Có kho hàng lớn nhất thế giới, 'vàng đen' Việt Nam sốt giá, vào thời hoàng kim

Có kho hàng lớn nhất thế giới, 'vàng đen' Việt Nam sốt giá, vào thời hoàng kim
6 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Cú bứt phá ngoạn mục của ‘vua trái cây’, rau quả Việt thần tốc lên kỷ lục
Bài 2: Cà phê Việt thành 'cây ATM' hái tiền tỷ, giá đắt nhất thế giới
Bài 3: Âm thầm thành nhà cung ứng số 1 thế giới, ngành điều ‘ôm’ về kỷ lục 4,34 tỷ USD
LTS: 2024 là năm ‘bội thu’ với ngành nông nghiệp Việt Nam. Rất nhiều ngành hàng truyền thống lấy lại vị thế, thu về số ngoại tệ kỷ lục lịch sử. Người nông dân nhiều nơi nhờ vậy đã đổi đời. Bên cạnh đó, có những ngành mới cũng đứng trước triển vọng sáng để tăng tốc.
Cùng VietNamNet nhìn lại bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp Việt năm qua với niềm tin về một năm 2025 bứt phá qua tuyến bài ‘Đường đến những kỷ lục của nông sản Việt’.
Trở lại 'câu lạc bộ tỷ USD'
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa ra mắt Bản đồ số hồ tiêu và gia vị Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng và vùng trồng, hỗ trợ kết nối giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đồng thời, kỳ vọng bản đồ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu ở nước ta khoảng 113.000ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn. Trong năm 2024, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 250.000 tấn hạt tiêu, giá trị đạt 1,31 tỷ USD - mức kỷ lục trong 8 năm qua. So với cùng kỳ năm trước, lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 6,2% nhưng giá trị tăng mạnh 44,4%.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục nắm giữ kho hàng lớn nhất thế giới khi sản lượng chiếm 40% và xuất khẩu chiếm 60% trên toàn cầu.
Thực tế, sau nhiều năm trồng và xuất khẩu, loại hạt gia vị này đã trở thành ngành hàng thế mạnh của nước ta. Đáng chú ý, cách đây hơn một thập kỷ, hạt tiêu bất ngờ sốt giá trên toàn cầu. Đà tăng bắt đầu từ năm 2010 và đạt đỉnh vào năm 2015 với mức giá 230 triệu đồng/tấn. Ở thời hoàng kim này, quy đổi 1 tấn hạt tiêu đen khô sẽ tương đương với 6,5 lượng vàng.
Đây cũng là nguyên nhân hạt tiêu được ví như “vàng đen” của Việt Nam, đồng thời trở thành mặt hàng tỷ USD của ngành nông nghiệp.
Thế nhưng, việc nông dân ở nhiều tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này, khiến sản lượng tăng chóng mặt (đạt đỉnh 270.000 tấn vào năm 2020) dẫn đến cung vượt cầu. Cơn sốt giá lịch sử nhanh chóng hạ nhiệt, khép lại thời hoàng kim.
Năm 2019, giá tiêu chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, "bốc hơi" 85% so với lúc đỉnh. Từ 2020, giá loại hạt gia vị này phục hồi nhưng vẫn neo ở mức thấp.
Vị thế ngành hàng tỷ USD của hạt tiêu cũng chỉ duy trì được 4 năm (từ 2014-2017). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu giảm còn gần 759 triệu USD.
Mãi cho đến tháng 9/2024, hạt tiêu mới quay trở lại “câu lạc bộ tỷ USD” của ngành nông nghiệp.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen Việt Nam trong năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm trước đó. Ở một số thời điểm, giá mặt hàng này của nước ta còn vọt lên đắt đỏ nhất thế giới.
Giá tiêu tại thị trường nội địa cũng tăng không ngừng nghỉ. Đầu năm 2024, nếu giá còn ở ngưỡng 80.000 đồng/kg thì đến tháng 6 tăng phi mã, cán mốc 180.000 đồng/kg. Ngày cuối cùng của năm, giá tiêu dao động từ 146.000-147.000 đồng/kg.
