Quang cảnh cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul hồi tháng 3-2022
Tâm điểm Istanbul
Nga và Ukraine dự kiến tiến hành đàm phán trực tiếp từ ngày hôm nay 15-5 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với trông đợi bắt đầu tiến trình đối thoại nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột lớn nhất và kéo dài nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Mọi sự chú ý quốc tế đang đổ dồn về đây, đặt nhiều kỳ vọng, song cũng không ít lo ngại về một tiến trình hòa đàm mà khả năng thành công vẫn còn nhiều ẩn số vào lúc này.
Kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 28-2-2022, chiến sự đã kéo dài hơn 1.100 ngày với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng cùng với tổn thất ngày càng lớn về sinh mạng và vật chất cho cả hai phía giao chiến. Cuộc xung đột quân sự quy mô lớn đã cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng, tàn phá hạ tầng dân sự, đẩy hàng triệu người Ukraine vào cảnh tị nạn và gây thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ USD.
Tác động nặng nề từ cuộc xung đột quân sự tại Ukraine không chỉ dừng lại ở khu vực châu Âu mà còn là cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia trên thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành một điểm nóng toàn cầu về địa chính trị và kinh tế. Chính vì thế, mỗi nỗ lực ngoại giao, dù mong manh, đều được kỳ vọng như một tia sáng trong đường hầm xung đột bạo lực khốc liệt.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có mối quan hệ tương đối cân bằng với cả Mátxcơva và Kiev, tiếp tục đóng vai trò trung gian cho cuộc gặp được cả thế giới ngóng trong giữa Nga và Ukraine. Phía Nga cho đến ngày 14-5 vẫn giữ quan điểm sẵn sàng tham gia đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Việc cử một phái đoàn hùng hậu do Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov dẫn đầu cùng với sự tham dự của các quan chức cấp cao như Trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin - ông Yury Ushakov, cho thấy sự nghiêm túc của Mátxcơva. Dù vậy, cho đến thời điểm cuối ngày 14-5, Điện Kremlin vẫn chưa xác nhận liệu Tổng thống Vladimir Putin có đích thân tới Istanbul để đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Ukraine hay không. Theo các nhà phân tích, việc giữ “khoảng cách chiến thuật” bằng cách chưa xác nhận sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin là cách để Mátxcơva vừa giữ thế chủ động, vừa đề phòng mọi tình huống có thể diễn biến bất ngờ trong đàm phán.
Trái với sự linh hoạt về điều kiện đàm phán từ phía Nga, Ukraine đưa ra điều kiện tiên quyết là phải có lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày trước khi cuộc đàm phán diễn ra. Đồng thời, Kiev bày tỏ muốn Tổng thống Volodymyr Zelensky đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Vladimir Putin, điều mà Ukraine cho rằng là cần thiết để đưa ra quyết định chính trị mang tính sống còn. Đặc biệt, Ukraine còn đề xuất Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia đàm phán tại Istanbul, một động thái nhằm tạo sức ép với để Tổng thống Vladimir Putin phải đàm phán trực tiếp với ông Volodymyr Zelensky.
Hy vọng Nga - Ukraine mở lại cánh cửa đối thoại
Không phải ngẫu nhiên mà thành phố Istanbul được chọn làm nơi tổ chức đàm phán. Thành phố này từng là địa điểm cho cuộc tiếp xúc chính thức hồi tháng 3-2022, khi hai phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine được cho đã cơ bản đạt được một thỏa thuận hòa bình sơ bộ.
Theo các dự thảo được tờ New York Times (Thời báo New York, Mỹ) công bố hồi trung tuần tháng 6-2024, Ukraine đã sẵn sàng trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn, không liên kết và phi hạt nhân, cũng như không cho phép bất kỳ vũ khí hay lực lượng nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ không gia nhập NATO nhưng vẫn để ngỏ khả năng trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh từ một nhóm quốc gia gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Một dự thảo từng được nhất trí một phần nêu rõ, các quốc gia đảm bảo, bao gồm cả Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Ukraine, đồng thời không đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại nước này. Dự thảo cũng đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài trong 10-15 năm về quy chế của Bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.
