Nhiều thời điểm trong tháng 10 qua, chỉ số VN-Index cho thấy sự giằng co quanh các mốc hỗ trợ quan trọng, trong đó có ngưỡng 1.270 điểm, trước khi giảm xuống sát 1.250 điểm với áp lực bán mạnh mẽ trở lại từ khối ngoại. Thanh khoản trên thị trường cũng ghi nhận xu hướng giảm, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024 với trung bình GTGD/phiên chỉ đạt 16.047 tỷ đồng. VN-Index kết thúc tháng 10 tại mốc 1.264, giảm 1,82% so với tháng trước.
Nguồn: ABS
Về mặt định giá, với sự sụt giảm của VN-Index trong tháng 10 và kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, P/E của VN-Index giảm từ 14,05x cuối tháng 9 xuống 13,36x cuối tháng 10, thấp hơn -1 độ lệch chuẩn (Std) của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 dự kiến ở mức thấp hơn do KQKD cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,2x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,56x) và VNSML (13,06x).
Yếu tố nào sẽ tác động đến TTCK tháng 11?
Ở trong nước, tâm điểm của thị trường chứng khoán trong tháng 11 sẽ là việc cải cách thể chế với việc nhiều bộ luật được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10/2024, được kỳ vọng gỡ các nút thắt thể chế hỗ trợ tăng trưởng.
Theo đó, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng một luật sửa nhiều luật, bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế). Cùng đó, Quốc hội cũng dự kiến thông qua các Nghị quyết thí điểm về các vấn đề cấp bách liên quan đến các vấn đề nhà ở thương mại…
Đáng chú ý, kỳ họp lần này dự kiến thông qua chủ trương thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc với dự toán 67 tỷ USD, dự kiến là lực đẩy cho đầu tư công trong 2025
Trên thế giới, vào đầu tháng 11 qua, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra với thắng lợi thuộc về ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Diễn biến này đã có tác động tức thời đến các thị trường chứng khoán toàn cầu, và dự kiến vẫn sẽ có những tác động trong thời gian tới.
Điểm đáng chú ý khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng là chính sách thương mại của ông dự kiến đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc lên đến 60%. Giới chuyên gia cho rằng điều này một mặt khiến nhiều mặt hàng thay thế của Việt Nam trở nên có sức cạnh tranh hơn khi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng mặt khác có thể khiến hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam trước áp lực dư cung tại thị trường Trung Quốc.
Một tác động đáng kể khác được dự báo trong nhiệm kỳ tới của ông Trump là xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ. Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định các động thái gần đây về việc một số nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn công nghệ Mỹ thân chính phủ Trump như SpaceX dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, cũng như xu hướng hợp tác công nghệ Mỹ - Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hưởng lợi.
Kịch bản nào cho VN-Index tháng 11?
Chứng khoán TPS cho rằng vẫn có cơ hội để VN-Index vượt 1.300 điểm trong tháng 11 này.
Cụ thể, ở kịch bản tích cực với khả năng xảy ra 60%, VN-Index dự báo vượt lên mốc 1.300 điểm trong tháng 11. Kịch bản này xảy ra khi thị trường có thể tạo đáy tại vùng giá 1.240 điểm thành công; chỉ khi đó, VN-Index mới có đủ động lực để kéo được chỉ số qua ngưỡng 1.300 điểm. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh trong kịch bản này, VN-Index rất cần thanh khoản bùng nổ cùng điểm số.
Còn ở kịch bản tiêu cực với khả năng xảy ra 40%, VN-Index có thể giảm điểm sau khi mất vùng 1.240 điểm. Ở kịch bản này, thị trường sẽ gặp khó khăn và ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm không đủ sức để hỗ trợ cho xu hướng của thị trường thì khả năng cao xu thể giảm có thể sẽ xuất hiện, các kịch bản xấu được mở ra và kéo chỉ số VN-Index xuống vùng 1.180 điểm (tương ứng mức đáy cũ được tạo lập vào hồi tháng 9/2024).
Với góc nhìn thận trọng hơn, Chứng khoán ABS nhận định rằng thị trường chung đang cho áp lực điều chỉnh giảm. Cụ thể, mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực, nhưng trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất TPCP Mỹ tăng trở lại. Trước áp lực về tỷ giá, NHNN phải thực hiện hút tiền qua kênh thị trường mở trong khi ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm.
Theo đó, ABS khuyến nghị nhà đầu tư các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy. Trong đó, các nhóm cổ phiếu nên quan tâm là những hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: BĐS khu công nghiệp, Dệt may, Thủy sản, Công nghệ, Thực phẩm… Đồng thời, nhóm phân tích khuyến nghị nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy…
Nhìn trong ngắn hạn, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục ngắn hạn và mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.
Chung quan điểm này, Chứng khoán KBSV nhận định mặc dù xu hướng trung hạn của thị trường đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư chỉ duy trì 1 vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục.
Diên Vỹ