Cơ hội việc làm lớn nhưng ngành Công nghệ dệt, may vẫn khó thu hút người học

Cơ hội việc làm lớn nhưng ngành Công nghệ dệt, may vẫn khó thu hút người học
5 giờ trướcBài gốc
.t1 { text-align: justify; }
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và luôn có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh chuyên môn, người học cần trang bị thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
Ngành Công nghệ dệt, may thiếu sức hút với thí sinh dù đầu ra rộng mở
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tạ Văn Hiển – Phó Trưởng khoa, Khoa May và Thời trang, Trường Đại học Sao Đỏ chia sẻ: “Trong những năm gần đây, thí sinh đăng ký vào ngành Công nghệ dệt, may có xu hướng giảm nhẹ cho thấy sự thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề, đồng thời đặt ra thách thức mới cho công tác tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực của ngành.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự đa dạng hóa các ngành học. Hiện nay, các em học sinh có thể lựa chọn nhiều ngành mới, hấp dẫn gắn với công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc kinh tế số. Điều này khiến ngành Công nghệ dệt, may trở nên giảm nổi bật hơn trong mắt thí sinh.
Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh có nhiều sự lựa chọn như đi du học, xuất khẩu lao động. Những hướng đi này được phụ huynh, học sinh đánh giá sẽ mang lại cơ hội làm việc với mức thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các ngành đào tạo ngày càng nhiều. Trong khi, một số ngành như Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị kinh doanh thu hút thí sinh nhờ mức thu nhập cao, cơ hội phát triển quốc tế, thì ngành Công nghệ dệt, may dù có mức lương khá ổn định nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút thí sinh.
Thực tế cho thấy, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công nghệ dệt, may sau khi tốt nghiệp rất cao. Các công ty, doanh nghiệp tại Hải Dương và các khu vực lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh thường xuyên liên hệ với nhà trường để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành học này với chế độ phúc lợi và mức lương hấp dẫn cùng nhiều cơ hội thăng tiến”.
Thạc sĩ Tạ Văn Hiển (đứng giữa) – Trưởng khoa, Khoa May và Thời trang, Trường Đại học Sao Đỏ. Ảnh: NVCC.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Phú, Tổng Công ty 28 (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực dệt, may, kinh doanh thời trang cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng trong ngành dệt, may rất lớn, gần như các sinh viên học ngành này đều có việc làm ngay sau khi ra trường. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động liên kết, đặt hàng trước với các trường đại học đào tạo ngành Công nghệ dệt, may nhằm đảm bảo tuyển dụng được lao động chất lượng.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Bình Phú vẫn tuyển dụng liên tục ở nhiều vị trí khác nhau như các vị trí về thiết kế rập, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài liệu, bảng màu, Merchandise…
Mức lương khởi điểm đối với sinh viên mới ra trường trong ngành dệt, may hiện dao động từ 8–10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng thử việc, nếu người lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc, doanh nghiệp sẽ tiến hành đánh giá và điều chỉnh mức lương phù hợp. Thu nhập hàng tháng dựa vào doanh thu và hiệu quả công việc thực tế. Vì vậy, doanh thu cao thì thu nhập của người lao động cũng tăng tương ứng theo hệ số lương gắn với hiệu quả công việc.
Cơ hội thăng tiến trong ngành hiện khá rộng mở. Với năng lực và sự chăm chỉ trong công việc, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chỉ khoảng 1-2 năm đã được doanh nghiệp cân nhắc đề bạt lên các vị trí quản lý cấp trung. Điều này tạo động lực lớn cho người học, đồng thời cũng khẳng định vị thế của ngành trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo hoặc đào tạo từ thực tế công việc, bồi dưỡng kỹ năng giúp nhân sự nâng cao năng lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc và mở rộng cơ hội thăng tiến trong tương lai”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Phú, Tổng Công ty 28 (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.
Giỏi ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng
Theo bà Hiền, điểm yếu mà phần lớn sinh viên sau tốt nghiệp gặp phải là khả năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt tiếng Anh chuyên ngành chưa tốt. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo bổ sung để giúp ứng viên nhanh chóng làm quen với thuật ngữ chuyên môn và yêu cầu công việc thực tế.
Để đảm nhận vị trí tốt và nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động, sinh viên cần chú trọng trau dồi khả năng tiếng Anh. Ngoại ngữ tốt không chỉ giúp tiếp cận nhanh với các tài liệu, quy trình công nghệ mà còn nâng cao khả năng giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Việc chủ động rèn luyện tiếng Anh sẽ mở rộng cơ hội thăng tiến và phát triển bền vững trong ngành Công nghệ dệt, may.
