Xe máy đang là phương tiện đi lại chủ lực của người dân đô thị, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Linh
Những ích lợi thấy rõ từ xe không phát thải trực tiếp
Ở thời điểm hiện nay, loại phương tiện không phát thải tại chỗ thay thế khả thi cho xe máy xăng chỉ có xe điện chạy pin. Thực tế, xe máy điện từ lâu đã phổ biến trong đời sống đô thị hiện đại, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh – nơi người dân chủ yếu di chuyển trên quãng đường trung bình từ 20 đến 50 km mỗi ngày.
Bên cạnh vấn đề giảm phát thải, xe điện được nhiều người lựa chọn vì nhiều lợi thế khác. Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là độ êm ái khi vận hành. Không còn tiếng máy nổ, không xả khói, không mùi xăng dầu, những chiếc xe điện mang lại trải nghiệm đi lại nhẹ nhàng, dễ chịu và văn minh hơn trong không gian đô thị chật chội.
Là loại phương tiện mới, xe điện cũng tích hợp nhiều công nghệ mới, tính năng thông minh, như màn hình kỹ thuật số cỡ lớn, tính năng định vị GPS, kết nối Bluetooth, cơ chế điều khiển qua ứng dụng điện thoại.
Người dùng có thể theo dõi tình trạng pin, quãng đường di chuyển, thậm chí khóa/mở xe từ xa. Những tính năng này mang lại cảm giác tương tự như sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, nên được đông đảo người dùng yêu thích.
Xe điện cũng nổi bật về chi phí vận hành. Mỗi lần sạc đầy xe điện hai bánh thường chỉ tốn khoảng 3.000–5.000 đồng tiền điện, trong khi đi cùng quãng đường, xe xăng tiêu tốn gấp nhiều lần. Ngoài ra, xe điện gần như không cần thay dầu, không cần bảo dưỡng phức tạp, giúp người dùng tiết kiệm đáng kể chi phí.
Với những người sử dụng thường xuyên – như sinh viên, người giao hàng, nhân viên văn phòng – mức tiết kiệm có thể lên tới vài triệu đồng mỗi năm, một con số đáng kể. Dĩ nhiên về lâu dài, chi phí pin có thể trở thành chiếc "barie", nhưng các nhà sản xuất lúc này đã và đang chạy đua để tìm kiếm giải pháp vẹn toàn.
Với sự phát triển của các dòng xe điện từ VinFast, Yadea hay DatBike, Honda, Yamaha... người dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn mới mẻ, đa dạng thiết kế, giá thành và công suất, đủ đáp ứng đa dạng nhu cầu, từ sinh viên, người đi làm đến dịch vụ giao hàng. Đây cũng là một trong những thế mạnh của xe máy điện mới so với xe xăng thường giới hạn trong một số dòng sản phẩm truyền thống.
Giới trẻ sẽ là nhân tố tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng phương tiện không phát thải trực tiếp. Ảnh: Hoàng Linh
Thách thức trong thay đổi thói quen đi lại
Dĩ nhiên, khi không còn xe máy xăng, người dân sẽ phải làm quen với hệ sinh thái giao thông mới, từ đó hình thành thói quen đi lại cũng mới mẻ hơn dựa trên các phương tiện không phát thải trực tiếp và phương tiện công cộng.
Một số người có thể thích ứng nhanh, nhưng chắc chắn không ít người, đặc biệt là người lao động nghèo, công nhân, người dân vùng ven sẽ lúng túng. Xe máy xăng lâu nay không chỉ là phương tiện mà còn là “cần câu cơm”. Việc thay đổi thói quen di chuyển sẽ không dễ, thậm chí có thể gây xáo trộn xã hội nếu không có sự chuẩn bị từ trước.
