'Có một sự cố mất điện làm tôi nhớ suốt đời'

'Có một sự cố mất điện làm tôi nhớ suốt đời'
3 giờ trướcBài gốc
Sau thời gian du học tại Pháp, tôi trở về nước, được bố trí học lớp bồi dưỡng về nhiệm vụ và chính sách dân vận, nội quy tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tháng 10/1954, tôi được phân công vào đoàn công tác tiến vào Hà Nội, đi tiền tiêu nắm tình hình hệ thống điện và là thành viên trong Ban tiếp quản Nhà máy điện Yên Phụ.
Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ phù hợp với ngành nghề đã học, có kinh nghiệm thực hành, nên việc nắm bắt và chỉ đạo kỹ thuật ở nhà máy điện đối với tôi không có gì xa lạ. Tôi nhanh chóng nắm bắt được tình hình các thiết bị và làm chủ quy trình điều hành Nhà máy điện Yên Phụ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ca trực, nhắc nhở anh em cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành đúng quy trình thao tác. Lúc này, các chuyên viên kỹ thuật Pháp cũng thay phiên nhau trực, vận hành theo ca…
Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh: cosodulieu.evn.com.vn
Tuy nhiên thời gian đầu tiếp quản, có một sự cố mất điện làm tôi nhớ suốt đời.
Nhà máy điện Yên Phụ là nhà máy đơn độc không có nguồn hỗ trợ trong lưới điện và theo yêu cầu công suất tiêu thụ thì ban ngày nhà máy chỉ chạy một máy 7500kW, đến giờ cao điểm tối thì bổ sung một máy nữa hoạt động phủ đỉnh cho đến 21 giờ kể cả tiếp thêm điện cho Hải Phòng. Một buổi chiều, như thông lệ tôi chuẩn bị thêm một máy nữa hoạt động để hòa vào mạng. Cùng lúc ấy, thì đột nhiên công suất máy phát điện vọt cao làm đèn mờ, rồi rơ-le quá tải của máy hoạt động cắt nguồn phát của máy. Thình lình mất điện toàn bộ, nhà máy tối om! Trước sự cố nghiêm trọng này, tôi bình tĩnh hô lớn:
- Đóng điện đèn dự phòng của hệ ắc-quy!
- Mở cầu dao các phụ tải!
Nhiều công nhân bên lò nhốn nháo, nhưng lập tức được chỉ đạo: Ai ở bộ phận nào về bộ phận ấy và thao tác theo quy trình sự cố, rồi chờ chỉ đạo tiếp theo. Trước mắt, bộ phận lò theo dõi giữ áp lực hơi!
Bình thường, ngày cũng như đêm nhà máy hoạt động với tiếng rào rào của máy chạy. Giờ bỗng im bặt, tối om, cảnh tượng vắng lặng…
Lúc đó, tôi lao nhanh xuống ngay chỗ máy nổ phát điện dự phòng, yêu cầu khởi động máy. Đèn dự phòng không đủ công suất cung cấp độ sáng cần thiết, nhưng tôi thấy ai nấy đều đứng ở vị trí như những chiến sĩ sẵn sàng chờ lệnh chỉ huy. Các chuyên gia Trung Quốc vừa được bổ sung cho nhà máy Yên Phụ, cũng đã có mặt ở các bộ phận, nhưng chưa ai có ý kiến và hành động gì. Trong trường hợp hệ trọng này, mọi người bối rối, chưa hiểu nguyên nhân sự cố ra sao! Còn tôi là người phụ trách trực tiếp, tôi bình tĩnh, không chần chừ lệnh đổ thêm xăng vào máy nổ.
Một công nhân vội xách can tới bổ sung xăng. Song, mặc dù dưới ánh sáng lờ mờ, nhưng tôi vẫn nhìn thấy chữ huile (dầu nhớt) nên vội ngăn lại. Rất may phát hiện ra, nếu mà đổ can dầu nhớt vào bình chứa xăng, thì không biết việc gì sẽ xảy ra sau đó.
