Xuất khẩu cà phê tiếp tục là điểm sáng đáng chú ý của ngành nông nghiệp. Ảnh ST
Tìm thấy cơ hội trong thách thức
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 3 năm 2025 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 1,16 tỷ USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2025 đạt 509,5 nghìn tấn và 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng tăng 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024.
“Nếu mức giá này duy trì được trong 3 quý còn lại, cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD” - ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết.
Lý giải về giá cà phê tăng mạnh, đại diện Vicofa cho biết nguyên nhân đến từ nguồn cung cà phê trên thế giới bị thiếu hụt. Trong nước, nhiều nhà vườn đã bỏ canh tác cà phê để chuyển sang các loại cây trồng khác như sầu riêng, mắc ca, chanh leo… khiến diện tích trồng cũng như sản lượng cà phê giảm. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu khiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm liên tục trong bốn năm gần đây, từ đó kéo theo khối lượng xuất khẩu sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này ngày càng cao.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước cung cấp nguồn hàng cà phê lớn, với sản lượng đứng thứ hai trên thế giới (sau Brazil) và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Niên vụ 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch hơn 5,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 81.000 tấn (chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam).
Giá cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ sự biến động trên thị trường cà phê thế giới. Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2025 dự kiến sẽ thêm khoảng 5,1 triệu bao, đạt mức 168,1 triệu bao. Phần lớn mức tăng đến từ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để gia tăng giá trị xuất khẩu ngành hàng này trong năm nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đang đặt ra thách thức với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thì với cà phê, thị trường vẫn là điểm sáng hiếm hoi, khi nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự báo còn rất lớn.
Hiện, Đức, Italia và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,2%, 9,9% và 7,4% và cả 3 thị trường này đều có tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Ba Lan với mức tăng 3,1 lần.
Hiện nay, giá cà phê thế giới đã bắt đầu đà giảm vào ngày 3/4, khi các nhà đầu tư lo ngại việc áp thuế đối ứng với nhiều nước của Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các quốc gia. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải là quốc gia sản xuất cà phê, cũng như tiêu thụ cà phê của thị trường này rất nhỏ; cộng với việc ngành cà phê Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường từ trước đó sẽ hạn chế tối đa rủi ro từ chính sách thuế quan hiện nay.
“Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi mất một phần thị phần tại Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt từ những thị trường khác” - một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết.
Gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu
Cho rằng những điều kiện xuất khẩu cà phê hiện nay tương đối thuận lợi, song các chuyên gia cũng lưu ý trong bối cảnh tình hình thế giới còn phức tạp, đặc biệt là chính sách thuế quan, bảo hộ từ các nước được dự báo tạo ra những căng thẳng mới trong hoạt động thương mại, ngành hàng cà phê phải chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường để tạo sức cạnh tranh tốt hơn cho ngành hàng này.
Nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu cà phê vừa qua, lãnh đạo Vicofa cho biết, kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực từ xuất khẩu cà phê Việt Nam. “Dù khối lượng giảm, song giá trị xuất khẩu vẫn tăng cho thấy sự chuyển hướng của ngành sang nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì chạy theo số lượng như trước đây” - ông Hải cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, hướng đến kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai, cần tạo ra các yếu tố mang tính chủ động, đó là nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, từ trồng, chế biến đến xuất khẩu; các ngân hàng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý trong điều kiện giá cà phê tăng cao như hiện nay.
Theo ông Hải, giá cà phê cao chính là một lợi thế quan trọng mà các doanh nghiệp, người trồng cần tận dụng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ xuất khẩu thô sang các dòng cà phê đã qua chế biến; nâng cao chuỗi giá trị đối với ngành hàng này...
"Tập trung phát triển ngành cà phê Việt Nam đi vào chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, lợi nhuận cần được phân bổ đồng đều giữa các đối tượng tham gia trong toàn chuỗi để tạo sự bền vững cho chuỗi giá trị của ngành hàng" - ông Hải lưu ý.
Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung vào sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như UTZ, Rainforest Alliance và Organic. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá bán mà còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu...
Là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 41% sản lượng cà phê xuất khẩu trong năm, song những quy định về chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra những thách thức cho xuất khẩu mặt hàng này.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng yêu cầu về EUDR, trên vùng trồng diện tích lớn hơn cần phải xây dựng bản đồ số, truy xuất nguồn gốc đến từng nông hộ.
Để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, mới đây Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng cà phê tại 4 huyện, gồm: Krông Năng, Cư M’gar, Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng). Theo đó, 100% diện tích cà phê tại các địa phương này đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và rừng.
"Đây là cơ sở giúp ngành hàng cà phê duy trì xuất khẩu sang EU và tạo nền tảng minh bạch cho phát triển bền vững trong thời gian tới" - lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết.
Cần nâng cao chất lượng của cà phê Việt để tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh ST
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu thô vẫn chiếm tỷ lệ lớn; nội tại doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng này chưa thực sự mạnh... Do đó, để giải quyết vấn đề này, ngành cà phê cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát triển các dòng cà phê đặc sản và phân loại cà phê thành các hạng tốt, tiêu chuẩn cao.
Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, chế biến; cần đầu tư vào marketing và xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nhằm khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
N.LỘC