Tạo động lực cho người lao động
Những năm qua, hội chợ việc làm cho NLĐ EPS (lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) và thực tập sinh IM Japan (thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản) về nước đã thu hút nhiều người muốn tìm được công việc phù hợp. Những cơ hội việc làm này sẽ giúp NLĐ EPS và IM Japan về nước nhanh chóng ổn định cuộc sống, tự tin khi trở về quê hương sau thời gian làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy, cải thiện đời sống gia đình. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, NLĐ cũng được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội”.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm, quá trình triển khai các chương trình phi lợi nhuận đã tạo ra được phong trào, thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ. Với chi phí tham gia các chương trình thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch đã tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận chương trình. Đặc biệt là NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng chính sách, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người lao động tìm hiểu thủ tục xuất khẩu lao động.
Cơ hội tìm việc làm tốt, thu nhập ổn định
Tham gia hội chợ việc làm cho NLĐ EPS và thực tập sinh IM Japan do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây, anh Hà Ngọc Dương (31 tuổi, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Tôi vừa đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc 5 năm. Ngành nghề chủ yếu của tôi là làm phụ tùng ô tô, máy ảnh, lương khoảng 40 triệu đồng/tháng. Tôi mới về nước được hơn một tháng nhưng vẫn muốn đi xuất khẩu lao động tiếp để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tôi đã hoàn tất các thủ tục để tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc”.
Còn anh Thiều Đình Trọng (34 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Sau gần 5 năm lao động tại Hàn Quốc, tôi cũng mới trở về nước được hơn một tháng. Về Việt Nam, tôi chưa tìm được công việc phù hợp nên mong muốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Thời gian trước, khi làm việc ở Hàn Quốc, mức lương của tôi khoảng 50 triệu đồng/tháng nên tôi mong muốn đi làm thêm một thời gian nữa để kiếm thêm chút tiền làm vốn. Tôi cũng đã hoàn tất các thủ tục để tìm được việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho hay, sau 20 năm, các chương trình EPS và IM Japan đã đưa được hơn 150.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó khoảng 140.000 người được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, gần 9.000 người sang Nhật Bản. Hằng năm có khoảng 7.000 lao động hết hạn trở về, hoặc tiếp tục ký hợp đồng và làm việc tiếp tại nước ngoài, hoặc ở lại và xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam. Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo chương trình EPS chủ yếu làm việc trong các ngành nghề như: Sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, với thu nhập 1.500-2.000USD/người/tháng. Còn lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình IM Japan diện thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản làm việc trong các ngành nghề sản xuất, chế tạo và xây dựng, với thu nhập 130.000-170.000 yên/tháng.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội nhận định, việc triển khai chương trình đưa NLĐ được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội cho NLĐ. Sau khi kết thúc 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, gần 8.000 lượt lao động trở về nước đã trở thành nguồn lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế...
Theo đánh giá của chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam là một trong những nước có số lao động nhiều nhất trong số các nước phái cử đi lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại hai thị trường này đều được đánh giá là những người chăm chỉ trong lao động, có nhiều phẩm chất và năng lực tốt, luôn nỗ lực học tập, không ngừng phát triển bản thân.
Bài và ảnh: DIỆP CHÂU