Cơ hội cho Việt Nam trong nền kinh tế Halal 10.000 tỉ USD

Cơ hội cho Việt Nam trong nền kinh tế Halal 10.000 tỉ USD
20 giờ trướcBài gốc
Sáng 27-12, Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Vụ Trung Đông-Châu Phi tổ chức buổi nói chuyện về chuyên đề kinh tế Halal.
Bộ Ngoại giao tổ chức buổi nói chuyện về chuyên đề kinh tế Halal. Ảnh: TTXVN
Kinh tế Halal bao gồm bảy ngành công nghiệp chủ lực
Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông-Châu Phi Nguyễn Thành Duy cho biết thị trường Halal hiện là một lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng với bảy ngành công nghiệp chủ lực bao gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, thời trang, nông nghiệp và công nghiệp.
Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông- Châu Phi Nguyễn Thành Duy. Ảnh: Báo Quốc tế
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỉ USD trước năm 2028. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người.
"Việc tham gia vào thị trường này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, mở rộng danh mục hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta có thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch", ông Duy khẳng định.
Cũng theo ông Duy, thị trường Halal mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp và địa phương nâng cao năng lực, tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Halal tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều lợi thế như chất lượng sản phẩm và có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo, Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rào cản lớn, bao gồm thiếu một hệ sinh thái Halal đồng bộ, nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, nhận thức về khái niệm này chưa cao hay chi phí chứng nhận và quy trình sản xuất đắt đỏ.
Doanh nghiệp sẽ chỉ quyết tâm làm nếu nhìn thấy lợi nhuận
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, con đường tiếp cận sâu hơn vào thị trường quy mô 10.000 tỉ USD này cần đến sự vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan liên quan và đặc biệt các doanh nghiệp địa phương,
PGS.TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: Báo Quốc tế
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng sang Trung Đông không khỏi băn khoăn về việc tại sao họ phải áp dụng tiêu chuẩn Halal, tuy nhiên đây là xu thế tất yếu cần phải theo, không thể đảo ngược.
Ông Hoàng khẳng định trước tiên, cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ, trước tiên để hạ được chi phí ban đầu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hỗ trợ không thể dành cho tất cả hơn 930 nghìn doanh nghiệp, mà nên dành cho một số doanh nghiệp nhất định.
Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội dẫn đến ví dụ về nhân rộng mô hình tại Lạng Sơn như một điển hình cho việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chuẩn Halal: “ Vừa rồi chúng tôi có đến Lạng Sơn, và chúng tôi có chọn một số sản phẩm của Lạng Sơn ví như hồ tiêu hoặc các sản phẩm nông sản. Với mỗi một sản phẩm nông sản, một doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn, tỉnh sẽ hỗ trợ làm sao cho doanh nghiệp đó đạt chứng chỉ Halal. Sau đó, phối hợp với các bộ ban ngành để đưa sản phẩm đó xuất khẩu thành công sang các thị trường Halal”.
Từ đó, doanh nghiệp đã làm thành công sẽ đi hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác để cùng mở rộng chuỗi cung ứng, xây dựng nên hệ sinh thái Halal.
Chỉ khi doanh nghiệp nhìn thấy lợi nhuận, họ mới quyết tâm đầu tư vào chuẩn Halal.
Cũng theo ông Hoàng, xuất khẩu thủy sản có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Halal rất lớn bởi có khá nhiều những con động vật này có thể xuất khẩu mà không cần phải trải qua quá trình giết mổ.
Tuy nhiên cần phải quan tâm đến dư lượng kháng sinh trong thủy sản, nếu dư lượng này quá cao các thị trường sẽ không nhập khẩu. Trước đây nhóm các thị trường này đã sử dụng một số rào cản kỹ thuật ví như thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp dành cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Tiêu chuẩn Halal là tiêu chuẩn bao gồm các quy định, thể hiện sự phù hợp dành cho các khách hàng, người tiêu dùng thực phẩm là người Hồi giáo (theo đạo Hồi). Chứng nhận Halal là một căn cứ để chứng minh sự phù hợp với quy định pháp luật Hồi giáo đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
NGỌC DIỆP
Nguồn PLO : https://plo.vn/co-hoi-cho-viet-nam-trong-nen-kinh-te-halal-10000-ti-usd-post827214.html