Một góc đô thị phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.
Nhiều thay đổi
Từ ngày 1-7, tỉnh Đồng Nai mới cùng 95 xã, phường đã chính thức đi vào hoạt động. Với không gian phát triển mới rộng hơn cùng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo ra tác động mới đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai Khương Nguyễn Đức Chương cho rằng, với việc sáp nhập tỉnh, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các khái niệm về đô thị cũng như phát triển đô thị đều có sự thay đổi.
Hiện nay, hệ thống phân loại đô thị ở Việt Nam được chia thành 6 loại theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc phân loại đô thị sẽ dựa trên các tiêu chí như: dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng…
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, một trong những tầm nhìn phát triển của tỉnh Đồng Nai mới là phải hình thành được các khu đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Theo ông Khương Nguyễn Đức Chương, với khung các tiêu chí trên, cách phân cấp đô thị sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mới. Cụ thể như, một số đô thị có thể được nâng cấp xếp hạng khi quy mô dân số, diện tích tăng lên sau sáp nhập. Bên cạnh tiêu chí phân loại đô thị, cơ chế quản lý đô thị cũng sẽ có sự thay đổi khi thực hiện sáp nhập tỉnh và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Rõ ràng, sẽ có rất nhiều sự thay đổi, điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, sửa đổi về tiêu chí phân loại đô thị, quản lý đô thị một cách hợp lý, phù hợp với bối cảnh tình hình mới để giúp các đô thị phát triển nhanh hơn, nâng cấp hạ tầng và mở rộng quy mô” - ông Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.
Mở ra cơ hội mới
Tỉnh Đồng Nai mới là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của cả nước về diện tích, dân số cũng như quy mô nền kinh tế.
Một góc đô thị phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài những lợi thế trên, với việc có truyền thống phát triển công nghiệp lâu đời và cộng hưởng tác động từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; Cảng Phước An; các tuyến đường cao tốc, vành đai, tiềm năng phát triển đô thị đối với tỉnh Đồng Nai mới thời gian tới là rất lớn.
Tiến sĩ Mai Chiếm Hiếu, Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực II (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng tỉnh Đồng Nai mới có “siêu” Sân bay Long Thành, Cảng Phước An, trung tâm giao thông của vùng Đông Nam Bộ; đồng thời, tỉnh cũng là cửa ngõ kết nối giao thông với Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Với những lợi thế trên, Đồng Nai mới có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.
Đồng thời, trong phát triển nên lấy khu vực Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa (cũ) làm động lực chính. “Cụ thể, tập trung phát triển các đô thị thông minh, dịch vụ đa dạng, chất lượng. Trong đó, đối với khu vực Biên Hòa (cũ) sẽ là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh, cần tập trung phát triển theo hướng đô thị hiện đại, có nhiều dịch vụ chất lượng cao. Đặc biệt, nên khai thác phát triển hai bên bờ sông Đồng Nai theo mô hình như hai bên bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng” - tiến sĩ Mai Chiếm Hiếu cho hay.
Với không gian phát triển mới rộng lớn hơn, tập trung nhiều khu công nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, tỉnh Đồng Nai mới có cơ hội để phát triển nhiều loại hình đô thị như đô thị gắn với các công trình giao thông trọng điểm; đô thị công nghiệp; đô thị TOD…
Theo tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners (đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh), khi sáp nhập tỉnh Bình Phước (cũ) và tỉnh Đồng Nai (cũ) thành tỉnh Đồng Nai mới, lĩnh vực công nghiệp có thể được ưu tiên phát triển về hướng tỉnh Bình Phước (cũ). Khi đó, các khu vực đô thị Biên Hòa (cũ), đô thị Sân bay Long Thành sẽ có thêm nhiều không gian để đẩy mạnh phát triển đô thị.
Mặt khác, khi phát triển công nghiệp được dịch chuyển về hướng tỉnh Bình Phước (cũ) cũng sẽ mở ra cơ hội phát triển đô thị tại khu vực này. Bởi khi đó, hạ tầng giao thông kết nối sẽ phải được đầu tư phát triển đồng bộ, cộng với sự dịch chuyển nguồn lao động là những điều kiện để thúc đẩy phát triển mô hình đô thị công nghiệp.
“Tất nhiên, không chỉ đòi hỏi đầu tư về hạ tầng giao thông, các hạ tầng xã hội cũng phải được đầu tư xây dựng để khi người dân chuyển đến đây sinh sống, họ cảm thấy có đầy đủ các điều kiện đáp ứng nhu cầu cuộc sống” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Phạm Tùng