Cỗ máy 'bất khả thi': SR-71 Blackbird và cuộc cách mạng công nghệ trên bầu trời

Cỗ máy 'bất khả thi': SR-71 Blackbird và cuộc cách mạng công nghệ trên bầu trời
một ngày trướcBài gốc
Rất ít cỗ máy nào có thể thu hút trí tưởng tượng công chúng như SR-71 Blackbird và cũng rất ít cỗ máy nào lại chứa đựng nhiều đột phá công nghệ đến vậy. Được thiết kế để phá vỡ mọi giới hạn về tốc độ và độ cao, SR-71 không thể hoạt động với các công nghệ sẵn có. Vì thế, những công nghệ hoàn toàn mới đã phải được phát minh. Từ nhiên liệu đến trang phục bay, một loạt công nghệ chưa từng có đã giúp SR-71 trở nên đặc biệt và ảnh hưởng sâu rộng đến ngành hàng không trong nhiều thập kỷ sau đó.
Cơ thể con người không được thiết kế để tồn tại ở độ cao gần 24.400 mét. Ở độ cao đó, sức nóng cực độ và thiếu oxy khiến con người không thể sống sót. Bước đầu tiên để khiến SR-71 có thể hoạt động là đảm bảo phi hành đoàn có thể sống sót trong điều kiện đó.
Trang phục áp suất toàn phần dành cho máy bay tầm cao không phải là điều mới mẻ, phi công của máy bay trinh sát U-2 Dragon Lady đã sử dụng từ những năm 1950. Tuy nhiên, tốc độ vượt trội của SR-71 đòi hỏi một thiết kế hoàn toàn mới. Công ty David Clark đã thiết kế bộ đồ áp suất đặc biệt dành cho phi hành đoàn. Trong trường hợp phải phóng thoát hiểm ở độ cao lớn - nơi nhiệt độ có thể lên tới 232°C - bộ đồ sẽ giữ được áp suất nhờ nguồn cung cấp oxy, cho phép phi công sống sót khi rơi qua tầng khí quyển khắc nghiệt.
SR-71 Blackbird được đưa vào phục vụ trong Không quân Mỹ năm 1966. (Ảnh: National Interest)
SR-71 cũng được trang bị hệ thống làm mát hạng nặng, vì tốc độ Mach 3.2 (gấp 3,2 lần tốc độ âm thanh) khiến bề mặt máy bay bên ngoài có thể nóng trên 260°C. Kính chắn gió bên trong có thể nóng tới 121°C - quá nóng để con người có thể chịu đựng. Để làm mát khoang lái, SR-71 sử dụng hệ thống điều hòa không khí có bộ trao đổi nhiệt, giúp truyền nhiệt từ buồng lái sang nhiên liệu trước khi nhiên liệu được đốt cháy.
Nhiệt độ cực cao mà SR-71 phải chịu không chỉ gây rắc rối cho phi hành đoàn mà còn cho cả nhiên liệu. Ở tốc độ Mach 3.2, thân máy bay nóng đến mức các loại nhiên liệu phản lực thông thường có thể tự bốc cháy trong thùng chứa - một thảm họa chết người. Vì vậy, một loại nhiên liệu có độ bay hơi thấp đã được phát triển riêng cho SR-71, ít có khả năng tự bắt cháy. Loại nhiên liệu này được gọi là JP-7. JP-7 nổi tiếng vì khả năng hoạt động ở dải nhiệt độ rộng và cũng được sử dụng sau này cho máy bay siêu vượt âm Boeing X-51 Waverider trang bị động cơ scramjet.
Tuy nhiên, JP-7 "quá lì lợm" trong việc bắt cháy - điều rất lý tưởng khi đang bay, nhưng lại gây khó khăn khi khởi động. Để đánh lửa động cơ SR-71, cần phải tiêm một chất đặc biệt là TEB trực tiếp vào động cơ. Do đó, SR-71 không thể tự khởi động động cơ của mình mà cần được kết nối với động cơ khởi động đặc biệt đặt trên mặt đất.
Bay ở độ cao cao gần 24.400 mét và tốc độ Mach 3.2 khiến các phương pháp định vị truyền thống - đặc biệt là định vị bằng tham chiếu mặt đất, vốn là tiêu chuẩn vàng thời đó - trở nên vô dụng. Mặt đất đơn giản là trôi qua quá nhanh. Trong thời kỳ chưa có GPS hay các ứng dụng điều hướng hiện đại, các kỹ sư SR-71 đã sáng tạo ra một phương pháp vừa thông minh vừa cổ xưa: dẫn đường bằng sao.
SR-71 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính-kết hợp thiên văn (ANS) để định vị. ANS được lắp phía sau ghế của sĩ quan điều hành cảm biến (RSO), theo dõi vị trí của các ngôi sao qua một cửa sổ thủy tinh thạch anh hình tròn trên lưng máy bay. Khi máy bay thay đổi vị trí, ANS sẽ liên tục theo dõi các ngôi sao cả ngày lẫn đêm và truyền dữ liệu vào hệ thống máy tính trên máy bay. Một phi công từng cho biết hệ thống này chính xác đến mức độ sai lệch chỉ khoảng 300m ngay cả khi bay ở tốc độ Mach 3.
Thế Hải (Theo National Interest)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/co-may-bat-kha-thi-sr-71-blackbird-va-cuoc-cach-mang-cong-nghe-tren-bau-troi-204250528062647582.htm