Cơ hội mở cho điện ảnh Việt

Cơ hội mở cho điện ảnh Việt
8 giờ trướcBài gốc
Có thể nói, việc hiện diện tại Cannes - một trong những liên hoan phim danh giá và có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu đã đánh dấu một dấu ấn mới trên hành trình khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa, điện ảnh và du lịch quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên một sự kiện quảng bá quy mô lớn như vậy được thực hiện, mở ra cơ hội cho các nhà làm phim, nhà sản xuất và đơn vị truyền thông tiếp cận thị trường quốc tế.
Điều đó cũng cho thấy sự phát triển ngày càng rực rỡ của điện ảnh Việt. Tính đến nay, chúng ta đã tham gia hàng trăm liên hoan phim quốc tế, tham gia các giải thưởng danh giá Oscar và nhiều liên hoan phim uy tín như Cannes, Berlin, Thượng Hải, Tokyo, Busan… tạo được những dấu ấn rất tốt.
Có thể kể đến bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng tại LHP Cannes - cho phim dài đầu tay xuất sắc nhất. Hay “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng “Khinh khí cầu vàng” - giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp). Còn “Những đứa trẻ trong sương” – phim tài liệu của đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt của Ban giám khảo cho phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam; lọt vào top 15 giải thưởng danh giá Oscar cho phim tài liệu…
Trong 5 năm qua, lần đầu tiên phim Việt đạt doanh thu hàng chục triệu USD, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội địa. Cùng với đó, Luật Điện ảnh mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tạo dựng một môi trường làm phim ngày càng thuận lợi cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế.
Vì vậy, việc giới thiệu phim, đạo diễn, bối cảnh quay tại một sân chơi lớn như Cannes là tín hiệu tích cực cho điện ảnh Việt, mở ra nhiều cơ hội giới thiệu quảng bá cũng như kết nối với các nền điện ảnh trên thế giới. Đặc biệt là tạo thêm động lực cho các nhà làm phim trẻ, các dự án sáng tạo… đồng thời là nền tảng để Việt Nam hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh bền vững, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hiệu quả chỉ thực sự bền vững khi đi kèm chiến lược quảng bá là nội dung chất lượng tác phẩm. Việc xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững – từ đào tạo, phát hành, tới hỗ trợ sáng tạo mới là yếu tố cốt lõi để điện ảnh Việt Nam tiếp tục thăng hạng trên bản đồ điện ảnh thế giới; thể hiện sự chủ động trong hội nhập và quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua điện ảnh.
Đúng như chia sẻ của ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, mỗi vùng đất của Việt Nam đều mang trong mình những câu chuyện độc đáo và mỗi câu chuyện ấy đều xứng đáng được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, một ngôn ngữ có khả năng chạm đến trái tim.
Mai Hoa
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/co-hoi-mo-cho-dien-anh-viet-10306185.html