Bà Hiền cho biết thêm, mỗi doanh nghiệp sẽ có quy trình hoạt động khác nhau. Mặc dù, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được trang bị kiến thức từ nhà trường là những kiến thức cơ bản chung về ngành, tuy nhiên khi đi vào thực tế sản xuất của mỗi doanh có sự khác biệt nhất định. Vì vậy, các doanh nghiệp khi tuyển dụng thường dành khoảng 2 tháng đầu để đào tạo kết hợp với thử việc, giúp các bạn nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc cũng như quy trình sản xuất thực tế.
Chẳng hạn, trong quá trình sản xuất cần tính toán độ co rút và điều chỉnh phù hợp để đảm bảo đường may đạt chuẩn thông số kỹ thuật. Người học đã nắm được các công thức cơ bản từ nhà trường nhưng kinh nghiệm xử lý thực tế sẽ được doanh nghiệp hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, tăng giảm bao nhiêu cho phù hợp với từng loại vải để đảm bảo độ chính xác cao nhất có thể; giảm thiểu các rủi ro không đáng có trong sản xuất.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất, các trường đại học thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Thông thường, trong một khóa học, sinh viên sẽ trải qua hai đợt thực tập chính, một đợt giữa khóa để làm quen với quy trình sản xuất và một đợt cuối khóa gắn liền với việc thực hiện đồ án chuyên ngành. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các đợt kiến tập ngắn hạn.
Cùng chia sẻ về quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp, chị Đỗ Hoàng Anh, cựu sinh viên ngành Công nghệ dệt, may Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên viên phát triển dệt, may tại một công ty dệt may ở Hà Nội cho rằng: “Cơ hội việc làm của ngành Công nghệ dệt, may rất rộng mở. Hiện nay, Việt Nam là điểm đến của hàng loạt công ty dệt, may trong và ngoài nước. Nhiều nhãn hàng quốc tế đặt văn phòng đại diện hoặc nhà máy sản xuất tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường toàn cầu. Với lợi thế này, ngành dệt may đang giữ vững vị thế là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực và có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều sử dụng tiếng Anh trong các vòng phỏng vấn tuyển dụng. Bên cạnh đó, tùy theo yêu cầu của từng đơn vị, ứng viên sẽ phải vượt qua các bài kiểm tra chuyên môn, kỹ năng tin học văn phòng hoặc những bài đánh giá riêng biệt. Do đó, sinh viên cần chủ động đầu tư vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng tin học và củng cố vững chắc kiến thức chuyên ngành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Về mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp thường từ 8 triệu đồng/tháng trở lên. Để nâng cao cơ hội việc làm và nhận mức lương hấp dẫn hơn, các bạn cần chú trọng học ngoại ngữ, không chỉ tiếng Anh mà còn các ngôn ngữ như tiếng Trung, Hàn, Nhật. Đây là những quốc gia có nhiều nhãn hàng và công ty đặt nhà máy, văn phòng tại Việt Nam. Việc giỏi ngoại ngữ sẽ giúp hồ sơ ứng tuyển của ứng viên trở nên nổi bật và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Bên cạnh ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Các bạn cần có khả năng xử lý tình huống, giao tiếp hiệu quả và làm việc nhóm linh hoạt để thích ứng với môi trường làm việc đa dạng".
Chị Đỗ Hoàng Anh (sinh năm 1995), cựu sinh viên ngành Công nghệ dệt, may Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Theo chị Hoàng Anh, sinh viên sau khi ra trường mới bắt đầu tìm việc có thể hơi muộn. Ngay trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp, các bạn cần xác định rõ định hướng nghề nghiệp sẽ theo là nghiên cứu hay làm việc tại doanh nghiệp. Nếu lựa chọn tham gia ngay vào thị trường lao động cần chủ động tìm hiểu và kết nối sớm với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bản thân quan tâm.
Khoảng thời gian này không chỉ là cơ hội để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển phù hợp mà còn giúp sinh viên điều chỉnh kỹ năng, kiến thức chuyên môn theo yêu cầu tuyển dụng cụ thể của doanh nghiệp. Việc chuẩn bị sớm là bước đi cần thiết, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, đồng thời giúp người học tránh được tâm lý hụt hẫng, loay hoay trong thời gian đầu sau tốt nghiệp.
