Doanh nghiệp cũng chủ động nâng cao năng lực nội sinh, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Tại cuộc hội thảo về Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại là thời điểm các doanh nghiệp cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, cùng với các chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước, sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Về phía doanh nghiệp, chia sẻ riêng với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đào Thúy Hằng, Tổng giám đốc Tập đoàn Poshaco, đơn vị sản xuất và cung cấp các sản phẩm tôn lợp, tôn cách nhiệt chất lượng cao cho biết, Poshaco đã làm chủ được công nghệ lõi để đưa thương hiệu Việt vươn tầm.
Cụ thể, mới đây, Tập đoàn Poshaco đã ra mắt công nghệ mạ mới (GLMAG), hợp kim ba thành phần nhôm, kẽm, magie. Đây là công nghệ tiên tiến đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia công nghiệp phát triển bởi khả năng vượt trội trong bảo vệ nền thép khỏi sự ăn mòn, oxy hóa và tác động của môi trường khắc nghiệt.
Theo bà Hằng, GLMAG không đơn thuần là một công nghệ, đó là thành quả từ hành trình dài đầy nỗ lực, là lời khẳng định rằng người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ lõi trong ngành vật liệu xây dựng, điều mà không nhiều doanh nghiệp Việt kiên trì và theo đuổi được. Poshaco đã làm chủ được công nghệ lõi để đưa thương hiệu Việt vươn tầm.
Công nghệ GLMAG hiện đã được ứng dụng toàn diện cho các dòng tôn cao cấp của Tập đoàn, đặc biệt là dòng sản phẩm chiến lược Kamazn, một lựa chọn tối ưu cho các công trình đòi hỏi độ bền, thẩm mỹ và khả năng chống ăn mòn tuyệt đối.
Dòng tôn cao cấp Kazinc do Poshaco làm chủ công nghệ thu hút sự quan tâm
Poshaco có hành trình 30 năm xây dựng một thương hiệu nội địa (với các sản phẩm Tôn Phương Nam, NS Bluescope…) đang từng bước định vị vai trò dẫn dắt ngành tôn, thép Việt. Lãnh đạo Poshaco nhấn mạnh thêm, “tự tôn chất Việt” không chỉ là niềm tự hào mà còn là lời hứa về một hành trình bền vững, nơi chất lượng là gốc rễ, công nghệ là nền tảng và niềm tin là điều không bao giờ đổi thay.
“Đây là thời cơ thuận lợi để những doanh nghiệp Việt có gốc sản xuất tốt tận dụng lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà chia sẻ với phóng viên.
Trong ngành thép, Hòa Phát cũng tự tin với kế hoạch kinh doanh năm 2025 mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng 25%.
Về dài hạn, Hòa Phát vẫn ưu tiên thị trường nội địa và đặt nguyên tắc giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%. Tuy nhiên, trong những giai đoạn thị trường trong nước gặp khó, doanh nghiệp sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt. Hòa Phát đang tự tin có đủ năng lực để sản xuất đường ray tàu phục dự cho các tuyến tàu cao tốc tương lai. Hòa Phát đã quyết định triển khai dự án sản xuất đường ray tại Dung Quất 2 với quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng, đơn hàng đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.
Trong lĩnh vực dệt may, Tổng công ty May 10 vừa xuất khẩu vừa đẩy mạnh thị trường nội địa. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty đã chia sẻ, với mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, nền kinh tế Việt Nam tập trung vào ba trụ cột đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. May 10 là một trong những mắt xích quan trọng trong cung ứng hàng hóa tiêu dùng sản phẩm dệt may và thời trang trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nội địa.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần dồn lực đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân bởi để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, doanh nghiệp Việt Nam phải trở thành chủ lực đích thực của phát triển kinh tế, đây là vấn đề then chốt.
Hải Minh