Trong hai năm, kể từ khi Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được mở ra và bị xóa sổ, các chiến sĩ đã tiến hành vượt ngục 7 lần. Trong 7 cuộc vượt ngục có đến 6 cuộc riêng lẻ, quy mô nhỏ song điều đó cũng thể hiện được quyết tâm và khát vọng tự do của các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi và tạo tiền đề cho một đợt vượt ngục ngoạn mục đêm 7/5/1973.
Các cựu tù nhân thiếu nhi thăm lại nơi ngày xưa họ từng bị kẻ thù giam cầm
Một trong những nhân chứng trong cuộc vượt ngục ngoạn mục ấy là Đặng Ngọc Chúng, thương binh loại 4/4. Ông là 1 trong 13 cựu tù thiếu nhi ngày ấy vượt ngục thành công để trở về chiến khu tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước hòa bình.
Lúc sinh thời, ông Chúng kể: Quê ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 14 tuổi Đặng Ngọc Chúng tham gia Đội du kích mật tại địa phương. Tổ chiến đấu của ông có 3 người chuyên trà trộn vào nhân dân diệt ác ôn, đánh vào các vị trí canh phòng của địch khi chúng sơ hở. Tháng 6/1969, tổ ông nhận nhiệm vụ ném lựu đạn vào Hội đồng xã Mỹ Thạnh - Điện Bàn, lúc này bọn ác ôn và chính quyền ngụy đang họp rất đông người. Do quả lựu đạn ném đầu tiên không nổ (2 quả ném sau thành công) nhưng địch kịp tản ra, diệt được 3 tên và cả tổ của ông đều bị giặc bắt. Giặc đã dùng mọi hình thức tra tấn dã man nhất đối với 3 chiến sĩ nhỏ tuổi này, nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Hơn một năm, chúng lôi các ông đi hết nhà lao này đến nhà lao khác.
Cuối năm 1970, giặc đưa 3 người ra Tòa quân sự Vùng III, tuyên án 5 năm tù giam cho mỗi người và tống vào khám Chí Hòa. Tháng 1/1971, các ông bị đưa về Đà Nẵng giam cầm và ngày 23/4/1971, trong đoàn tù binh thiếu nhi giặc “gom” tại các nhà tù ở miền Trung (126 người) đưa về Trung ttâmGiáo huấn Đà Lạt có Đặng Ngọc Chúng.
Hơn hai năm bị giam cầm cùng với 600 tù nhân thiếu nhi bị chính quyền ngụy Sài Gòn gom khắp các nhà tù miền Nam về đây, Đặng Ngọc Chúng hòa mình vào phong trào đấu tranh sôi nổi, bất khuất chống lại chế độ lao tù hà khắc của kẻ thù. Từ việc đấu tranh chống chào cờ ba que, hát quốc ca ngụy, chống đàn áp tù nhân, đòi quyền tự do trong sinh hoạt, chăm sóc nhau... cho đến việc “trừng trị” kẻ phản bội, chỉ điểm trong hàng ngũ tù nhân.
Không chấp nhận việc nhà tù không trả tự do cho những tù nhân đã hết hạn tù mà tiếp tục đưa đi giam cầm ở những nhà tù khác và mong sớm trở về với cách mạng để trực tiếp chiến đấu là niềm khát vọng của các tù nhân nhỏ tuổi lúc bấy giờ. Nhiều cuộc vượt ngục của tù nhân thiếu nhi đã diễn ra. Lúc đầu, các cuộc vượt ngục nhỏ lẻ, ít người và mang tính tự phát. Về sau, bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng bên ngoài đã tổ chức các cuộc vượt ngục có quy mô và chặt chẽ.
