Có một nẻo về của những phận người lầm lạc

Có một nẻo về của những phận người lầm lạc
một ngày trướcBài gốc
Thượng tá Nguyễn Đình Kháng, Giám thị Trại giam Bình Điền cho biết, xác định công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ quan trọng, được đặt lên hàng đầu, thời gian qua, Đảng ủy - Ban chỉ huy Trại đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của phạm nhân; tổ chức phân loại, giam giữ, quản lý phạm nhân theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm soát, dẫn giải phạm nhân; thực hiện tốt công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng…
Đào tạo nghề may cho các phạm nhân nữ ở Trại giam Bình Điền.
Hôm đến Phân trại số 3 - Trại giam Bình Điền, chúng tôi gặp phạm nhân Ngô Hà Tr. (SN 1986, trú TP Huế) đang chấp hành bản án 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Là người có trình độ, từng học đại học tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), trở về nước, Tr. cưới vợ người Hà Nội và vợ chồng Tr. mở các trung tâm Anh ngữ tại một số tỉnh, thành cùng với nghề kinh doanh bất động sản.
Trong thời điểm sốt đất năm 2019 và 2020, Tr. đã đầu tư toàn bộ vốn liếng cộng với số tiền vay mượn để mua nhiều lô đất có giá trị tại Huế, Đà Nẵng. Nhưng không ngờ, chỉ thời gian ngắn sau đó, bất động sản “đóng băng”, đất đai không bán được nên Tr. không giữ lời hứa trả tiền đúng hẹn cho các chủ nợ khiến họ gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an...
Những ngày đầu vào trại giam, trong suy nghĩ của Tr. rằng, cánh cửa cuộc đời đã đóng lại. Tr. rất nhớ gia đình, nhớ 2 con nhỏ và có đã những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng rồi trong một lần bị ốm, được cán bộ quản giáo chăm sóc, lo lắng cho từng bát cháo, viên thuốc rồi động viên, chia sẻ như người thân trong gia đình, Tr. dần dần nhận ra rằng, phải sống tích cực, cải tạo thật tốt để sẽ sớm được ra tù, về với gia đình và làm lại cuộc đời.
Đại úy Lê Duy Hải, cán bộ quản giáo Phân trại giam số 3 - Trại giam Bình Điền cho biết đến nay anh không nhớ mình đã cảm hóa bao nhiêu phạm nhân. Không ít phạm nhân dù đã ra tù lâu năm nhưng đến giờ vẫn thường xuyên gửi thư, nhắn tin, gọi điện hỏi thăm anh cùng gia đình.
Đại úy Lê Duy Hải chia sẻ, trước lúc phạm tội, mỗi phạm nhân đều có những hoàn cảnh khác nhau, do vậy mỗi cán bộ quản giáo phải tìm hiểu, nắm chắc từng con người cụ thể, lai lịch, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm pháp để có cách giáo dục phù hợp. Trong giáo dục, cải tạo lấy phân tích, thuyết phục là chính, dùng tình cảm thân mật mà cảm hóa, giúp họ hiểu biết về chính sách pháp luật, nhận ra cái sai, cái đúng để từ đó làm chuyển biến về nhận thức, tạo điều kiện cho họ cải tạo trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội.
“Đại úy Hải đã có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, giúp phạm nhân cải tạo tiến bộ, sớm hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Đại úy Hải thường xuyên giúp đỡ đồng đội trong cuộc sống và nhiều năm liền đạt giải cao trong Hội thi Cảnh sát quản giáo giỏi và đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở”, Thượng tá Nguyễn Đình Kháng nhận xét về Đại úy Lê Duy Hải.
Đại úy Nguyễn Thị Luyến, một trong những cán bộ điển hình của Trại giam Bình Điền, trước khi được bố trí công tác tại Tổ giáo dục Phân trại số 2 - nơi có gần 1.000 phạm nhân nữ, thì hơn 10 năm gắn bó với cán bộ quản giáo. Được giao nhiệm vụ phụ trách đội phạm nhân nữ tại Phân trại số 2, chị luôn chủ động trong mọi tình huống, không lơ là mất cảnh giác trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa phạm nhân.
“Mỗi phạm nhân vào trại, việc đầu tiên là mình nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của phạm nhân, kịp thời gặp gỡ giáo dục, động viên số phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường xuyên ốm đau bệnh tật, già yếu. Tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề đảm bảo an toàn…”, Đại úy Nguyễn Thị Luyến cho hay.
Bên cạnh đó, chị còn thực hiện đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho phạm nhân; thực hiện tốt việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, xét đề nghị giảm án, tha tù trước thời hạn theo đúng quy định của pháp luật; từ đó, giúp cho phạm nhân tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước an tâm tư tưởng học tập, cải tạo sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn nhớ như in về phạm nhân L.T.T (SN 1974, trú tại tỉnh Quảng Trị, hiện đã ra tù), thời gian mới vào trại chấp hành án ma túy, T mang trong mình căn bệnh HIV do lây từ chồng nên luôn tỏ ra buồn chán, suy nghĩ tiêu cực. Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, nắm bắt tâm tư của phạm nhân, chị đã chia sẻ, động viên, giúp phạm nhân T điều trị ARV… Bằng tình thương yêu, sự cảm thông của một cán bộ quản giáo, chỉ sau thời gian ngắn, chị đã cảm hóa được phạm nhân T.
“Phạm nhân T tích cực lao động, học được nghề may, nghề làm đẹp ngay trong trại giam. Giờ đây, sau khi ra tù, chị ấy có công ăn việc làm ổn định, nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Thỉnh thoảng, chị ấy vẫn viết thư, gọi điện hỏi thăm và cảm ơn mình đã giúp chị vượt qua những tháng ngày sóng gió trong đời”, Đại úy Nguyễn Thị Luyến kể lại.
Không chỉ cá nhân Đại úy Nguyễn Thị Luyến là nữ quản giáo gương điển hình tiên tiến mà Tập thể phân trại giam số 2 Trại giam Bình Điền nơi giam giữ phạm nhân nữ cũng là tập thể điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với số lượng phạm nhân nữ ngày càng tăng cao, hiện nay, Phân trại giam số 2 giam giữ gần 1.000 phạm nhân, vượt quy mô giam giữ hơn 400 phạm nhân. Số phạm nhân vào trại có mức án cao, mắc bệnh hiểm nghèo, số phạm nhân từ các trại giam khác chuyển đến, phạm nhân rối loạn tâm thần, hành vi có những biểu hiện tư tưởng phức tạp…
Với sự nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ; trong nhiều năm qua, các phân trại ở Trại giam Bình Điền không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không có bạo loạn, làm reo, không có phạm nhân trốn, chết không bình thường và các tình huống đột xuất bất ngờ khác. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, đảm bảo an ninh, an toàn trại giam trong mọi tình huống.
Hải Lan
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/co-mot-neo-ve-cua-nhung-phan-nguoi-lam-lac-i773454/