Có một Phạm Công Thắng lãng du

Có một Phạm Công Thắng lãng du
5 giờ trướcBài gốc
Lãng du, bởi trong hơn 40 năm làm báo, dù kinh qua việc nọ chức kia, song Phạm Công Thắng gắn bó nhiều nhất với chiếc máy ảnh. Muốn có ảnh đồng nghĩa phải đi, phải chạy để chớp cho kịp những khoảnh khắc sự kiện, phục vụ tòa báo.
Mê ảnh, ông không chỉ lăn lê bò toài sáng tạo trong từng góc máy, mà còn mê mải với những cung đường lên núi xuống biển.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng.
Làm phóng viên ảnh đã lặn lội, chân bước vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật thì lọ mọ còn gấp bội. Ông lại làm báo ở ngành hàng không nên sự nay đây mai đó không chỉ giới hạn trong dải đất chữ S, mà còn vươn rộng ra nhiều quốc gia khác.
Thành quả thu về thì cũng bõ cho công sức bao tháng năm rong ruổi: 3 cuộc triển lãm ảnh cùng 2 tập sách ảnh cá nhân - một “cuộc chơi” không nhiều người làm được!
Triển lãm ảnh đầu tiên của Phạm Công Thắng có tên Quê hương được ông tổ chức năm 1999 tại Thanh Hóa với những tác phẩm mang đậm dấu ấn xứ Thanh, như một lời tri ân với quê nhà. Hai năm sau - 2011, triển lãm ảnh Khoảnh khắc được tổ chức tại Nhà triển lãm Tràng Tiền, ngay trung tâm Thủ đô với những tác phẩm ghi lại dung dị và chân thực muôn mặt của đời sống xã hội. Vẫn góc nhìn hiện thực ấy, năm 2024, triển lãm ảnh lần thứ 3 của ông được tổ chức với chủ đề Những lát cắt cuộc sống.
Lãng du cùng mỗi cú bấm máy. Trăn trở tìm tòi cùng các con chữ để gửi hồn qua những dòng tin, bài báo. Với Phạm Công Thắng dường ấy không gian vẫn chưa đủ cho bản thân sáng tạo.
Và Phạm Công Thắng tiếp tục lãng du…
Tuổi đã cao, nhiều thứ có hạn, ông chọn cách phiêu cùng một không gian mới: Văn học. Dưới ánh đèn pha trí tuệ, từng con chữ tung tẩy mở ra mênh mông, nhưng nếu không biết lượng sức rất có thể không về được đích đến.
Ở miền đất mới này, dường như kinh nghiệm dẻo dai trên mọi nẻo đường đã giúp Phạm Công Thắng lại gặt hái được những thành quả đáng nể. Chỉ trong vòng 5 năm (2021-2025) ông liên tiếp cho ra đời 4 tập truyện ngắn - 4 đứa con tinh thần, với nhiều góc cạnh khác nhau.
Triển lãm “Những lát cắt cảm xúc” của Phạm Công Thắng.
Nếu như tập truyện ngắn Ngã rẽ (phát hành 2021) với những trang viết mang nhiều trải nghiệm và trăn trở, thì đến Tình yêu thời hậu chiến (2023) những trăn trở lại được đẩy lên thành khắc khoải, day dứt đến nao lòng.
Trong tập truyện ngắn Bão đời (2024) cuộc sống được khắc họa qua những sóng gió thân phận cùng xung đột nội tâm; nhưng đến Linh hồn ký ức (2025) hiện thực cuộc sống lại được phân định ở một không gian tâm linh hư ảo và ma mị.
“Sau tất cả những gì đã có, tôi chọn văn học vì cảm nhận đây là nơi tôi có thể khám phá hết năng lượng bản thân, giãi bày hết được những điều muốn nói” - Phạm Công Thắng đã nói vậy trong buổi ra mắt tuyển tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của mình tại trụ sở Hội nhà văn Hà Nội, ngày 14/7/2025.
Nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học đã có những đánh giá, phân tích về bút pháp, về giá trị văn học các tác phẩm của Phạm Công Thắng. Với tôi, xâu chuỗi lại toàn bộ sự nghiệp ảnh - báo - văn của ông thì từ những gì đã tạo ra, có thể tóm tắt phong cách Phạm Công Thắng bằng những từ “sống động, nhân văn”.
Sống động - bởi đó là đặc trưng phong phú của cuộc sống mà ông may mắn sử dụng thành thạo cả hai công cụ phản ánh là ngôn ngữ và những bức ảnh. Nhân văn - bởi không chỉ là đặc trưng cơ bản của văn học; mà nó còn là đích đến của nhiếp ảnh, môn nghệ thuật “vẽ bằng ánh sáng”. Ánh sáng luôn soi rọi mọi con đường âm u!
Một góc không gian "Ký ức nhiếp ảnh" của nghệ sĩ Phạm Công Thắng. (Ảnh: TTXVN)
Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc ở đây một cuộc lãng du khác của ông. Đó là trong 4 năm qua, ông đã dày công xây dựng một bảo tàng mini với tên gọi Không gian lưu giữ và trưng bày ký ức Nhiếp ảnh. Tại đây đang lưu giữ hơn 1.000 hiện vật, bao gồm đa dạng các loại máy ảnh, đèn chụp, máy in phóng ảnh, các loại máy chiếu phim, phụ kiện cho hoạt động nhiếp ảnh và điện ảnh…
Trong cuộc lãng du ấy, ông cũng về đích ngọt ngào: ngày 7/6/2025, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức công nhận và trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho công trình lưu giữ này là "Không gian lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập kỷ vật, hiện vật của ngành Nhiếp ảnh do các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước trao tặng với số lượng nhiều nhất tại Việt Nam."
Sinh năm 1954, Phạm Công Thắng giờ đã quá tuổi “thất thập”. Những tháng năm lãng du đã mang về cho ông “nhiều nhà trong một”: nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, nhà sưu tầm.
Nhưng cái câu “gừng càng già càng cay” của các cụ dường như rất đúng với ông, khi ngày ngày vẫn thấy ông thoăn thoắt xuất hiện chỗ này, chỗ kia. Dường như đó là thói quen, nhưng cũng là cái cách ông nạp năng lượng, để khi kết thúc một ngày lãng du, con tằm lại rút ruột nhả tơ.
Nguyễn Hoàng Long
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/co-mot-pham-cong-thang-lang-du-ar956553.html