Có loại hộ chiếu (passport) này, người sở hữu được hưởng quyền lợi đặc biệt khi xuất nhập cảnh

Có loại hộ chiếu (passport) này, người sở hữu được hưởng quyền lợi đặc biệt khi xuất nhập cảnh
một ngày trướcBài gốc
Hộ chiếu ngoại giao là gì?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì hộ chiếu ngoại giao là một trong những giấy tờ xuất nhập cảnh.
Từ quy định trên, hộ chiếu ngoại giao được hiểu là loại giấy tờ dùng để xuất nhập cảnh và chỉ được cấp đối với một số chủ thể nhất định theo quy định pháp luật.
Việc cấp hộ chiếu ngoại giao không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn là sự công nhận vai trò quan trọng của các cá nhân trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Những đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao được trang bị một công cụ hữu ích để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn và thuận lợi trong quá trình di chuyển quốc tế.
Những ai được cấp hộ chiếu ngoại giao?
Theo Điều 8 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, người được cấp hộ chiếu ngoại giao gồm:
(1) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan khác do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập, Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng;
Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị.
(2) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, Ủy viên Thường trực cơ quan của Quốc hội; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội;
Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Quốc hội; trợ lý, thư ký của Chủ tịch Quốc hội.
(3) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Chủ tịch nước.
(4) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ thành lập; người đứng đầu Tổng cục hoặc tương đương;
Sĩ quan tại ngũ, đang công tác có cấp bậc hàm Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân trở lên; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Thủ tướng Chính phủ.
(5) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
(6) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
(7) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
(8) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(9) Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(10) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
(11) Người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
(12) Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự.
(13) Vợ hoặc chồng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đi theo hành trình công tác.
(14) Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại (11) mục này cùng đi theo hoặc thăm người này trong nhiệm kỳ công tác.
(15) Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại, lễ tân nhà nước hoặc tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Hoặc xem xét cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền tại mục 3 cho những người không thuộc diện quy định tại mục này.
Hộ chiếu ngoại giao là loại giấy tờ tùy thân chỉ được cấp đối với một số chủ thể nhất định theo quy định pháp luật. Ảnh: TL
Theo quy định của pháp luật điều kiện được cấp hộ chiếu ngoại giao gồm những gì?
Công dân Việt Nam sẽ được cấp hộ chiếu khi đáp ứng các điều kiện sau:
Cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cho phép xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định pháp luật.
Người đủ 16 tuổi tính đến ngày nộp đơn xin cấp hộ chiếu.
Thẩm quyền cho phép và quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu theo Điều 11 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019:
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Nhân sự do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo quy định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc cử cán bộ đi công tác nước ngoài và thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu.
Hộ chiếu ngoại giao chứa những thông tin gì?
Hộ chiếu ngoại giao trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG), gồm 48 trang.
Nội dung thông tin cơ bản được thể hiện trên hộ chiếu ngoại giao bao gồm: Họ, chữ đệm và tên; ảnh chân dung; ngày tháng năm sinh của người được cấp; nơi sinh; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày tháng năm cấp hộ chiếu, cơ quan cấp; ngày tháng năm mà hộ chiếu hết hạn; số định danh cá nhân hoặc là số căn cước công dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Sở hữu hộ chiếu ngoại giao được hưởng đặc quyền gì?
Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, hộ chiếu ngoại giao được cấp cho những đối tượng đặc thù. Đây là một loại hộ chiếu có tính chất đặc biệt, do đó những người mang hộ chiếu này cũng sẽ được hưởng nhiều đặc quyền mà hộ chiếu thông thường không có.
Những đặc quyền của người mang hộ chiếu ngoại giao có được như sau:
Không cần phải xin visa khi ra nước khác.
Không giới hạn ngày nhập cư.
Có thể sử dụng biển số xe CC hoặc CD, cũng như biển số lãnh sự trên ô tô.
Có quyền vào các phòng chờ của chính phủ.
Có cơ hội mở cửa trong môi trường chính trị hoặc kinh doanh.