Rõ nhất là thói quen đổ xăng, chỉ cần rẽ vào cây xăng gần nhất và mất vài phút là đầy bình. Mạng lưới trạm xăng dày đặc và nhanh chóng khiến người dùng gần như không phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiếp nhiên liệu. Việc sử dụng xe xăng vì vậy cũng mang tính “ngẫu hứng” và linh hoạt hơn, đi đâu, giờ nào, quãng đường bao xa cũng không cần tính toán quá kỹ. Tuy nhiên, khi chuyển sang xe điện, người dùng phải làm quen với khái niệm “quản lý năng lượng”, khá xa lạ khi sử dụng xe xăng.
Do thời gian sạc kéo dài (thường từ 3–8 tiếng tùy loại xe và công suất sạc), người dùng cần phải lên kế hoạch rõ ràng: Sạc khi nào, sạc ở đâu và có đủ pin cho ngày mai hay không. Điều này dẫn đến sự hình thành thói quen mới: Sạc xe theo chu kỳ, thường là vào buổi tối khi về nhà, tương tự như sạc điện thoại. Một số người còn tạo thói quen kiểm tra mức pin vào mỗi sáng, hoặc cài ứng dụng theo dõi để lên kế hoạch di chuyển hợp lý.
Khi thói quen ổn định, phạm vi di chuyển đô thị 30-40km mỗi ngày cũng sẽ không còn đòi hỏi những chiếc xe điện với phạm vi hoạt động cả trăm km, mà hướng đến xe với phạm vi vừa phải, gọn nhẹ với pin có dung lượng vừa đủ để đảm bảo sạc nhanh và an toàn hơn.
Thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ là thách thức lớn với bất kỳ ai. Ảnh: Hoàng Linh
Thay đổi hành vi tiêu dùng theo cách mới cũng mở ra cơ hội cho những dịch vụ đặt xe điện qua ứng dụng, chia sẻ phương tiện, sạc pin như sạc điện thoại… Thủ đô Hà Nội "hậu xe xăng" có thể là nơi các công nghệ mới như mạng lưới trạm sạc, nền tảng theo dõi lượng pin, bản đồ sạc… lên ngôi.
Dĩ nhiên, quá trình sử dụng xe điện trong đô thị cũng đối diện không ít thách thức. Tại các đô thị lớn, lượng điểm sạc công cộng còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở trung tâm thương mại, khu đô thị cao cấp hoặc văn phòng lớn.
Với những người sống trong nhà trọ, tập thể cũ hoặc ngách sâu, sạc xe qua đêm gặp nhiều rủi ro về an toàn điện hoặc thiếu không gian. Nhiều người phải kéo dây điện từ trong nhà ra sân, qua cửa sổ, hoặc để xe sát tường phòng ngủ, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn về cháy nổ. Các vụ cháy gần đây liên quan đến xe máy điện đều bắt nguồn từ việc sạc pin sai cách, pin cũ xuống cấp, hoặc dùng bộ sạc không chính hãng.
Với pin lithium phổ biến hiện nay, nhiệt độ khi sạc có thể tăng cao, và nếu sạc trong không gian bí bách, dẫn đến nguy cơ cháy rất khó lường. Đây là khác biệt rõ ràng so với xe xăng.
Một bất tiện khác là tâm lý người dùng vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào độ bền và an toàn của pin xe điện. Mặc dù các hãng đã cam kết bảo hành pin từ 3–5 năm, nhưng những thông tin về cháy nổ do sạc không đúng cách, đặc biệt trong không gian hẹp, đã tạo nên tâm lý dè dặt.
Các cơ sở sửa chữa xe điện cũng chưa phổ biến như tiệm sửa xe máy truyền thống, khiến việc thay thế, sửa chữa linh kiện điện tử như bo mạch, động cơ điện, bộ sạc… gặp khó khăn. Trong thực tế sử dụng hằng ngày, người tiêu dùng cũng gặp vướng mắc khi xe điện không chống nước tốt như xe xăng. Trời mưa to, triều cường hoặc ngập lụt đô thị khiến nhiều xe điện hỏng động cơ hoặc lỗi hệ thống, đặc biệt nếu không đạt chuẩn kháng nước/bụi (IP) cao.
