Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện
Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Ban tổ chức trao khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt giải cao gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 10 giải khuyến khích.
Trong đó, tác giả Nguyễn Bình An (giáo viên trường THPT Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) xuất sắc đạt giải nhất với tác phẩm "Trầm tích phù sa”. Bài viết nói về người thầy sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hậu, như những hạt phù sa thầm lặng bồi đắp cho ruộng vườn xanh tốt, người thầy ấy đang từng ngày thầm lặng cống hiến để giúp học sinh tiến bộ và hoàn thiện, chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được nâng cao.
Cô Nguyễn Bình An giành giải nhất cuộc thi viết năm nay.
Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 được phát động từ tháng 9/2024. Sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi của các tác giả trên cả nước tham gia dự thi.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải tập thể; 1 giải nhân vật tiêu biểu; 4 giải phụ gồm: Giải sáng tạo, giải phong cách, giải truyền cảm hứng, giải ấn tượng.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi đánh giá, năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc. Có nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò từ chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã gặt hái được thành công.
"Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã trở thành thầy, cô giáo và hiện trực tiếp giảng dạy cộng hưởng từ chính thầy cô của mình…", ông Lâm chia sẻ.
Khánh Huyền