Một đường dây sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa dạng bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng) theo quy định vừa bị Bộ Công an triệt phá gây rúng động dư luận cả nước. Trước thông tin này, nhiều người lo ngại rằng thời gian qua có thể đã sử dụng các loại sữa giả. Trên mạng xã hội, người dân đua nhau chụp ảnh các loại sữa mà bản thân và con cái họ đang sử dụng, rồi sốc với những hình ảnh trùng khít các loại sữa giả mà cơ quan chức năng đã phanh phui.
Các nhãn hiệu trong đường dây sữa giả.
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bước đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, kinh doanh sữa bột với 573 loại.
Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca... nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này.
Ngoài ra, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều người khác thành lập ra 9 công ty, mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Hacofood và Rance Pharma. Trong khoảng 4 năm, nhóm này đã tiêu thụ các loại sữa ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Những thông tin về vụ việc sữa bột giả này đã gây chấn động dư luận, khiến người tiêu dùng trên toàn quốc nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng cảm thấy bức xúc, hoang mang và lo lắng, đặc biệt là những người đang sử dụng sữa cho con nhỏ, người bệnh.
Trên nhiều hội, nhóm ở Vĩnh Phúc, sữa đang trở thành chủ đề “hot” được quan tâm thảo luận. Nhiều người bày tỏ hoang mang, không biết sử dụng loại sữa nào để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, có những trường hợp hết sức lo lắng vì đã từng sử dụng loại sữa nằm trong danh mục sữa giả vừa được công bố.
Chị Nguyễn Phương Anh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Thời điểm con mình mới được 1 tháng tuổi, vì con không dung nạp lactose (một loại đường có trong sữa và các chế phẩm từ sữa) nên mình đưa con tới khám ở phòng khám tư và được bác sĩ tư vấn uống một loại sữa đặc chủng hơn. Khi đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả bị triệt phá, mình kiểm tra lại trong danh sách thì có loại sữa từng cho con uống. Giờ nghĩ lại vừa thấy thương con, vừa lo lắng không biết liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của con không?!
Chung nỗi lo về sữa giả, chị Nguyễn Bích Phượng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Tôi cho con uống sữa không thuộc dòng sữa giả nhưng chính hãng hay không thì không phân biệt được. Tôi mong cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc triệt phá những đường dây này để bảo vệ sức khỏe người dân”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Trung, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc khẳng định, đơn vị không chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sữa liên quan do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất.
“Các nhóm sản phẩm làm giả bị phát hiện không thuộc danh mục hàng hóa do Bộ Công thương quản lý”, ông Trung nói. Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, ngành Công Thương chỉ có trách nhiệm quản lý các loại sữa chế biến thông thường, không bao gồm sản phẩm bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nằm trong phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Ngành Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thông tin với truyền thông, đại diện Sở Y tế cho biết: Trong 3 năm từ 2021-2023, Chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group đã nộp 215 bộ hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm. Từ năm 2024 đến nay, sở không tiếp nhận hồ sơ nào của hai công ty này. Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm của các công ty này đều được thực hiện theo quy định chung trong tiếp nhận hồ sơ.
Khẳng định lực lượng quản lý thị trường vẫn thường xuyên theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra hàng hóa, bao gồm cả sữa và thực phẩm chức năng, tuy nhiên, do không thuộc diện quản lý chuyên ngành nên quản lý thị trường không thực hiện thanh tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất, cung ứng của những doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, kênh phân phối chủ yếu của những sản phẩm này là trên không gian mạng cũng như những hội, nhóm thân quen nên gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra.
“Chi cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt tại các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Song song với công tác kiểm tra thực địa, đơn vị sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp với ngành Y tế (đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm) và ngành Nông nghiệp (đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp) để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường”, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, Bộ Công an khuyến cáo người dân không sử dụng 12 sản phẩm sữa đã được xác định là hàng giả và không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra.
Để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ những sản phẩm sữa kém chất lượng, các ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua những thương hiệu sữa có uy tín lâu đời, xem kỹ các thông tin và tìm hiểu xem sản phẩm có được công bố hay không. Với các sản phẩm hàng nhập ngoại thì nên mua những sản phẩm có tem phụ tiếng Việt, được nhập khẩu theo con đường chính ngạch.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