Cố GS Trần Hồng Quân với nhiều dấu ấn trong đổi mới GD qua chia sẻ của cộng sự

Cố GS Trần Hồng Quân với nhiều dấu ấn trong đổi mới GD qua chia sẻ của cộng sự
6 giờ trướcBài gốc
.t1 { text-align: justify; }
Tại cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) quý II năm 2025, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đã đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để ghi nhận những cống hiến to lớn của cố giáo sư cho ngành giáo dục nước nhà.
Thông tin trên được rất nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học hưởng ứng, bởi, đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với sự tận tụy và tâm huyết của vị cố giáo sư dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã có rất nhiều đóng góp cho sự đổi mới giáo dục
Là người từng được làm việc trực tiếp với cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết: “Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân là một sự ghi nhận xứng đáng. Bởi vì, cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã có rất nhiều đóng góp cho sự đổi mới trong công tác giáo dục. Có thể nói, thời kỳ mà cố Giáo sư Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng là một thời kỳ huy hoàng, rất đáng tự hào của giáo dục Việt Nam.
Vị Bộ trưởng luôn luôn đau đáu về đổi mới sự nghiệp giáo dục, luôn luôn trăn trở phải làm cách nào để thu hút và trọng dụng nhân tài để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Và hơn hết, thái độ của một người lãnh đạo rất khiêm tốn, rất gần gũi, thân tình và luôn luôn động viên, khích lệ những người trực tiếp làm công tác giáo dục làm tốt công việc của mình”.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn nhớ như in về quãng thời gian được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục rèn luyện thể chất (sau đổi tên là Vụ Giáo dục thể chất) dưới thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân.
Thầy Kỳ Anh tâm sự: “Sau buổi giao ban của cơ quan Bộ mà tôi lần đầu tiên tham dự, Bộ trưởng Trần Hồng Quân khi ấy đã nán lại bắt tay, hỏi thăm sức khỏe của tôi và nói: “Kỳ Anh cố gắng xây dựng Vụ trở thành đơn vị tiên phong trong mảng chỉ đạo rèn luyện thể chất, giáo dục sức khỏe giúp cho thế hệ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện con người nhé!”.
Với giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm của anh, tôi hứa sẽ đổi mới về các hoạt động của lĩnh vực này trong thời gian tới và mong được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo.
Từ đó, vị Bộ trưởng thời kỳ ấy không chỉ đưa ra những quyết sách mới mẻ, độc đáo, táo bạo về giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, phổ thông, mầm non, mà thực sự rất quan tâm đến sự phát triển toàn diện con người của học sinh, sinh viên”.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, vị cố Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo Vụ Giáo dục rèn luyện thể chất (sau đổi tên là Vụ Giáo dục thể chất) một số hoạt động như:
Thứ nhất, Bộ trưởng đã ký quyết định để đưa môn học Giáo dục sức khỏe trở thành môn học chính thức đối với bậc tiểu học. Vụ đã biên soạn bộ sách giáo khoa Giáo dục sức khỏe cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và sách hướng dẫn giảng dạy môn học cho giáo viên và đã được giảng dạy trong các nhà trường tiểu học từ thành phố đến nông thôn, miền núi. Dư luận xã hội, các bậc phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên rất đồng tình và học sinh rất phấn khởi học tập vì nó thiết thực cho việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật của trẻ.
Thứ hai, Bộ trưởng chỉ đạo sâu sát để triển khai các hoạt động thể dục thể thao học sinh, sinh viên. Hồi đó, ngoài Hội khỏe Phù Đổng, Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường dân tộc nội trú, Hội thi Nghiệp vụ sư phạm được ra đời và tiến hành rất đều đặn, rất sôi nổi, rất khí thế, khích lệ học sinh, sinh viên, giáo viên nỗ lực rèn luyện thể chất, tinh thần, trí tuệ và nhân cách một cách toàn diện. Qua các hội thi từ cơ sở trường học đến quy mô toàn quốc đã góp phần tạo nguồn cung cấp các vận động viên xuất sắc của nhiều môn thể thao trong các cuộc thi tài về thể thao trong nước và quốc tế. Bản thân Bộ trưởng Trần Hồng Quân khi đó cũng là một "vận động viên" bóng bàn xuất sắc của đơn vị cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ ba, Bộ trưởng quyết định, cứ hai năm một lần, Vụ được tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về giáo dục sức khỏe, rèn luyện thể chất và y tế trường học. Nhờ đó rất nhiều các nhà khoa học của các ngành liên quan, các cơ sở giáo dục, y tế, thể dục thể thao đã tham gia với nhiều đề tài có giá trị thực tiễn, khoa học. Bộ trưởng cũng tạo điều kiện cho cán bộ Vụ và các đơn vị liên quan được đi dự các hội nghị, hội thảo, tham quan các trường học nước ngoài về công tác sức khỏe, dinh dưỡng, y tế học được cũng như cử các vận động viên học sinh, sinh viên tham gia tranh tài ở các cuộc thi thể thao ASEAN, châu Á và thế giới.