Khép lại năm 2024, các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ 32-68%, thậm chí có công ty doanh thu xuất khẩu tăng đột biến 150% so với năm 2023. Người nông dân cũng có một năm bội thu, lãi từ 60.000-100.000 đồng khi xuất bán 1kg hạt tiêu.
Thời hoàng kim mới của 'vàng đen' sẽ kéo dài cả thập kỷ
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA - chỉ rõ, nguồn cung hạt tiêu trên toàn cầu giảm mạnh là nguyên nhân chính đẩy mặt hàng này sốt giá trong năm 2024.
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2025 dự báo tiếp tục giảm so với 2024 do đây không còn là cây trồng chủ lực, đặc biệt trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác trong khi chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu tăng cao.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến các vùng trồng tiêu ở nhiều quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Brazil... kéo theo sản lượng sụt giảm đáng kể.
Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3-4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán.
Giá “vàng đen” của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, bởi nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ổn định, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu từ tháng 3-4 vì hàng trong kho đã dần cạn.
Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tăng mạnh và neo ở mức cao trong vài năm tới do nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Huchaco
Nhiều dự báo trước đó đều cho rằng, trong vài năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Do đó, giá bắt đầu vào đà tăng mạnh từ năm 2024, đồng thời giúp ngành hàng này của Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim mới.
“Với tình hình hiện tại, sản lượng hạt tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu có xu hướng gia tăng trong 3-5 năm tới. Ở nước ta, loại hạt thế mạnh này bước vào chu kỳ tăng giá mới, bù đắp cho những năm giá xuống quá thấp”, bà Liên nhận định.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá hạt tiêu luôn tăng theo chu kỳ. Đơn cử, chu kỳ tăng giá trước đó bắt đầu từ năm 2010 và đạt đỉnh vào năm 2015.
Sau nhiều năm “nằm đáy”, giá hạt dần hồi phục cho đến năm 2024 bắt đầu vào chu kỳ tăng giá mới. Ông dự báo, chu kỳ này sẽ kéo dài trong 10 năm và giá có thể đạt đỉnh mới 350.000-400.000 đồng/kg - mức siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, giá sẽ có rung lắc, song trong dài hạn vẫn sẽ theo đà tăng.
Ông lý giải, diện tích hồ tiêu vẫn giảm do già cỗi, người dân chuyển đổi cây trồng khác. Trong khi, thời điểm này chưa trồng mới thì 4 năm nữa vẫn không thể tăng được sản lượng. Thế nên, hạt tiêu sẽ duy trì tình trạng khan hiếm cung.
Tại các vùng trồng hồ tiêu ở nước ta, người nông dân cũng bình tĩnh hơn trong cơn sốt giá. Thay vì trồng thuần hồ tiêu, ồ ạt mở rộng diện tích thì nay họ chú trọng hơn vào chất lượng, chuyển sang canh tác theo hướng bền vững, chọn trồng xen canh để giảm chi phí đầu tư và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn doanh nghiệp, ngoài xuất khẩu thô cũng hướng đến làm các sản phẩm giá trị gia tăng để nhắm vào thị trường ngách, đồng thời xây dựng thương hiệu hạt tiêu Việt Nam chất lượng cao.
Chẳng có một mỏ khoáng sản nào có thể khai thác bất tận với giá trị sinh lời lớn như nông nghiệp. Hồ tiêu, cà phê hay nông sản khác giống như kho tàng khai thác mãi mà không lo cạn kiệt. Sau đại dịch Covid-19, nông nghiệp trên toàn thế giới lên ngôi và Việt Nam rất cần tận dụng lợi thế này. Quan trọng là mình có chiến lược phát triển bền vững hay không. Nếu làm bài bản, các công ty nông nghiệp không chỉ giúp phồn vinh thêm hệ sinh thái của đất nước mà còn hái ra tiền. Ông Phan Minh Thông - CEO Phúc Sinh Group
Bài sau: Ôm về 5,7 tỷ USD và bài hát ‘Rock Hạt gạo’
Tâm An
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/co-kho-hang-lon-nhat-the-gioi-vang-den-viet-nam-sot-gia-vao-thoi-hoang-kim-2366461.html