Các cựu tù nhân thiếu nhi trong một lần gặp mặt
Theo lời kể của ông Chúng, theo kế hoạch, cuộc vượt ngục trên diễn ra đêm 6/5 nhưng do địch kiểm soát quá nghiêm ngặt nên đành phải lùi lại đêm 7/5. Vào khoảng 24 giờ, anh Nguyễn Chay cùng 12 tù nhân ở phòng C đục la phông để leo lên nóc nhà. Để đề phòng và ngăn chặn tù nhân vượt ngục, địch cho giăng kín dây kẽm gai nối với điện cao thế. Các chiến sĩ trẻ tuổi đã xé quần, áo lấy vải khô quấn vào tay, chân để cách điện rồi leo lên nóc nhà. Sau đó, họ lấy vải nối lại thành dây rồi thay nhau tuột xuống đất. Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, 13 người, 13 đợt di chuyển thành công.
Đến điểm hẹn thứ nhất, theo kế hoạch là hàng rào cuối của trại giam, không thấy ai ra đón (lực lượng bộ đội ém chờ đã rút lui vì vỡ kế hoạch), các chiến sĩ đành bò qua đường bê tông, băng qua cạnh hồ Than Thở để chuyển dần về ấp Sào Nam, nơi có cơ sở của ta.
Trong lúc di chuyển, vì trời tối nên các anh Ngô Bê và Trần Công Khanh lạc đường và bị địch bắt lại. 11 người còn lại bám nhau đến hồ Than Thở để đến điểm hẹn thứ 2, giáp với đường xe lửa. Chờ mãi cũng không thấy ai đến đón. Sự lo âu hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Các chiến sĩ quyết định di chuyển đến điểm hẹn thứ 3 nhưng không kịp vì trời đã sáng, đành tìm phương án khác. 11 tù thiếu nhi, mỗi người chỉ độc một chiếc quần đùi, chia thành nhóm xuống ngâm mình dưới suối, lấy cỏ khô phủ lên để ngụy trang, chỉ chừa mắt, mũi. Đói và chịu cái lạnh dưới 10 độ nên hầu hết bị kiệt sức, nhiều người lên cơn sốt.
Khi màn đêm buông xuống, họ mới bò lên, túa ra vườn tìm rau nhai sống cho đỡ cơn đói. Đến 9 giờ đêm 8/5/1973, họ mới tìm thấy cơ sở. Ngày 14/5, toàn bộ 11 người được đồng chí Phạm Báng, Đội trưởng Đội công tác và đơn vị đặc công 850 đưa ra chiến khu theo hướng Đông Bắc Đà Lạt.
Du khách tham quan Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
Để có những cuộc vượt ngục thành công, cùng với lòng dũng cảm của các tù nhân nhỏ tuổi là sự tiếp lửa của những người chị, người mẹ Đà Lạt. Một nhân vật được nhắc đến nhiều trong đợt vượt ngục đêm 7/5/1973 là chị Đặng Thị Chính. Chị quê Quảng Nam, vào tham gia hoạt động cách mạng tại vùng Ka Đô (huyện Đơn Dương), sau vì cơ sở bị lộ nên được tổ chức đưa lên hoạt động tại Đà Lạt. Tại đây, nhận nhiệm vụ từ đồng chí Năm Dụng (Bí thư Chi bộ Thái Phiên), chị Chính được phân công tìm cách để đưa thư cho anh em trong nhà lao. Giả làm người thăm nuôi, cùng với một cô em họ, chị Chính giấu lá thư ghi chép đầy đủ kế hoạch vượt ngục vào trong ổ bánh mì để đưa vào nhà lao.
Cũng trong cuộc vượt ngục ngoạn mục 7/5, các chiến sĩ nhỏ tuổi đã nhận được sự cưu mang của má Phan Thị Tịch (má Năm Tịch). Nhà má Năm Tịch ở ấp Sào Nam cũng là một cơ sở cách mạng nhưng lúc tìm đến đây, các chiến sĩ nhỏ tuổi vẫn không hay biết. Trong một lần gặp lại các chiến sĩ vượt ngục năm xưa, má Năm Tịch kể: “Lúc đó, thấy mấy đứa nhỏ lấm lem thụt thò ngoài cửa là tui biết tù thiếu nhi vượt ngục. Sau khi lấy quần áo trong nhà cho mấy đứa mặc, tui nấu nồi cơm thật bự, thế mà tụi nó ăn vèo một cái hết sạch…”. Sau đó, má Năm Tịch thông báo cho các cơ sở cách mạng bí mật đưa họ ra chiến khu.
