Hà Nam thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN
Sáng 28/4, tại Kỳ họp thứ 26 (chuyên đề), HĐND tỉnh Hà Nam khóa 19 đã xem xét, thảo luận các Tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh và quyết nghị thông qua 4 nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; giao chi tiết Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn.
Tại kỳ họp, 100% đại biểu tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 3.942,61 km2 và quy mô dân số trên 4,4 triệu người. Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Nam năm 2025, các đại biểu tán thành theo phương án dự kiến. Theo đó, tỉnh sẽ sắp xếp 98 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 65 xã, 29 phường, 4 thị trấn) thành 33 đơn vị hành chính, trong đó có 16 phường và 17 xã.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam Phạm Hồng Thanh cho biết, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và tổ chức các kỳ họp của HĐND cấp huyện, cấp xã về việc hợp nhất các tỉnh: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Kết quả, đối với việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý là 96,79%. Đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý là 97,75%; tỷ lệ đồng ý của đại hiểu HĐND cấp huyện đạt 95,27% và đại biểu HĐND cấp xã là 97,28%.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam Đặng Thanh Sơn nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này là những nội dung quan trọng để kịp thời thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện các hồ sơ, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; đồng thời, chỉ đạo việc rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tài chính - tài sản công, các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân, doanh nghiệp,… để thực hiện khi sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo không để xảy ra lãng phí, tiêu cực. UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các dự án trên địa bàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được ban hành; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân địa phương trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Quang Cường/TTXVN
Ngày 28/4, HĐND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 HĐND tỉnh khóa XIX. Tại kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang và Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, các đại biểu tán thành chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay. Quy mô diện tích là 13.795,51 km2; dân số 1.865.270 người.
HĐND tỉnh Tuyên Quang nhất trí thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Cụ thể, sắp xếp 134 xã, phường, thị trấn để thành lập 48 phường, xã (43 xã và 5 phường) và giữ nguyên 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Trung Hà, Hùng Đức và Kiến Thiết. Sau khi sắp xếp, Tuyên Quang có 51 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 46 xã và 5 phường.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga nhấn mạnh, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là cuộc cách mạng về tổ chức mà còn là cơ hội lịch sử, giải pháp căn cơ để chủ động vượt qua thách thức, kiến tạo không gian phát triển mới. Hoạt động này hướng đến xây dựng bộ máy hành chính thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây chính là động lực mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng tỉnh Tuyên Quang mới phát triển nhanh và bền vững.
Bà Hà Thị Nga đề nghị, các cấp, ngành ngay sau kỳ họp tập trung tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và xây dựng kế hoạch thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua. Ngoài việc quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, các cấp, ngành cần thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ bị ảnh hưởng, đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của quý II và cả năm 2025.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2025 tỉnh Tuyên Quang; Phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang năm 2025; Phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2025; Quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị sau khi thành lập, sắp xếp và tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh…
Kỳ họp đã tiến hành miễn nhiệm 7 Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 do được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác và nghỉ chế độ hưu trí...
Kết luận kỳ họp, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để trình Bộ Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết với yêu cầu cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và rõ trách nhiệm...
Ngoài ra, UBND tỉnh, các cấp, ngành thực hiện sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; đặc biệt, quan tâm thực hiện các thủ tục hành chính phát sinh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là các lĩnh vực thiết yếu (như: đăng ký hộ tịch, đất đai, tài chính, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục…) nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính được thông suốt...
Thanh Tuấn - Quang Cường (TTXVN)