Bức tranh lớn về đô thị thời "không xăng"
Khi xe xăng biến mất, lượng khí thải CO, NOx, HC, bụi mịn từ động cơ đốt trong giảm đi đáng kể. Đó là sự cải thiện rõ rệt cho chất lượng không khí, đặc biệt ở các khu vực đông dân, nơi mật độ xe máy rất cao. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa Hà Nội sẽ lập tức trở thành thành phố “trong lành”, khi các nguồn ô nhiễm khác vẫn tồn tại, khiến việc loại bỏ xe máy xăng có thể là bước ngoặt lớn, nhưng không phải là "đũa thần".
Xe điện cũng tạo ra môi trường yên tĩnh hơn, giảm đáng kể áp lực tiếng ồn vốn là một dạng ô nhiễm “vô hình” nhưng gây mệt mỏi cho cư dân đô thị. Những tiếng động cơ cắt ngang cuộc trò chuyện, khiến người ta phải hét to giữa ngã tư hay tỉnh giấc lúc nửa đêm sẽ ít dần. Với một đô thị vốn quá chật chội và áp lực như Thủ đô Hà Nội, sự yên lặng ấy là một dạng “xa xỉ phẩm” mà người ta không biết mình đang thiếu cho đến khi nó xuất hiện.
Hà Nội cũng như các đô thị khác có hàng trăm nghìn cửa hàng sửa xe, thay dầu, đổ xăng, bán phụ tùng xe máy – chủ yếu là phục vụ xe chạy xăng. Khi những chiếc xe này biến mất, cả một hệ sinh thái nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Các thợ sửa xe, cây xăng tư nhân, đại lý phụ tùng… buộc phải chuyển đổi nếu muốn tồn tại.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những ai sớm đầu tư vào sửa xe điện, mở trạm sạc, cho thuê pin, hoặc cung cấp dịch vụ bảo trì pin, motor điện, phần mềm điều khiển xe… Một hệ sinh thái nghề nghiệp mới sẽ hình thành – sạch hơn, công nghệ hơn, nhưng cũng đòi hỏi tay nghề cao và vốn đầu tư ban đầu.
Thay đổi phương tiện cũng là thay đổi lối sống và bộ mặt đô thị. Ảnh: Hoàng Linh
Ở khía cạnh xã hội, một đô thị không còn xe xăng cũng có thể là nơi con người gần gũi với nhau hơn. Khi không còn tiếng máy móc át đi cuộc trò chuyện, người ta dễ bắt chuyện hơn ở trạm xe buýt, góc công viên. Không gian đô thị xanh hơn, yên tĩnh hơn cũng tăng tính gắn kết cộng đồng và cải thiện chất lượng sống về mặt tinh thần.
Khi đó, đô thị với sự phát triển tương xứng của các hệ thống giao thông công cộng hiện đại và thân thiện hơn, sẽ góp phần để người dân dần hình thành thói quen di chuyển đa phương tiện, kết hợp giữa cá nhân và công cộng, giữa công nghệ và môi trường.
Đây sẽ là bước ngoặt mở ra cơ hội tái thiết lại cách sống – thân thiện hơn với con người, với môi trường và với tương lai. Đó không chỉ là sự tiến bộ về công nghệ giao thông, mà là sự tiến hóa trong cách một thành phố đối xử với chính những cư dân của mình.
Có thể thấy, việc khuyến khích từ bỏ xe xăng để chuyển sang các phương tiện không phát thải tại chỗ, trong đó có xe điện, sẽ không đơn thuần là quyết định tiêu dùng, mà là một phần quan trọng trong nỗ lực dịch chuyển văn hóa giao thông đô thị. Để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, người tiêu dùng rất cần được hỗ trợ bằng chính sách cụ thể dựa trên nhu cầu thực tế.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh