng rồi được điều về đồn biên phòng Kiên Mộc, ngày ấy còn gọi là công an vũ trang.
Điều kiện sống ở đây thật khắc nghiệt. Dân bản đói lay lắt, lương thực chỉ đủ ăn sáu tháng, những tháng còn lại phải vào rừng đào củ mài thay gạo, thay ngô. Nạn du canh, du cư và đốt phá rừng thường xuyên xảy ra. Tại đây tôi quen cô giáo Báu.
Năm ấy mưa nhiều không dứt. Nước sông Kỳ Cùng, sông Đông Khuy đổ về như thác. Lũ nhanh chóng dâng cao cắt ngôi trường ra khỏi bản. Ngôi trường như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Các giáo viên trong trường đã về nghỉ hè, chỉ còn mình cô giáo Báu. Sau khi bàn bạc và thống nhất với ban chỉ huy đồn biên phòng, tôi vượt lũ sang cứu cô giáo. Tôi vốn dân vùng biển quen với gió to, sóng dữ nên vượt qua dòng lũ không phải là nguy hiểm. Vừa thấy tôi vào, Báu đã nước mắt vòng quanh: "Em tưởng không còn được gặp các anh nữa". Tôi vỗ về an ủi: "Đừng sợ, mọi việc đã qua rồi".
Tôi không mất nhiều thời gian tìm hiểu về cô giáo Báu. Mọi thông tin đến với tôi rất nhanh. Báu trẻ trung, dung nhan coi được nhưng gầy như que củi, mắt sâu thăm thẳm, phảng phất buồn.
Báu là con gái yêu của "Bố già" buôn thuốc phiện, quê TP Nam Định. Ông bị bắt năm 1977 với cái án 20 năm tù, đang nằm trong trại giam gần đây. Thương bố đơn côi giữa núi rừng, Báu đi theo để tiện việc chăm sóc. Năm đầu tiên với một cô gái thành phố cực kỳ khó khăn. Hằng ngày, Báu phải vào rừng làm việc như mọi người dân nơi đây. Sau thấy trường cấp 1 của xã thiếu giáo viên, Báu xin ông chủ tịch xã Lò A Sảng cho dạy học không lương, không chế độ. Dạy lớp 1 thôi vì Báu chỉ tốt nghiệp lớp 10. Cô được bà con dân bản trả bằng ngô khoai đỗ lạc... Nghĩa là bằng tất cả những cái gì có thể ăn no.
Đến năm thứ ba, ông Sảng lên phòng giáo dục huyện xin cho Báu vào biên chế. Ông trưởng phòng trợn mắt: “Đến bố tôi cũng không dám nhận một người có bản lý lịch đen thui, lại chưa qua sư phạm vào làm cô giáo. Tính giai cấp để đâu hả ông chủ tịch?". Ông Sảng nài nỉ: "Cô Báu là một người tốt. Làm việc cùng nhau ba năm nay tôi lạ gì". Ông trưởng phòng vẫn lắc đầu. Ông Sảng nổi khùng nói: "Các anh giáo điều lắm. Cha phạm tội thì cha phải chịu, sao bắt con gánh cùng?". Ông trưởng phòng nhắc lại: "Nguyên tắc là nguyên tắc". Ông Sảng vùng đứng lên: "Dân bản chúng tôi cần tấm lòng yêu trẻ, cần sự cảm thông chứ không cần bằng cấp. Ông nghĩ xem những người mà các ông chuyển về tốt nghiệp cả đấy nhưng được mấy người trụ lại? Không nhận cô Báu thì lấy ai dạy lũ trẻ? Bỏ trống lớp à?".
Lần này thì ông trưởng phòng im lặng. Ông nhớ hồi đầu năm học điều về Kiên Mộc sáu thầy cô vừa tốt nghiệp sư phạm. Được một tháng, nửa đêm năm người lặng lẽ vượt rừng về xuôi. Tháng sau phòng lại điều về ba người khác nhưng cũng chỉ ở được hai tháng rồi bỏ đi hết. Cái khổ cực, cái đói không giữ được chân ai. Cuối cùng ông trưởng phòng đành nói: "Để tôi báo cáo với các đồng chí lãnh đạo việc này. Trường hợp cô Báu, tôi ủng hộ ông". Nói dỗi là vậy chứ ông Sảng không thể bỏ trường, bỏ lớp. Vất vả trăm bề mới tạo dựng được thói quen cho con đi học của đồng bào dân tộc thiểu số sao bỗng chốc bỏ đi.
