6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su đạt 680.000 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD. Ảnh: Chu Khôi.
Việc đáp ứng EUDR là một thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội để nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, chiếm khoảng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Hiện chưa có con số chính xác về lượng cao su nguyên liệu nguồn gốc từ tiểu điền được đưa vào chuỗi cung xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên chắc chắn có một lượng nguyên liệu từ nguồn này nằm trong các mặt hàng cao su tự nhiên và sản phẩm cao su đang được xuất khẩu vào thị trường này.
Hiện nay để đáp ứng quy định về EUDR của EU, Việt Nam đã và đang hình thành các mô hình cao su đại điền và tiểu điền đáp ứng EUDR. Doanh nghiệp (DN) đáp ứng EUDR chủ yếu là các DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Mô hình tiểu điền đáp ứng EUDR chủ yếu là các sáng kiến của các DN tư nhân, thực hiện thông qua việc liên kết các hộ tiểu điền và các đại lý, tổ chức chuỗi cung nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Mặc dù vậy các chuyên gia trong chuỗi cung cao su tiểu điền hiện nay, hầu hết nông hộ không có sổ ghi chép hoạt động sản xuất, thông tin pháp lý về đất đai không đầy đủ. Trong khi, đại lý trung gian không lưu trữ hồ sơ giao dịch một cách có hệ thống và một số hoạt động mà không đăng ký kinh doanh, khiến việc chứng minh tính hợp pháp và không gây mất rừng là khó khả thi. Để đáp ứng các yêu cầu của EUDR và duy trì khả năng xuất khẩu sang thị trường EU, rất cần có những can thiệp để tổ chức lại chuỗi.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc - Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Tổ chức Forest Trends cho rằng, tái cấu trúc lại chuỗi cung tiểu điền hiện tại theo hướng đáp ứng được yêu cầu truy xuất là xu hướng bắt buộc với tất cả các bên tham gia chuỗi trong tương lai. Đáp ứng được các yêu cầu này là cơ hội để hiện đại hóa chuỗi cung cao su, thúc đẩy quản trị ngành, nâng cao thu nhập bền vững cho nông hộ.
Trong đó, DN chế biến cần có vai trò thúc đẩy hình thành chuỗi cung tiểu điền bền vững, đặc biệt là DN tư nhân. Bởi nguồn cung cao su nguyên liệu từ hộ tiểu điền có vai trò quan trọng không chỉ với DN tư nhân và cả với DN nhà nước. Sự chung tay của các DN hỗ trợ hộ tiểu điền đáp ứng các yêu cầu minh bạch chuỗi cung và bền vững nên là một hợp phần cơ bản của mô hình kinh doanh của DN.
Ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng cho biết, cao su tiểu điền ngày càng trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng đối với ngành. Diện tích tiểu điền tăng dần qua các năm và chính thức vượt qua diện tích đại điền từ năm 2017. Năm 2024 lượng cung cao su nguyên liệu từ các nông hộ đạt 819 ngàn tấn mủ, tương đương 63% trong tổng 1,3 triệu tấn (quy khô) nguyên liệu trong nước. Lượng cung cao su từ tiểu điền dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong những năm tới.
Mặc dù vậy, hiện chuỗi cung cao su từ hộ tiểu điền hết sức phức tạp, sự vận hành của chuỗi không đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Chuỗi cung này chủ yếu hoạt động theo hình thức tự phát, với sự tham gia của 264.000 hộ tiểu điền, cùng nhiều cấp đại lý trung gian có vai trò kết nối hộ và các DN chế biến nhưng thiếu cơ chế kiểm soát truy xuất. Tuy nhiên việc đáp ứng EUDR là một thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội để nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn.
Lê Bảo