Miễn visa khi đi đến bất kỳ quốc gia nào và miễn visa trong nhiều trường hợp đi lại khác.
Lưu ý:
Quyền lợi của người mang hộ chiếu ngoại giao có thể thay đổi tùy theo quốc gia và trường hợp cụ thể.
Người mang hộ chiếu ngoại giao có trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nước sở tại và quy định về sử dụng hộ chiếu ngoại giao.
Hộ chiếu ngoại giao không được phép sử dụng cho mục đích du lịch cá nhân.
Theo quy định hộ chiếu ngoại giao không được phép sử dụng cho mục đích du lịch cá nhân.
Thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao gồm những gì?
Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ để được cấp hộ chiếu ngoại giao bao gồm:
Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao (mẫu số 01/2020/NG-XNC). Có thể kê khai trực tuyến tại dichvucong.mofa.gov.vn.
Ảnh chân dung:
Số lượng: 3 ảnh giống nhau.
Kích thước: 4×6 cm.
Phông nền trắng, đầu để trần, không đeo kính màu.
Ảnh chụp trong vòng 1 năm tính đến thời điểm làm thủ tục.
Dán 1 ảnh vào tờ khai và đính kèm 2 ảnh vào hồ sơ.
Quyết định hoặc văn bản cho phép ra nước ngoài của cơ quan hoặc người có thẩm quyền, ghi rõ đối tượng được đề nghị cấp hộ chiếu.
Giấy tờ chứng minh nhân thân:
Bản chụp giấy khai sinh, trích lục giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận nuôi con nuôi đối với người dưới 18 tuổi.
Bản chụp căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân khác. Cần xuất trình bản chính khi làm thủ tục.
Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nếu có người đại diện nộp thay. Người đại diện cần xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra, đối chiếu.
Nộp hồ sơ
Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện.
Cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ và liên hệ với Cục Lãnh sự hoặc Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao nếu cần xác minh.
Lệ phí:
Phí cấp mới hộ chiếu ngoại giao: 400.000 VND.
Nhận kết quả
Thời gian xử lý: 5 ngày làm việc từ ngày nộp hồ sơ.
Trả kết quả tại nơi đã tiếp nhận hồ sơ hoặc tại địa điểm khác theo yêu cầu (có thêm phí dịch vụ chuyển phát).
Nơi nhận kết quả:
Nhận hộ chiếu tại nơi tiếp nhận xử lý hồ sơ.
Có thể yêu cầu nhận tại địa điểm khác với cơ quan nộp hồ sơ, kèm theo phí dịch vụ chuyển phát.
Hộ chiếu ngoại giao có thời hạn sử dụng trong bao lâu?
Hộ chiếu ngoại giao có thời hạn sử dụng từ 1-5 năm.
Hộ chiếu ngoại giao được gia hạn như thế nào?
Hộ chiếu ngoại giao có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
Gia hạn hộ chiếu ngoại giao ở trong nước cần những gì?
Tại Điều 12 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định:
Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này tại Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền.
Giấy tờ liên quan đến đề nghị cấp hộ chiêúngoại giao bao gồm:
- Quyết định cử hoặc văn bản cho phép người ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp;
- Văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền cử người ra nước ngoài đối với đối tượng quy định tại khoản 13 và khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và quyết định, văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao đối với đối tượng quy định tại khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;
- Hộ chiếu ngoại giao cấp lần gần nhất; trường hợp hộ chiếu bị mất phải có thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp của người được cấp hộ chiếu;
- Hộ chiếu ngoại giao còn giá trị sử dụng dưới 12 tháng đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu;
- Bản chụp căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân khác và xuất trình bản chính để đối chiếu;
- Bản chụp căn cước công dân, thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi đối với trường hợp chưa đủ 18 tuổi quy định và xuất trình bản chính để đối chiếu;
- Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người đại diện nộp thay; người đại diện nộp thay phải xuất trình giấy tờ tùy thân.
L.Vũ (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-loai-ho-chieu-passport-nay-nguoi-so-huu-duoc-huong-quyen-loi-dac-biet-khi-xuat-nhap-canh-172250401113518231.htm