Cô Đoàn Thị Lan, một giáo viên mầm non tận tâm, dành trọn niềm đam mê ẩm thực và tâm huyết của mình để dạy các bạn tự kỷ kỹ năng nấu ăn.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi có mặt tại ngôi nhà là một không gian ấm cúng, với những chiếc bàn đơn giản nhưng gọn gàng. Đặc biệt là căn bếp mở, nơi mọi người có thể thấy trực tiếp những món ăn được chế biến từ những đôi tay nhỏ bé. Bếp có một chiếc tủ lạnh luôn đầy ắp nguyên liệu tươi ngon, mùi thơm của các món ăn lan tỏa khắp không gian, khiến ai cũng cảm thấy thư giãn và bình yên.
Đây cũng là nơi cô Đoàn Thị Lan, một giáo viên mầm non nhưng rất tận tâm, dành trọn niềm đam mê ẩm thực và tâm huyết của mình để dạy các bạn nhỏ kỹ năng nấu ăn, giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Vào mỗi chiều Chủ nhật, các bạn nhỏ tự kỷ cùng cô Lan và các tình nguyện viên lại tụ tập trong không gian này. Các em, vốn dĩ ít nói và có những khó khăn trong giao tiếp, giờ đây lại háo hức, nở những nụ cười hồn nhiên khi chuẩn bị các món ăn đầu tiên của mình.
Tự tay làm ra sản phẩm là niềm tự hào và động lực to lớn cho các em và gia đình.
“Nấu ăn đối với tôi không chỉ là một sở thích, mà là cách tôi thể hiện tình yêu thương và kết nối với mọi người. Và đặc biệt, tôi đã tìm thấy niềm vui to lớn khi được dạy các bạn nhỏ tự kỷ, giúp các em học cách chăm sóc bản thân và cảm nhận được sự tiến bộ qua từng bữa ăn tự tay mình làm" - cô Lan chia sẻ.
Một buổi chiều, khi cô Lan hướng dẫn các em cách làm bánh xu xê, cô có một cuộc trò chuyện với Khánh - một cậu bé vốn ít giao tiếp nhưng rất thích nấu ăn. Khánh vừa xoa tay vào chiếc bánh vừa nói, vẻ mặt lấp lánh: “Cô ơi, con làm xong rồi ạ". Cô Lan mỉm cười và vỗ về: “Con làm rất giỏi. Cô tự hào về con”. Khánh nhìn cô rồi quay lại nhìn chiếc bánh, đôi mắt sáng rỡ niềm vui.
Phụ huynh của Khánh (chị Huyền) cũng có mặt trong lớp học ngày hôm đó. Sau khi Khánh hoàn thành món bánh đầu tiên, chị Huyền không giấu được sự xúc động. Chị cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy con mình tự tin như vậy. Trước đây, Khánh chưa bao giờ dám thử làm gì. Hôm nay, con không chỉ làm món ăn mà còn khoe với mọi người. Đó là một bước tiến lớn đối với Khánh và cả gia đình”.
Cũng như Khánh, nhiều bạn nhỏ khác trong lớp học đã có những thay đổi rõ rệt. Từ những bạn rụt rè, kỹ năng hầu như chưa có những đến nay các em đã biết tự tin giới thiệu sản phẩm mình làm, biết quan tâm đến bạn cùng lớp, và háo hức mong chờ cuối tuần để được “đi học nấu ăn”.
“Từng mầm nhỏ được gieo bằng yêu thương, sẽ lớn lên thành những điều kỳ diệu" - cô Lan khẳng định.
Mỗi buổi học, cô Lan không chỉ dạy các em kỹ năng nấu ăn mà còn giúp các em phát triển những kỹ năng sống cơ bản như giao tiếp, chia sẻ và tự lập. “Những ánh mắt sáng lên khi các em hoàn thành một chiếc bánh, một phần cơm, hay tiếng cười vang lên trong bếp nhỏ, đó chính là món quà lớn nhất tôi nhận được" - cô Lan tâm sự.
Có hôm khi các em đã quen với việc làm bánh, xôi hay chè, cô Lan quyết định thử thách các em một bước mới. Cô tổ chức một buổi bán hàng nhỏ trong khu phố để các em có cơ hội bán những món ăn mình làm ra. Doanh thu tuy không lớn, nhưng đối với các em, đó là nguồn thu nhập đầu tiên trong đời - và cũng là niềm tự hào và động lực to lớn cho các em và gia đình.
Cô Lan còn nhớ một câu chuyện đặc biệt: “Lần đầu tiên khi Khánh nhận được tiền từ việc bán bánh, em đã cầm tờ tiền trên tay mà mắt sáng lên. Khánh không nói gì, nhưng tôi biết, đó là niềm tự hào lớn của em”.
Mơ ước của cô Lan là một ngày không xa, sẽ có một “Tiệm bánh, Xôi, Chè Happy” - nơi các bạn nhỏ tự kỷ có thể làm việc, học tập, và tự hào giới thiệu sản phẩm của mình: “Đây là sản phẩm do chính tay em làm ra!”.
Và trong suốt hành trình này, cô Lan vẫn tiếp tục những buổi học nhỏ mỗi chiều Chủ Nhật, gieo mầm yêu thương và hy vọng, vì cô tin rằng mỗi đứa trẻ đều có thể tỏa sáng theo cách của riêng mình, nếu được đồng hành đúng cách. “Từng mầm nhỏ được gieo bằng yêu thương, sẽ lớn lên thành những điều kỳ diệu" - cô Lan khẳng định.
Yên Chi