Tổng Giám đốc Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á.
Đó là lời chia sẻ của Tổng Giám đốc Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á, khi mở đầu cuộc trò chuyện về xu hướng mới mẻ Net Zero Tourism (du lịch không phát thải) mà công ty này là một trong số ít đơn vị mạnh dạn tiên phong khai mở.
Lộ trình hướng tới Net Zero
- Trước khi Net Zero trở thành từ khóa được quan tâm đặc biệt, công chúng từng được làm quen với một số khái niệm tương tự như du lịch xanh - bền vững - trách nhiệm… Phân định ranh giới giữa các khái niệm đó thật không dễ chút nào, thưa ông?
- Đầu tiên, ta có Du lịch trách nhiệm (Responsible Tourism), nói chung là dù làm hay đi du lịch đều phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Sau đó, Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) xuất hiện, với nhiều khái niệm kế thừa từ Responsible Tourism cộng thêm các yếu tố khác mang tính bền vững hơn như có ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn nhân lực, nguyên liệu địa phương, phát triển bền vững, lâu dài.
Kế đến, chúng ta lại có Du lịch tái sinh (Regenerative Tourism) trong đó các hoạt động du lịch gắn với việc tái tạo tài nguyên, mang lại cho người dân không chỉ việc làm mà thông qua đó góp phần vào tái tạo môi trường.
Và hiện nay là Net Zero Tourism - khái niệm đã có từ vài năm nay nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, kiểu như làm du lịch bền vững rồi nhưng chưa chắc đã đạt các tiêu chí Net Zero. Thí dụ như với tour Hang Én hai ngày một đêm, mỗi du khách chỉ phát thải vỏn vẹn 6 kg CO2 trong rừng nhưng hoạt động vận chuyển hỗ trợ ngoài rừng lên tới 70 kg CO2. Do đó tour thì bền vững nhưng xét về Net Zero thì vẫn còn một khoảng cách khá dài.
- Theo thông lệ quốc tế, lộ trình chuẩn mực để một doanh nghiệp du lịch có thể khởi động từ điểm xuất phát tới đích đến - đưa phát thải về bằng 0 gồm bao nhiêu bước, thưa ông?
- Theo GHG Protocol (Greenhouse Gas Protocol), một tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi trong đo lường và quản lý phát thải khí nhà kính thì loại phát thải này được chia thành ba phạm vi: phát thải trực tiếp (từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của tổ chức); phát thải gián tiếp (từ tiêu thụ năng lượng mua); các phát thải gián tiếp khác (trong chuỗi cung ứng và vòng đời sản phẩm).
Từ đó, theo GHG Protocol, doanh nghiệp cần thực hiện một số quy trình cơ bản sau để hướng đến mục tiêu Net Zero. Đầu tiên, cần đánh giá đo lường phát thải, chọn năm cơ sở, tiến hành đánh giá hiện trạng theo các phạm vi 1-2 và 3 rồi từ đó sử dụng GHG Protocol để đong đếm chính xác lượng phát thải.
Tiếp theo là xác định mục tiêu giảm phát thải, hướng tới đạt được Net Zero vào năm cụ thể nào. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp phù hợp (như cải tiến quy trình sản phẩm dịch vụ, sử dụng năng lượng tái tạo kèm theo kế hoạch chi tiết và nguồn lực, ngân sách cần thiết). Bước quan trọng tiếp theo là tiến hành các biện pháp, sáng kiến giảm phát thải từ nguồn. Khi đã thực hiện hết và không còn khả năng giảm nữa thì cần tính đến phương án đầu tư vào các dự án trồng rừng (để bù đắp phát thải) hoặc đơn giản hơn là mua tín chỉ carbon (để trung hòa phát thải bằng 0).
Khu cắm trại Blue Diamond Camp nhìn từ trên cao.
Chọn là người mở đường
- Được biết, Oxalis là một trong số rất ít đơn vị du lịch ở Việt Nam khởi động Net Zero Tourism từ rất sớm. Tại sao ông chọn là người mở đường?
- Từ khi khởi nghiệp năm 2011, Oxalis đã xác định tập trung vào sản phẩm du lịch xanh và bền vững. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu của ngành du lịch toàn cầu mà còn là cơ hội để chúng tôi tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo. Rồi khái niệm Net Zero ra đời, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu chỉ dừng lại ở du lịch trách nhiệm hay du lịch bền vững là chưa đủ nên quyết định bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong doanh nghiệp của mình.
