Cơ hội và rủi ro của nhà đầu tư bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập

Cơ hội và rủi ro của nhà đầu tư bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh sẽ là siêu đô thị với gần 13 triệu dân. Ảnh: Kỳ Phương
Cơ hội đầu tư tăng cao
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thông tin về việc sáp nhập tỉnh, thành phố gần đây cộng hưởng với việc nhiều địa phương công bố bảng giá đất mới, cao hơn nhiều lần so với bảng giá hiện hành và tâm lý FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội) của các nhà đầu tư khiến đất nền lại “sốt”.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản gần đây tại các tỉnh có sự tương đồng, hoặc bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Đơn cử, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm bất động sản tại Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%.
Ngoài ra, các tỉnh có vị trí địa lý, lợi thế thiên nhiên tương đồng cũng ghi nhận biến động tích cực (Hưng Yên tăng 36%, Thái Bình tăng 75%). Các trường hợp tương đồng về quy mô, bổ trợ về kinh tế du lịch biển cũng có lượng tìm kiếm tăng đáng kể (Quảng Bình tăng 45%, Quảng Trị tăng 8%).
Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” với gần 13 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm bất động sản tăng tương đối mạnh. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 42%.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thời gian qua, sau thông tin về kế hoạch dự kiến sáp nhập các tỉnh, nhà đầu cơ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những khu vực tỉnh, thay vì tập trung vào đất nền lân cận thành phố như trước đây.
Đại diện Phu My Holdings cho hay, riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đất nền, nhà phố từng giảm sâu 30 - 40% so với đầu năm 2022, nay đã có dấu hiệu phục hồi, dù giá vẫn chưa quay về đỉnh cũ. Các giao dịch chủ yếu tập trung vào tài sản "ngộp".
Biệt thự, chung cư, nhà phố cao cấp tại khu vực trung tâm TP. Bà Rịa và ven biển Vũng Tàu cũng đang bắt đầu có tín hiệu giao dịch trở lại, tuy giao dịch chưa cao, nhưng đã xuất hiện các nhóm khách hàng mua ở thực và nhà đầu tư cho trung và dài hạn.
Ngay sau khi tin tức về sáp nhập xuất hiện, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại những địa phương liên quan đã tăng đáng kể, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhơn Trạch (Đồng Nai) ghi nhận mức tăng 41%, Thuận An (Bình Dương) và Dĩ An (Bình Dương) lần lượt tăng 26% và 23%. Giá bất động sản tại các khu vực này cũng có dấu hiệu tăng, nhưng không đồng đều.
Nhận định về tình hình thực tế, ông Nguyễn Phi Long - Tổng giám đốc Phu My Holdings cho hay, sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ giữa năm 2022 đến cuối 2024, thị trường đất nền vùng ven TP. Hồ Chí Minh bắt đầu khởi sắc trở lại từ đầu năm 2025. Nhiều tín hiệu tích cực từ chính sách đầu tư công, sáp nhập địa phương và dòng vốn được khơi thông đã góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch.
Sau sáp nhập, trung tâm của TP. Hồ Chí Minh mới vẫn đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kỳ Phương
Nhà đầu tư cần tránh tâm lý lướt sóng
Mặc dù thị trường ấm lên là thế, nhưng theo ông Nguyễn Phi Long, tuy bất động sản đang phục hồi nhưng sức mua vẫn còn dè dặt, nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn kỹ càng, hướng đến những dự án uy tín, minh bạch pháp lý.
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người mua có sẵn tiền mặt đang trở lại thị trường, tập trung mua các sản phẩm lẻ tại các khu dân cư đông đúc có thể khai thác sử dụng ngay, cũng như đất có sổ sẵn tại vùng ven, những nơi dọc theo quy hoạch cao tốc Long Thành - Hồ Tràm.
“Đây là thời điểm phù hợp cho người mua ở thực và là cơ hội gom hàng giá tốt cho nhà đầu tư, vậy nhưng cần lưu ý biến động chính sách và quy hoạch để tránh rủi ro. Việc sáp nhập hành chính cũng đang đặt ra bài toán quy hoạch lại đất đai. Nhà đầu tư cần thận trọng, kiểm tra kỹ hồ sơ và quy hoạch trước khi giao dịch” - ông Phi Long nói.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Consulting đánh giá, mặc dù thông tin sáp nhập theo Nghị quyết 60-NQ/TW hiện mới là chủ trương, đang trong giai đoạn lấy ý kiến người dân và chưa chính thức triển khai, nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường bất động sản, tạo hiệu ứng lan tỏa khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến những địa phương nào quan sát được có những chuyển biến rõ nét về sức cầu thị trường, cũng như giá bán trong thời gian qua.
Ông Thắng cho biết, thời gian sắp tới, sức cầu thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục tập trung ở các thành phố lớn, hiện hữu với mức độ đô thị hóa cao, mật độ cũng như độ nén về dân cư lớn như TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương khi có thể kết hợp với lợi thế cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng cấp trở thành một “siêu đô thị” có vị thế lớn trên phạm vi cả nước và hơn nữa là vươn tầm ra quốc tế.
Bên cạnh đó, thị trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu lại thu hút tốt sự quan tâm của những nhà đầu tư sở hữu tầm nhìn đầu tư trong trung và dài hạn, đặt niềm tin vào những tiềm năng tăng trưởng nơi đây thông qua các cú huých về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khu đô thị cảng Cái Mép - Thị Vải, trung tâm logistics Cái Mép Hạ... Đây đều là những dự án trọng điểm mà khi đưa vào vận hành sẽ là trợ lực lớn giúp cho Bà Rịa - Vũng Tàu vươn tầm phát triển của mình trong tương lai.
Các chuyên gia kinh tế cũng hết sức lưu ý, thời gian qua giá bất động sản bị biến động bởi các thông tin quy hoạch, đầu tư, thông tin về việc sáp nhập tỉnh, thành có nguy cơ sốt ảo, do đó nhà đầu tư cần tỉnh táo, tránh chạy theo xu hướng, đầu tư lướt sóng theo đám đông để hạn chế rủi ro chôn vốn.
Kỳ Phương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-va-rui-ro-cua-nha-dau-tu-bat-dong-san-sieu-do-thi-tp-ho-chi-minh-sau-sap-nhap-176740.html