Thứ tư, Bộ trưởng đã đồng ý cho xuất bản Tạp chí Giáo dục thể chất, phát hành mỗi tháng một số. Mặc dù rất bận, nhưng vị Bộ trưởng khi ấy vẫn nhiều lần tham gia viết bài chúc đầu Xuân và định hướng về giáo dục thể chất cho Tạp chí. Tạp chí đã được phát hành đến tận các cơ sở giáo dục các cấp và trường học trên cả nước. Tạp chí không chỉ giới thiệu về chủ trương, chiến lược hay kế hoạch hoạt động giáo dục thể chất, sức khỏe, y tế trường học, mà còn giới thiệu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị cũng như cập nhật thường xuyên các thông tin khoa học liên quan của thế giới và trong nước.
Thứ năm, Bộ trưởng nhất trí cho trích ngân sách của Dự án về cơ sở vật chất trường học để xây dựng, cải tạo hàng ngàn công trình vệ sinh, nước sạch trong trường học từ mầm non đến phổ thông; góp phần giáo dục vệ sinh, sức khỏe và cải thiện chế độ sinh hoạt cho học sinh các cấp.
Thứ sáu, đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, rất nhiều trường học ở giai đoạn này đã thành lập được các phòng Y tế học đường và có nhân viên y tế học đường phục vụ. Các chương trình, dự án về sức khỏe như Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ mầm non; Mắt học đường; Nha học đường; Phòng chống HIV/AIDS; Phòng chống Lao; Phòng chống tai nạn thương tích... đã góp phần nâng cao sức khỏe học sinh, sinh viên.
“Có thể nói, đó là một số những thay đổi lớn lao nhất đối với lĩnh vực giáo dục thể chất mang dấu ấn của cố Giáo sư Trần Hồng Quân - vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cống hiến xuất sắc và toàn diện cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà” - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất bày tỏ.
Lĩnh vực công nghệ thông tin được cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân quan tâm đặc biệt
Mặc dù công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo vào giai đoạn sau, song, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vẫn có khá nhiều ấn tượng về cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân qua những lần tiếp xúc.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc bồi hồi: “Thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân đương chức, là thời kỳ đầy sôi động, vì sau khi mới nhập 2 Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, có rất nhiều việc phải làm để đổi mới. Tôi còn nhớ, lúc đó, Bộ đang có cuộc tranh luận về phát triển đại học tinh hoa hay mở rộng đại học đại chúng; rồi đến chương trình biên soạn giáo trình đại học...”.
Dấu ấn về vị cố Bộ trưởng thời đó có lẽ rất đặc biệt trong lòng Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc chính là chuyện phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin trong giáo dục và đột phá thi cử.
Thầy Ngọc nhớ lại: “Trước 1995, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông được Vụ Giáo dục trung học ra đề và in roneo giấy nến tại ngay tại tầng 3 nhà C, địa chỉ 35 Đại Cồ Việt. Và mỗi phòng thi khi đó chỉ nhận được 01 đề thi đánh máy chữ. Sau đó, 1 giám thị đọc và 1 giám thị chép lên bảng và cũng để cho thí sinh chép lại đề.
Sau đó, khi Vụ Giáo dục trung học lập tờ trình, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã ngay lập tức tán thành phương án đổi mới việc in sao đề thi. Chiến dịch triển khai triệt để bắt đầu: Tổ chức Hội nghị quán triệt và tập huấn cho tất cả các sở. Đề thi được soạn bằng BKED có cả công thức (chuyện chưa làm được trước đó nếu đánh máy chữ), rồi được mã hóa bảo mật, chuyển đĩa mềm 1.44 MB về cho các sở giáo dục tự in ngay ở các tỉnh. Dấu mốc đặc biệt là mỗi thí sinh được phát hẳn 01 đề thi, không còn cảnh chép đề nữa.
Kỉ niệm trên nói lên sự nhạy bén với công nghệ và tính quyết đoán đổi mới của cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân.
Thời đó, việc in ấn giáo trình cũng chủ yếu là đánh máy chữ nên trình bày khó đẹp. Đến năm 1995, trong khuôn khổ chương trình biên soạn giáo trình, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Vụ Giáo dục đại học cho soạn và in ấn giáo trình trên máy vi tính”.
Theo Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân cũng đặc biệt quan tâm đến công nghệ thông tin, quán triệt nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đầu tiên để phát triển công nghệ thông tin, thành lập 7 Khoa Công nghệ thông tin trọng điểm tại 7 trường đại học.
“Đến nay, có thể nói, đây là niềm tự hào của các quyết định ấy, hầu hết mỗi trường đại học đều có Khoa Công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin dù được đào tạo trong nước hay nước ngoài, đều có năng lực, làm việc với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới” - thầy Ngọc chia sẻ.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc vẫn còn nhớ: “Khi thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ trưởng khi đó đã bảo nếu cần thì lấy ngay phòng làm việc của Bộ trưởng làm Trung tâm. Sau đó, Bộ trưởng đích thân cùng một số cán bộ đi tìm địa điểm cho Trung tâm Công nghệ thông tin. Có thể nói, lĩnh vực công nghệ thông tin được Bộ trưởng quan tâm đặc biệt”.
Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng chia sẻ ấn tượng lớn nhất về cố Giáo sư Trần Hồng Quân: “Tôi thấy cách nói chuyện của Bộ trưởng với mọi người rất nhẹ nhàng nhưng ý tứ thì sâu sắc. Hằng ngày, cuối giờ làm việc, Bộ trưởng xuống chơi bóng bàn đến tối với anh em ở dưới sân, rất thoải mái và hào hứng”.
Mộc Trà
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-gs-tran-hong-quan-voi-nhieu-dau-an-trong-doi-moi-gd-qua-chia-se-cua-cong-su-post252488.gd