Ở lĩnh vực du lịch, Oxalis Adventure là một trong những doanh nghiệp tiên phong đã thực hiện kiểm đếm lượng phát thải nhà kính. Căn cứ vào số liệu phát thải tính toán rất cụ thể, Oxalis đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải tối đa, trong phạm vi phát thải 1 và 2 trong năm 2026. Từ đó, chúng tôi tiến tới mục tiêu Net Zero trên toàn bộ ba phạm vi vào năm 2030, thông qua việc giảm phát thải tối đa trong khả năng của mình và bù đắp phần carbon còn lại bằng các dự án giảm phát thải hay trồng rừng.
Việc thực hiện các giải pháp hướng tới mục tiêu Net Zero không chỉ để đón đầu, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế mà việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành. Thí dụ, trước khi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cho Chày Lập Farmstay, mỗi tháng chúng tôi phải chi trả 90 triệu đồng tiền điện. Sau khi đầu tư gần hai tỷ đồng (thời điểm năm 2019) cho 100 kwh tấm năng lượng mặt trời thì tiền điện giảm được 50%. Hiện nay, chúng tôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu thu lợi từ hệ thống điện này. Thậm chí nếu tiếp tục đầu tư hệ thống pin trữ để sử dụng vào những giờ cao điểm thì có thể tiết kiệm tiền điện lên đến 80%.
- Có thể nói, Blue Diamond Camp của Oxalis Adventure là một hình mẫu trực quan sinh động giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước có thể hình dung, tìm hiểu và học hỏi, nếu muốn đồng hành trên lộ trình hướng tới Net Zero?
- Blue Diamond Camp (Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là một khu cắm trại được trang bị đầy đủ tiện nghi và cung cấp vô số hoạt động khám phá thiên nhiên đa dạng với tổng diện tích lên tới 5 ha, có thể phục vụ đến 250 khách. Đây là mô hình kinh doanh du lịch hướng tới mục tiêu Net Zero bằng cách áp dụng nhiều biện pháp hữu hiệu: Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các văn phòng, khu cắm trại và phương tiện di chuyển, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giảm lượng rác thải sinh ra và thực hiện các biện pháp quản lý rác thải hợp lý (ủ phân, tái chế và tái sử dụng). Hạn chế tối đa việc chặt cây hay bê-tông hóa, thay vào đó xây dựng cơ sở hạ tầng lắp ghép, các lối đi trong khu vực được thiết kế dạng cầu treo để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Chú trọng vào việc đào tạo nhân viên, hướng dẫn du khách và trao đổi với cộng đồng địa phương về các vấn đề môi trường và bảo tồn. Điều này giúp mọi người nhận ra, giảm phát thải nhà kính là trách nhiệm chung và lợi ích từ đó sẽ dành cho tất cả. Ngoài ra, Blue Diamond Camp bù đắp lượng khí thải nhà kính bằng cách trồng cây, hỗ trợ các dự án phục hồi rừng và quyên góp cho các tổ chức môi trường.
Cần sự đồng hành của tất cả các bên liên quan
- Từ góc nhìn cá nhân, để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero Tourism, những thuận lợi cùng khó khăn, thách thức mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt là gì, thưa ông?
- Về thuận lợi, cam kết mạnh mẽ đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 từ Chính phủ là động lực quan trọng giúp các ngành, trong đó có du lịch, triển khai các chiến lược giảm phát thải. “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” cũng đã có những hướng dẫn, chương trình hành động cụ thể với ngành du lịch như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thúc đẩy du lịch sinh thái, coi phát triển du lịch bền vững là một trong những lĩnh vực ưu tiên.
Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch bền vững như sinh thái-cộng đồng. Điều này giúp giảm áp lực lên môi trường và bảo tồn tài nguyên. Xu hướng du lịch xanh, có trách nhiệm với môi trường đang ngày càng được nhiều du khách ủng hộ. Đây là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam chuyển mình.
Về khó khăn, hiện chúng ta vẫn thiếu hạ tầng xanh, thân thiện với môi trường như dịch vụ sử dụng năng lượng tái tạo hay cách thức xử lý rác thải hiệu quả. Việc triển khai các biện pháp giảm phát thải, xây dựng hạ tầng xanh hay áp dụng công nghệ hiện đại, công tác kiểm đếm phát thải đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên cũng trở thành rào cản và thách thức đối với các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ.
- Để việc hiện thực hóa Net Zero Tourism được nhanh chóng và hiệu quả, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Việc đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cho ngành du lịch nội địa phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, để có thể thành công đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, cũng như việc tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giải quyết các thách thức tồn tại.
Sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp để cùng nhau đưa ra các giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào công nghệ xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh là rất quan trọng.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo nhandan.vn