Cơ hội đưa Hà Nội bứt phá

Cơ hội đưa Hà Nội bứt phá
8 giờ trướcBài gốc
Giải pháp hiệu quả để huy động vốn và công nghệ
TP Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đi đầu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, TP cần những nguồn lực lớn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Trong đó, đầu tư hạ tầng chiến lược gồm các dự án lớn như xây dựng đô thị vệ tinh, phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông Hồng... đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ và công nghệ phức tạp mà ngân sách Nhà nước khó có thể đáp ứng hoàn toàn. Thu hút nhà đầu tư chiến lược là giải pháp hiệu quả để huy động vốn và công nghệ.
Nghị quyết về thu hút nhà đầu tư chiến lược quy định, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh; phát triển khu công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên; công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới...
Ưu tiên DN có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản từ 20.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư. Ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ, kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự; ưu tiên nhà đầu tư, có quy mô vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 10.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư.
Cùng với đó, Hà Nội đang tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại và chuyên gia trình độ cao, mà các nhà đầu tư chiến lược có thể mang lại.
Với việc phát triển khu công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) là những vấn đề cấp bách của Thủ đô. Các nhà đầu tư chiến lược với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến có thể giúp Hà Nội giải quyết hiệu quả các thách thức này.
Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó: khoản 1 Điều 42 quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược: điều này định hướng rõ ràng các lĩnh vực mà Thủ đô muốn tập trung thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đúng trọng tâm.
Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Khoản 2 Điều 42 quy định điều kiện của nhà đầu tư chiến lược: quy định này đưa ra các tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và các cam kết (đào tạo, nội địa hóa, thực hiện dự án đúng mục tiêu). Điều này giúp cho TP Hà Nội lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự có chất lượng, tránh tình trạng đầu tư "ảo" hoặc không hiệu quả. Việc quy định rõ ràng các điều kiện này cũng tạo cơ sở để xây dựng các tiêu chí sàng lọc, đánh giá và giám sát nhà đầu tư một cách chặt chẽ. Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở thực tiễn sẽ giúp cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô 2024, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn hơn để Hà Nội thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và dẫn dắt sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tạo cơ chế bảo vệ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, Hà Nội có vai trò trung tâm, động lực lan tỏa phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 ngang tầm các Thủ đô trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 đạt trình độ của Thủ đô các nước phát triển,
Hà Nội cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Muốn vậy, cơ chế huy động và khai thác nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài phải thực sự linh hoạt và đặc thù. GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết thêm, chúng ta đang nói về việc cả nước đang bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình và chúng ta cũng thấy rõ đó là Kỷ nguyên số, Kỷ nguyên xanh. Muốn làm được điều này thì chúng ta phải có những thay đổi có tính đột phá.
Hà Nội có nhiều tiềm năng để hoàn thành, bởi Thủ đô là nơi tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, đó chính là cơ sở, tiềm năng để chúng ta dựa vào khoa học - công nghệ, tạo ra đột phá. Trong đó, Luật Thủ đô 2024 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép Hà Nội sử dụng ngân sách để phát triển khoa học - công nghệ. Vượt qua khuôn khổ vốn có đó là cho phép nghiên cứu khoa học có rủi ro, để Hà Nội có thể làm những gì lớn nhất, tiên phong nhất. Bên cạnh đó cũng đưa ra những cơ chế để thu hút những nhà khoa học, những nhân tài với cơ chế đãi ngộ vượt trội.
Luật Thủ đô 2024 đã cho phép Hà Nội phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn... tập trung vào việc xây dựng khu vực lắp ráp và hướng tới sẽ xây dựng được khu vực sản xuất. Cùng với đó, Hà Nội cũng tập trung vào phát triển những ngành nghề thế mạnh như: các di sản văn hóa, làng nghề, khu vực sản xuất thủ công mỹ nghệ... trong định hướng của Luật cũng cho phép sử dụng công nghệ để nâng tầm di sản. Hay về nông nghiệp, hiện nay Hà Nội đang dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhưng tập trung vào đó là những sản phẩm nông nghệ khoa học công nghệ cao. Sản xuất công nghiệp cũng vậy, không mang tính đại trà mà tập trung vào những sản phẩm công nghệ then chốt để lan tỏa cho các tỉnh khác...
Đồng quan điểm với GS.TS Hoàng Văn Cường, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, Hà Nội không thiếu tiềm năng thu hút vốn. Vấn đề là tạo lập được môi trường pháp lý đủ hấp dẫn và ổn định để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn dài hạn. Luật Thủ đô 2024 đã có bước tiến rất xa trong việc tạo cơ chế bảo vệ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
TS Lê Duy Bình nhấn mạnh, nguồn thu từ đất nếu được quản lý hiệu quả sẽ là động lực tài chính bền vững, giúp Hà Nội không phải trông chờ vào nguồn ngân sách T.Ư. Điều quan trọng là cần minh bạch hóa quy trình đấu giá, cấp quyền sử dụng đất và giám sát chặt chẽ để bảo đảm nguồn lực được sử dụng đúng mục tiêu phát triển bền vững.
Nghị quyết về thu hút nhà đầu tư chiến lược quy định, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh; phát triển khu công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên; công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới...
Ưu tiên DN có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản từ 20.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư. Ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ, kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự; ưu tiên nhà đầu tư, có quy mô vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 10.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/co-hoi-dua-ha-noi-but-pha.768974.html