Trong trường hợp Ukraine bị tấn công, Kiev mong muốn các quốc gia đảm bảo sẽ hỗ trợ, bao gồm khả năng đóng không phận Ukraine, cung cấp vũ khí cần thiết và sử dụng vũ lực nhằm khôi phục cũng như duy trì an ninh cho một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Tuy nhiên, Nga yêu cầu mọi quyết định như vậy phải được tất cả 5 thành viên Hội đồng Bảo an đồng thuận, trong khi Nga lại giữ quyền phủ quyết.
Hai bên bất đồng sâu sắc về quy mô lực lượng vũ trang và kho vũ khí tương lai của Ukraine. Chẳng hạn, Kiev sẵn sàng giới hạn quân số ở mức 250.000 người với 800 xe tăng và tầm bắn tối đa của tên lửa là 280 km. Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine phải giới hạn binh lính ở mức 85.000 người, 342 xe tăng và tầm bắn tên lửa không vượt quá 40 km. Nga yêu cầu Ukraine công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức và chấm dứt điều mà Moscow cho là “phân biệt đối xử” với cộng đồng người nói tiếng Nga - điều mà Kiev đã bác bỏ. Nga cũng yêu cầu bãi bỏ những đạo luật mà Mátxcơva gọi là “luật pháp về sự phát xít hóa và tôn vinh chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine, song Kiev khẳng định đó là những cáo buộc phi lý.
Thỏa thuận sơ bộ mà Nga và Ukraine đạt được hồi tháng 3-2022 từng đem lại hy vọng lớn về việc chấm dứt cuộc xung đột quân sự vừa bắt đầu. Tuy nhiên, cánh cửa đàm phán đóng lại từ tháng 4-2022 khi cục diện chiến trường đảo chiều, trong khi Mỹ và phương Tây viện trợ quân sự tối đa cho Ukraine, đồng thời áp đặt trừng phạt Nga.
Sự trở lại của Istanbul trong vai trò địa điểm đàm phán trung gian lần này mang tính biểu tượng sâu sắc, đồng thời khơi lại những hy vọng chưa thành về thỏa thuận giúp giải quyết hòa bình cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa thành hồi tháng 3-2022. Liệu cuộc đàm phán tại Istanbul có thể mở ra cánh cửa hòa bình hay chỉ là một nỗ lực ngoại giao mang tính hình thức? Cơ hội là có, nhưng không thực sự lớn. Trước hết, sự tham gia của nguyên thủ hai nước, đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin chưa rõ ràng. Nếu hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Ukraine không trực tiếp gặp nhau, khả năng đạt được thỏa thuận mang tính đột phá là khá thấp. Thứ hai, những khác biệt về quan điểm giữa hai bên hiện vẫn còn quá lớn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc gặp được trộng đợi tại Istanbul vẫn là cơ hội hiếm hoi để khôi phục đối thoại, làm dịu tình hình và đặt nền móng cho những cuộc hòa đàm trong tương lai gần. Trong bối cảnh chiến sự bế tắc, không bên nào giành được lợi thế quyết định, hòa đàm có thể là con đường duy nhất đúng đắn để đi tới chấm dứt xung đột đau thương.
Dù triển vọng còn chưa rõ ràng và những khác biệt còn rất sâu sắc, song việc các nhà đàm phán Nga và Ukraine tới Istanbul vẫn là cơ hội cần được nắm bắt và nuôi dưỡng. Trong một thế giới đang có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, hòa bình vẫn là ước vọng chính đáng và cấp bách nhất lúc này.
Istanbul có thể chưa mang lại một thỏa thuận toàn diện, nhưng nếu hai bên Nga và Ukraine có thể ngồi lại với nhau, mở lại cánh cửa đối thoại thì đó đã là một bước tiến không nhỏ trên con đường dài đi đến hòa bình sau này.
Hoàng Hà