Chẳng hiểu sao vào đầu năm học mới Báu nhận được lệnh điều động của phòng giáo dục sang Kiên Hoa. Bản Kiên Hoa giáp ranh với Kiên Mộc nhưng sâu hơn. Điều kiện sống khó khăn gấp nhiều lần Kiên Mộc, toàn người Mông. Họ đang tập làm quen với cuộc sống định canh, định cư. Đường đi vào Kiên Hoa chỉ bằng chiều ngang bàn chân, lầy lội và trơn trượt. Ngôi trường nằm trên một khoảng đất trống mấp mô những đá là đá. Đêm ngồi bó gối trong căn nhà tập thể giáo viên dựng vội nghe tiếng mưa rơi sụt sùi ngoài hiên buồn nẫu ruột.
Đói ghê gớm, đói quay quắt. Đồng lương tượng trưng chờ mỏi mắt mới tới. Tất cả giáo viên mỗi ngày chỉ được một bữa ăn cơm, còn một bữa ăn cháo. Các thầy cô vừa húp cháo vừa nhìn nhau khóc.
Sau này khi quen thân với ông trưởng phòng giáo dục huyện tôi mới hiểu nguyên do Báu phải chuyển trường. Bằng giọng lạnh lùng nhưng rất thật, ông bảo: "Lãnh đạo phòng tính gom mấy giáo viên lưu dung hoặc có lý lịch chẳng giống ai vào đó. Vừa dễ quản lý khi có biến, vừa có giáo viên cho vùng sâu, vùng xa. Nhất cử lưỡng tiện". Tôi trợn tròn mắt nhìn ông kinh ngạc. Thật may cho lũ trẻ, cấp trên nghĩ thế nhưng giáo viên ở đây không nghĩ thế. Họ cùng với chính quyền xã vận động bà con chung tay xây dựng trường.
Do ở xa nên tôi thỉnh thoảng mới gặp Báu. Lần nào cô cũng khóc: "Thương các em nhỏ quá anh ạ!". Rồi cô kể: "Ban đầu vất vả lắm, phải giải thích cho bà con hiểu có cái chữ tốt gấp nhiều lần hạt gạo, hạt ngô... Bà con bảo: Nhưng bụng tao đói, ăn cái chữ không no". Im lặng rất lâu, Báu nói tiếp: "Chúng em phải đến từng nhà trong sự ghẻ lạnh của mọi người, để xin các bậc cha mẹ cho bọn trẻ đến lớp học con chữ".
Lần hồi rồi cũng qua, trường lớp đông dần. Nhưng cái đói, cái khổ cũng quật đổ nhiều giáo viên của bản. Nhiều ngày Báu phải dạy ba, bốn lớp cùng một lúc. Trường có ba phòng học, mỗi phòng lại chia ngang thành hai lớp ngồi quay lưng lại nhau. Vừa giảng cho lớp này một đoạn lại phải rảo bước về cuối nhà giảng cho lớp khác. Người khỏe mạnh có khi còn buông xuôi huống chi Báu lại gầy yếu.
Một lần vào Kiên Hoa giúp đồng bào dựng nhà, tôi ở lại vài ngày. Nửa đêm Báu đến gõ cửa phòng tôi. Cửa vừa mở, Báu ghé sát tai tôi nói khẽ: "Anh còn phong lương khô nào không? Em đói quá". Tôi trách mình vô tâm. Cả ngày hôm nay Báu chưa có hạt cơm nào vào bụng. Ban chiều tôi thấy Báu quần vo, áo túm lội suối kiếm con cá, con cua. Mấy cậu đi cùng tôi khấp khởi tối nay sẽ được ăn bữa cơm canh cá mát ruột. Nào ngờ những thứ kiếm được Báu mang cho học trò hết, để rồi ôm cái bụng đói về ngủ.