Trong khi đó, thầy Hiển thông tin thêm, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí như quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, thiết kế sản phẩm may, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất hoặc quản lý đơn hàng… Đặc biệt, lao động trong ngành dệt, may hiện nay không đơn thuần là lao động thủ công. Ngành dệt, may đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại và quá trình sản xuất tiên tiến. Do đó, lực lượng lao động cần được đào tạo bài bản để có thể làm chủ công nghệ và thích ứng với môi trường sản xuất hiện đại.
Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường tùy theo năng lực và khả năng ngoại ngữ. Với các em chưa thành thạo ngoại ngữ, mức lương thường có thể dao động từ khoảng 12–15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu có khả năng sử dụng tốt một ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, mức lương các em có thể nhận được trên 20 triệu đồng/tháng.
Đổi mới đào tạo để thu hút người học và đảm bảo đầu ra
Theo Trưởng khoa, Khoa May và Thời trang, Trường Đại học Sao Đỏ thông tin, để thu hút người học cũng như nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành Công nghệ dệt, may nhà trường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy; đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin về ngành học trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, giúp người học, phụ huynh và đặc biệt là học sinh phổ thông hiểu rõ hơn về đặc điểm của ngành, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cũng như tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng việc gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Ngay từ năm đầu, sinh viên đã được tham quan tại doanh nghiệp để có cái nhìn tổng quát về ngành học, đến năm thứ ba, thứ tư, sinh viên được tham gia các chương trình thực tập, thực tế tại các đơn vị sản xuất, giúp các em làm quen với môi trường làm việc, quy trình vận hành và yêu cầu nghề nghiệp cụ thể.
Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhằm bảo đảm sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ có việc làm và thu nhập ổn định, mà còn có cơ hội thăng tiến xa hơn. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan với doanh nghiệp giúp nhà trường phát triển chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn và tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng sức hấp dẫn trong công tác tuyển sinh.
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng và chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp trên mạng xã hội và website chính thức. Đây là một kênh kết nối hiệu quả, giúp thí sinh có cái nhìn thực tế hơn về cơ hội việc làm, từ đó gia tăng sự quan tâm và cân nhắc lựa chọn ngành học.
Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ trong một buổi học thiết kế váy dạ hội trên manocanh. Ảnh: website nhà trường.
Thầy Hiển nhìn nhận, về tiềm năng phát triển của ngành Công nghệ dệt, may sẽ có nhiều lợi thế trong những năm tới. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục là một trong những trung tâm sản xuất và gia công hàng dệt, may hàng đầu thế giới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao trong ngành được sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất dệt, may đang không ngừng được nâng cao. Khi quy trình sản xuất ngày càng hiện đại, ngành có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào lao động phổ thông, thay vào đó là nhu cầu lớn về đội ngũ nhân lực có trình độ, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Thực tế này đòi hỏi người lao động phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu từ kiến thức nền tảng đến kỹ năng thực hành và khả năng thích ứng với môi trường sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, cựu sinh viên ngành Công nghệ dệt, may Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm, khác với nhiều ngành học, sinh viên ngành dệt may thường được các công ty, doanh nghiệp chủ động đến trường phỏng vấn, tuyển chọn hoặc thiết lập quan hệ hợp tác thực tập. Điều này giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên sẵn sàng bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay sau khi ra trường.
Các bạn có thể làm việc tại những nhà máy chuyên sản xuất sợi, một khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng may mặc. Tại một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam hiện đang có ngành dệt sợi phát triển mạnh, tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Đây là lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao về quy trình sản xuất sợi trước khi chuyển sang các công đoạn tiếp theo như dệt vải và may thành phẩm. Những vị trí phổ biến sau khi ra trường người học có thể ứng tuyển như kỹ sư dệt, kỹ thuật viên kiểm định chất lượng, chuyên viên phụ trách màu sắc (màu nhuộm)...
Ngoài ra, các bạn còn nhiều lựa chọn nghề nghiệp, không chỉ giới hạn trong sản xuất mà còn có thể làm việc trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng, marketing sản phẩm dệt hoặc kinh doanh thiết bị, nguyên liệu phục vụ ngành Công nghệ dệt, may.
Khánh Hòa
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-hoi-viec-lam-lon-nhung-nganh-cong-nghe-det-may-van-kho-thu-hut-nguoi-hoc-post251347.gd