Là đơn vị sở hữu nền tảng công nghệ chuyên cung cấp nguồn hàng sỉ từ quốc tế đến người kinh doanh Việt Nam (sabomall.com), đại diện doanh nghiệp cho biết Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh có thể tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng các chính sách ưu đãi thuế quan để xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và ngược lại.
Ông Nguyễn Võ Hiển Vinh, Giám đốc Marketing Nền tảng kết nối nguồn hàng Sabomall.com cho biết: “Chúng ta có thế mạnh về gỗ, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ thiên nhiên như dầu dừa, nghệ, dệt may,… chúng ta có rất nhiều sản phẩm đặc thù như vậy. Chúng ta vẫn có khả năng cạnh tranh trực tiếp vì sản xuất tại chỗ, nhân công rẻ. Hơn nữa, những sản phẩm đó khi xuất sang nước ngoài thì chúng ta lại có lợi thế về thuế quan do đó sẽ có mức giá tốt hơn".
Theo các chuyên gia, hiện nay, doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại và quy trình quản lý từ các nhà máy Trung Quốc. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ông Đàm Khánh Trung, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tzitzit, Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào hơn 40 doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, trong tương lai, một số doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới tốt ở Việt Nam sẽ trở thành các đối tác cung cấp của chúng tôi. Hơn nữa chúng tôi cũng tin rằng việc việc xuất khẩu một số chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong tương lai sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc kết nối thương mại điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Ông Quách Dũng Tiêu, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp dệt may đồ nội y Shantou, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và nhận thấy rằng các nước Đông Nam Á bao gồm thị trường Việt Nam có mức thu nhập ngày càng gia tăng. Kinh tế Việt Nam thực sự đang ngày càng phát triển và đang duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tôi cho rằng trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu dùng nổi bật. Vì vậy chúng tôi đã quyết định cùng xây dựng nền tảng đầu tư chuỗi cung ứng tại Việt Nam”.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới.
Còn với các doanh nghiệp nội, để trụ lại trên thương trường, cần nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển dịch số, chuyển dịch xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thanh Hiền
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/co-hoi-va-thach-thuc-tu-hang-gia-re-trung-quoc-278081.htm