Có một làng chài Việt tại Texas

Có một làng chài Việt tại Texas
6 giờ trướcBài gốc
Nhà thờ mang đậm nét Việt ở làng chài. (Ảnh: Evelyn Tran)
Đi dọc đường Bellaire, khu người Việt tại Houston, bang Texas (Hoa Kỳ), bạn có thể bắt gặp rất nhiều biển tên phố tiếng Việt. Tuy nhiên, đó chỉ là tên tự đặt, treo kèm với tên chính thức, tra trên google map vẫn sẽ chỉ có tên tiếng Anh.
Nhưng cách trung tâm của người Việt ở Houston không xa, tại Palacios - một thành phố nhỏ nằm sát bờ biển, bạn lại có thể tìm thấy một con phố tên thuần Việt được đặt tên chính thức là Vietnam Street (phố Việt Nam).
Quê hương mới của người Việt
Từ Houston, chạy theo đường 59 rồi rẽ xuống đường 71, chạy gần hai tiếng là đến Palacios. Trên dọc đường đi, bạn sẽ qua những cánh đồng bông bạt ngàn, những trang trại nuôi bò mênh mông của Texas.
Palacios là một thành phố nhỏ, có dân số chỉ gần 5.000 người, có 12% dân số là người gốc châu Á, trong đó nhiều người gốc Việt. Thành phố là cảng tôm lớn thứ ba vùng ven biển Texas, có khoảng 400 thuyền bắt tôm. Vì vậy, nơi này còn được gọi là “thủ đô tôm của Texas”.
Theo truyền thuyết khi bị đắm tàu, các thủy thủ người Tây Ban Nha trong lúc cố gắng bơi vào bờ đã nhìn thấy ảo ảnh của ba cung điện (tres palacios- three palaces) nên vùng này có tên như trên. Nhưng cũng có giả thuyết là vùng này được đặt tên theo tên của José Félix Trespalacios, Thống đốc đầu tiên của Mexico tại Texas.
Nổi bật giữa một vùng toàn những ngôi nhà nông thôn kiểu cũ của dân địa phương, là một khu toàn nhà mới, khang trang - làng chài của người Việt.
Tâm điểm của làng chài là nhà thờ Đức mẹ La vang do dân Việt Nam quanh vùng góp công, góp của xây dựng trên nền nhà thờ cũ. Nhà thờ cơ bản phục vụ bà con người Việt nhưng hàng ngày vẫn có cả dân địa phương vào lễ.
Ngày thường, bạn có thể tình cờ bắt gặp một người đàn ông trung niên tóc bạc trắng, rắn rỏi, với gương mặt cởi mở đang xắn tay áo làm vườn, sửa đường hay chỉnh trang lại cánh cổng, hàng rào.
Chắc bạn cũng không có thể ngờ rằng đó là linh mục Dominic Trung Nguyen - Cha chánh xứ giáo xứ Đức mẹ hồn xác lên trời.
Cũng không phải ai cũng biết những bức tranh kính tuyệt đẹp, những bức bích họa sống động trong nhà thờ là do chính tay cha vẽ. Ngoài giờ làm lễ, cha cũng cùng bà con giáo dân tự tay tường bước xây dựng, sang sửa nhà thờ.
Bà con sinh sống trong làng chài 100% là người Việt Nam, đều là dân công giáo, phần lớn làm nghề đánh bắt thủy sản.
Vượt qua bao gian nan, vất vả những ngày đầu mới đặt chân lên dải đất ven biển; vượt qua rào cản ngôn ngữ, sự kỳ thị ban đầu của dân sở tại và sự thù nghịch, chống đối dữ đội của hội kín KKK những năm 1979-1980, bà con đã tìm thấy một quê hương mới để an cư, lạc nghiệp và có cuộc sống ngày càng khá giả.
Áo dài Việt trong một sự kiện cộng đồng. (Ảnh: Evelyn Tran)
Ấm áp tình cộng đồng
Khi ra cảng cá, hít thở không khí thoáng đãng, kèm vị mặn của biển, bạn sẽ thấy những con tàu đánh cá khá lớn, hiện đại có giá hàng trăm cho tới triệu đô đậu ở cảng. Tuy nhiên, gặp người dân ở đây, bạn vẫn nhận thấy rõ cái vẻ thuần phác, hiền hậu của những người dân quanh năm chài lưới.
Quà cho nhau lúc chia tay có thể là gói tôm khô, mớ cá tươi vừa đánh về. Triệu phú nhưng da rẻ vẫn rám nắng, quần áo vẫn giản dị, nụ cười vẫn hồn hậu, cởi mở. Đến chơi, chủ nhà có thể nài nỉ rủ bạn ở lại, thịt con ngan, con gà để nhậu chơi.
Cộng đồng ở đây luôn thân thiết, đùm bọc nhau để có cuộc sống ngày càng tốt hơn, vừa hòa nhập với cộng đồng sở tại, vừa giữ được nét truyền thống của người Việt. Thế hệ sau không chỉ làm nghề chài lưới, mà học đủ các ngành nghề. Các cháu cũng không chỉ ở Placios, mà học và làm việc ở nhiều vùng trên đất Mỹ.
Có một làng chài Việt tại Texas
Nhưng hằng năm, đến Tết, các gia đình vẫn từ Port Lavaca, Rock Port, Seadrift… và các thành phố nhỏ lân cận tụ tập về giáo xứ Palacios cùng đón Năm mới, cùng vui chung không khí đầu Xuân đầm ấm như ở quê nhà.
Đặc biệt, Palacios cũng đã có Thị trưởng người Việt đầu tiên là ông Linh Van Chau. Ông Chau đã làm Thị trưởng Palacios suốt 25 năm, có nhiều đóng góp cho thành phố cũng như cộng đồng người Việt và nghỉ hưu vào năm 2008.
Giờ đây, Việt Nam cũng không còn quá xa xôi như trước, bay 24 tiếng là về đến đất Mẹ. Năm nào, bà con ở đây cũng thu xếp về thăm quê, có người còn có cả nhà thứ hai ở Việt Nam. Đặc biệt, sống ở xa quê nhưng bà con ở đây luôn được sống cạnh một nhà thờ mang đậm nét Việt và một con đường mang tên Việt Nam đầy thân thương.
Evelyn Tran
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/co-mot-lang-chai-viet-tai-texas-312628.html