Cơ hội cho Hà Nội bứt phá từ sản phẩm mới và không gian trải nghiệm liên vùng

Cơ hội cho Hà Nội bứt phá từ sản phẩm mới và không gian trải nghiệm liên vùng
8 giờ trướcBài gốc
Du khách tham quan Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
Biến Hà Nội không chỉ là nơi dừng chân, mà trở thành điểm đến cho mỗi du khách có thể lưu lại lâu hơn để viết tiếp hành trình cảm xúc của bản thân. Và điểm chạm đầu tiên trên hành trình ấy chính là sản phẩm du lịch.
Tư duy này của lãnh đạo ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định cách mà Hà Nội đang nỗ lực chuyển mình từ điểm đến truyền thống sang điểm đến có chiều sâu và sáng tạo. Đặc biệt, trong sáu tháng cuối năm, ngành công nghiệp không khói địa phương sẽ ghi dấu ấn với nhiều hoạt động nổi bật.
Cơ hội “bứt phá” từ loạt sản phẩm mới
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, mở rộng không gian trải nghiệm, đồng thời tăng tốc truyền thông nhằm đón đầu dòng khách lớn dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Sáu tháng qua, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 3,66 triệu lượt (tăng 21,8%); khách nội địa ước đạt 11,9 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 62.000 tỷ đồng (tăng gần 15%). Đặc biệt, Hà Nội liên tiếp được vinh danh trên bản đồ du lịch thế giới như: Top 3 điểm đến phổ biến nhất toàn cầu (TripAdvisor bình chọn), Top 25 điểm đến được yêu thích mọi thời đại, Top 11 thành phố hấp dẫn nhất thế giới (Tạp chí Time Out).
Để bứt tốc, lãnh đạo ngành du lịch Thủ đô công bố hàng loạt sản phẩm du lịch mới, kết hợp giữa chiều sâu di sản với trải nghiệm hiện đại, là hướng đi khác biệt mà địa phương đang tiên phong.
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
Trong đó, nhóm 20 sản phẩm du lịch đêm nổi bật có: chương trình tái hiện không gian tâm linh, văn hóa về đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại đền Quán Thánh; hai tuyến “Con đường di sản Nam Thăng Long” và “Con đường đạo học” (tháng 8 ra mắt) sẽ đưa du khách đi qua chuỗi di tích, đình chùa, làng cổ gắn với lịch sử giáo dục và văn hóa Thăng Long-Hà Nội…
Bên cạnh đó, với kỳ vọng tạo nên các điểm “check-in” mang đậm bản sắc Hà Nội, ngành du lịch đã triển khai những không gian sáng tạo như “Tuyến phố bao cấp Trúc Bạch - toa tàu điện số 6 - Leng keng di sản,” hay trải nghiệm làng thuốc Nam của người Dao tại bản Miền (Ba Vì).
Phát huy tối đa lợi thế giao thông nhằm tạo hành lang du lịch liên kết, một loạt tuyến du lịch đường sông như sông Hồng, sông Đuống đã được quy hoạch để kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương; các chuyến tàu đêm chất lượng cao cũng được đưa vào vận hành như: Tàu Sjourney, Hoa phượng đỏ (tour ẩm thực Hà Nội - Hải Phòng), tàu “Năm cửa ô” khởi hành từ ngày 19/8…
“Chúng tôi đang mở rộng tuyến trải nghiệm về các huyện ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, và xa hơn là kết nối vùng thủ đô. Đó là cách giúp du khách đến Hà Nội có thể ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn,” ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Không những bứt phá bằng sản phẩm, “cánh cửa” phát triển du lịch Hà Nội đang có cơ hội rộng mở nhờ thể chế và quy hoạch mới từ việc triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) để hình thành các không gian văn hóa, du lịch đặc thù như trung tâm văn hóa và thương mại, trung tâm sáng tạo, khu phố đêm, tuyến đi bộ mở rộng.
Người dân và du khách xếp hàng vào viếng thăm Lăng Bác. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
Xúc tiến quảng bá thông qua lễ hội
Đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Nội cho hay năm 2025, nhằm tăng sức hút với du khách trong nước và quốc tế, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thông qua chuỗi lễ hội và sự kiện điểm nhấn mang tính trải nghiệm cao.
Theo đó, Lễ hội Đồ uống Hà Nội 2025 sẽ diễn ra từ 29/8 2/9 tại công viên Thống Nhất, mang đến không gian thưởng thức các đồ uống đặc trưng như càphê trứng, trà sen, chè truyền thống, cùng phần trình diễn của các bartender (người pha chế) chuyên nghiệp, góp phần quảng bá tinh hoa ẩm thực, đồ uống Thủ đô.
Dự kiến từ 3-5/10, Festival Thu Hà Nội lần thứ 3 sẽ diễn ra tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, công viên Thống Nhất và các điểm đến nổi bật, với các hoạt động trình diễn nghệ thuật đường phố, ẩm thực mùa Thu, photo tour và trải nghiệm không gian di sản.
Tháng Mười Một, Lễ hội Áo dài Du lịch được tổ chức tại Thành cổ Sơn Tây, Liên hoan Ẩm thực – Du lịch làng nghề tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với các hoạt động trình diễn, diễu hành, trưng bày, và giới thiệu tour gắn với làng nghề, nông nghiệp, sinh thái. Đây cũng là nhóm sản phẩm du lịch bền vững mà Hà Nội đang phát triển mạnh.
Đáng chú ý, không chỉ triển khai các hoạt động trong nước, Hà Nội còn hiện diện tại các sự kiện lớn như Osaka Expo (Nhật Bản), ITB India (Mumbai) và IFTM Top Resa (Paris) để quảng bá điểm đến, kết nối doanh nghiệp và mở rộng thị trường khách quốc tế.
Lãnh đạo ngành kỳ vọng tạo nên các điểm “check-in” mang đậm bản sắc Hà Nội. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
Ngoài ra, để đón dòng khách có thời gian lưu trú dài ngày, Hà Nội đã tái cấu trúc hệ thống tuyến du lịch khoa học hơn: tuyến quốc tế (kết nối bằng hàng không, đường sắt và đường bộ liên vận); tuyến quốc gia (liên kết qua các trục quốc lộ 1, 2, 3, 5, 6 và 32); và tuyến nội thành (gồm các city tour, tuyến Hồ Tây -Cổ Loa, tour làng nghề, đường sông, đường sắt đô thị và vành đai 4).
Quy hoạch lại không gian phát triển thay vì chia theo địa giới hành chính như vậy vừa giúp tăng tính linh hoạt khi xây dựng tour, tuyến mới vừa góp phần giảm áp lực cho khu vực trung tâm, mở rộng trải nghiệm về phía ngoại thành và liên vùng.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Hà Nội đang thực hiện số hóa dữ liệu toàn bộ hệ thống điểm đến, cơ sở dịch vụ, hướng đến đồng bộ với hệ thống dữ liệu du lịch quốc gia…/.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 6/2025, Thủ đô đã đón khoảng 2,79 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 500.000 lượt, tăng tới 21,4%, còn khách nội địa xấp xỉ 2,3 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 10.350 tỷ đồng, tăng 17,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội ước đón 15,56 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2024. Riêng lượng khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt, tăng trưởng ấn tượng ở mức 22%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 62.300 tỷ đồng.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-cho-ha-noi-but-pha-tu-san-pham-moi-va-khong-gian-trai-nghiem-lien-vung-post1048686.vnp