Hay như đợt vượt ngục thứ 4, anh Nguyễn Hoài và Trần Ít thoát ra ngoài trót lọt nhờ sự mưu trí của chị Đặng Thị Ẩn. Chị sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1972, cả bố mẹ của chị bị địch bắt vào tù, bản thân chị lúc đó 18 tuổi cũng bị địch giam ở nhà lao Tuyên Đức. Do bị địch tra tấn và đau ốm, chị được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Phương Lan - Đà Lạt, tình cờ gặp Nguyễn Hoài và Trần Ít cũng vào viện này vì lý do tương tự.
Sau khi dò hỏi, biết họ là tù thiếu nhi, chị Ẩn đã lên kế hoạch trốn khỏi bệnh viện trong sự kiểm soát gắt gao của lính canh. Vào một buổi trưa, khi bệnh viện vắng người, lợi dụng lúc lính canh sơ hở, anh Hoài và Ít thay áo tù bằng áo trắng quần xanh giả làm người vào thăm bệnh nhân rồi được chị Ẩn đưa trốn ra khỏi bệnh viện…
Ông Đặng Ngọc Chúng lúc sinh thời
Sau khi vượt ngục thành công trở về căn cứ cách mạng, những người tù nhỏ tưổi nhanh chóng được biên chế vào đơn vị bộ đội Đặc công 850 Đà Lạt và các đơn vị chiến đấu khác. Theo lời kể của Đặng Ngọc Chúng, ông được bố trí công tác tại Trạm giao liên T371 (thuộc Thị xã Đà Lạt) với nhiệm vụ liên lạc đưa đón cán bộ cách mạng vào chuẩn bị giải phóng Đà Lạt. Sau năm 1975, Đặng Ngọc Chúng tiếp tục công tác tại Ban Thông tin thuộc Tỉnh đội, rồi chuyển sang công tác tại Bưu điện Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu và mất.
Lúc sinh thời, ông Chúng từng tâm sự với chúng tôi, ngày ấy ai cũng khát khao được sớm trở về với cách mạng để chiến đấu nên dù biết hiểm nguy nhưng vẫn chấp nhận tìm phương án vượt ngục. Nhờ vậy, nhiều cuộc vượt ngục cứ diễn ra cùng với phong trào đấu tranh với nhiều hình thức liên tục diễn ra làm cho chế độ lao tù của Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt khốn đốn, dẫn đến bị phá sản chỉ sau hơn hai năm tồn tại….
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu vực Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng quản lý, cải tạo làm nơi khám chữa bệnh cho bộ đội với tên gọi Bệnh xá H32. Ngoài dáng vẻ bên ngoài và một số dấu tích khác như: Khu nhà hướng nghiệp, các song sắt tại xà lim và mái ngói còn giữ nguyên, còn lại đã bị thay đổi cho phù hợp công năng của trạm xá. Một phần diện tích nhà lao trước đây được cho Công ty TNHH Rạng Đông thuê để sản xuất hàng dệt len. Một phần xung quanh bị dân lấn chiếm làm nhà ở và trồng trọt…
Sau khi nhà lao được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư, tôn tạo, bổ sung một số hạng mục phục dựng, xây dựng các công trình phục vụ khách tham quan như: quầy hàng lưu niệm, nhà truyền thống. Song song đó là công tác sưu tầm những kỷ vật, câu chuyện kể của các nhân chứng còn sống.
Hiện, di tích được Bảo tàng Lâm Đồng quản lý, khai thác, trở thành một điểm đến lịch sử, một “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
-----------------------
KỲ CUỐI-HẾT: NGƯỜI NỮ TÙ THIẾU NHI NGÀY ẤY
Theo UÔNG THÁI BIỂU - TƯỜNG SAN (LĐ online)