Thương Báu quá, nước mắt tôi chỉ chực trào ra. Tôi đánh liều hỏi: "Sao em không bỏ về quê như bao giáo viên khác?". Báu cười khẽ: "Bố em cũng bảo em vậy. Về quê chị em no đói có nhau, ở đây bố tự lo được. Thật bụng mấy lần định dứt áo nhưng lũ trẻ như đọc được ý nghĩ của em. Mắt chúng rưng rưng thập thò sau cửa sổ như cầu xin cô giáo ở lại. Anh tính đi sao nổi. Hơn nữa cả huyện, cả tỉnh, cả nước khổ chứ đâu riêng mình em".
Đời người lính nay đây mai đó là chuyện bình thường. Ở Kiên Mộc được 5 năm tôi chuyển đơn vị. Đêm chia tay hai chúng tôi ngồi trong căn phòng dành cho nữ. Thấy khuya tôi đứng dậy nói: "Sáng mai anh đi. Chúc em ở lại mạnh giỏi, bình an". Báu cũng đứng dậy. Đột nhiên Báu ôm choàng lấy tôi. Tôi còn đang bàng hoàng thì đôi môi ấm mềm của Báu đã áp chặt vào môi tôi. Báu nói gấp gáp: "Anh Thoảng. Em yêu anh!".
Nhẹ nhàng gỡ bàn tay Báu, tôi nói: "Hãy tha thứ cho anh. Anh nhận ra tình yêu của em từ lâu rồi. Nhưng anh là kẻ hèn nhát, không xứng với tình yêu của em. Anh không thể vượt qua được hàng rào ngăn cách của chủ nghĩa lý lịch. Chúng ta hãy coi nhau như những người bạn tốt. Được không em?". Báu không trả lời...
Từ đó đến nay tôi không liên lạc với Báu nữa. Tôi không phải kẻ quên lời hứa. Chẳng qua tôi không muốn Báu nuôi tình yêu trong ảo tưởng. Hãy để mảnh vỡ mối tình đầu ngủ yên.
Cuộc gặp gỡ hôm nay quá bất ngờ. Thấy tôi nhìn chăm chú vào tấm ảnh một anh bộ đội đeo quân hàm thiếu úy, Báu nói: “Đây là nhà em, anh hy sinh năm 1988 tại mặt trận Hà Giang”. Tôi chia buồn cùng Báu. Không muốn câu chuyện nặng nề, tôi hỏi: "Em vẫn còn ở đây sao?". Báu nhìn tôi ngạc nhiên: "Em không ở đây thì ở đâu? Đây là quê hương thứ hai của em mà. Cháu gái vừa rồi là con gái em, giáo viên. Còn chàng rể công tác tại huyện đội". Tôi lại hỏi: "Kiên Hoa độ này thế nào?". Báu cười: "Khác xưa nhiều lắm, có điện, có lúa nước, có trường cấp 2, có đường nhựa chạy qua. Ban đầu cái gì chả khó khăn, thậm chí cay đắng nữa. Bù lại, em nhận được sự yêu thương của học trò, của bà con dân bản, sự tin cậy của chính quyền, của đồng nghiệp. À, ông Lò A Sảng mất rồi, thọ 80 tuổi. Thật tiếc".
Tôi lặng người trước câu chuyện của Báu. Tôi không thể hiểu nổi một tiểu thư Thành Nam gầy yếu mà ba chục năm bền bỉ gùi từng con chữ leo 12 con dốc Kiên Mộc lên ươm cho đồi núi cỗi cằn, nơi gian khổ bậc nhất cả nước. Chấp nhận về mình mọi thua thiệt, đắng cay mà vẫn hết lòng vì lũ học trò.
Tôi hỏi: "Giả sử, chỉ giả sử thôi, ngày ấy em chạy trốn khỏi Kiên Mộc thì cuộc sống của em hôm nay sẽ như thế nào?". Không đắn đo, Báu nói: "Nếu đời người cho phép làm lại em vẫn làm như đã làm. Được sống trọn đời với ước nguyện của mình là niềm hạnh phúc lớn lao".
Câu trả lời đơn giản của Báu đã giải thích cho tôi mọi điều thắc mắc. Đúng rồi, chính lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp Báu, giúp người đàn bà gầy yếu vững bước trên con đường mình đã chọn.
NGUYỄN SỸ ĐOÀN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/co-giao-bau-397769.html