Sau khi kiểm tra kỹ càng, chọn đúng can xăng mới cho công nhân đổ vào máy nổ. Máy thêm xăng nổ giòn giã phát ra nguồn điện nhằm đáp ứng hạn chế cho nhu cầu thiết yếu. Tôi lệnh cho chạy lại tua-bin lấy hơi từ lò. Áp suất hơi khi sự cố tăng lên nhanh làm supap an toàn của lò hơi bật lên xả hơi thừa, phát ra tiếng phụt rợn người, ai đứng ở bên ngoài, lại trong cảnh tối om bất thần nghe tiếng hơi phụt ấy cũng kinh hoàng.
Giờ đây áp suất hơi bắt đầu sụt. Tôi cho dùng điện dự phòng quay quạt hút khói, tạo điều kiện thông thoáng trong buồng đốt. Than ngún (cháy ngầm) bắt đầu hừng cháy, áp suất hơi tăng lên và ổn định, tôi thúc mở van hơi tăng hơn bình thường để giúp cho tua-bin chóng tăng tốc độ quay. Vừa thúc thao tác tăng nhanh tốc độ, tôi vừa phải chú ý nghe, thấy tiếng máy quay vẫn êm đều tôi tạm yên tâm.
Mười phút sau, tua-bin đã lên đủ tốc độ, máy phát cũng vừa đạt tần số và điện thế, tôi liền cho cắt điện dự phòng, rồi đóng điện máy vào phần điện phụ thuộc, các đèn đều sáng rực lên. Nhà máy đã có điện trở lại, tôi ra lệnh cho các bộ phận trong nhà máy chuyển qua quy trình vận hành bình thường. Các cầu dao phụ tải lần lượt được đóng lại, tôi nhắc chú ý đóng điện cho các tuyến ưu tiên trước. Tiếp đó, tôi cho khởi động máy số 2, bổ sung nguồn cho giờ cao điểm.
Trong vòng 15 phút sự cố mất điện được khắc phục. Tôi nghiệm ra một điều: trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, nếu người chỉ huy thiếu bình tĩnh, thiếu tự tin, không nắm vững chuyên môn kỹ thuật và mệnh lệnh không ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, không kiểm tra, không cương quyết... thì khó đạt được kết quả như mong muốn. Vai trò người chỉ huy, người lãnh đạo rất quan trọng trong sự thành bại của công việc.
Sau sự cố này, các chuyên viên Pháp đã tìm đến tôi, siết chặt tay và nói: "Sếp rất giỏi, chúng tôi rất thán phục ông, vì ông mới vào điều khiển nhà máy mà giải quyết sự cố nhanh, gọn, ngoài dự tính của chúng tôi". Các chuyên viên Pháp bộc lộ: Thời gian họ điều hành nhà máy, thỉnh thoảng cũng có sự cố mất điện, nhưng thường vào ban ngày, phải loay hoay mất cả giờ đồng hồ mới có điện trở lại.
Trong quy trình vận hành có đề cập đến một số trường hợp sự cố. Đáng lý là phải tổ chức diễn tập sự cố để công nhân tập dượt thành thục các thao tác. Đó là một thiếu sót lớn, cần rút kinh nghiệm quan tâm coi trọng vấn đề thao diễn tập dượt, xử lý các cố về điện. Còn đối với tôi, phải coi đây là một thử thách và trắc nghiệm về năng lực chuyên môn, về bản lĩnh người lãnh đạo trước những tình huống phức tạp. Đây là cuộc sát hạch rất nghiêm túc đối với người “chiến sĩ điện lực” trong công tác sản xuất, duy trì liên tục dòng điện cho Thủ đô!
Ông Vũ Đình Bông có quá trình công tác dài cống hiến cho ngành Điện, cho đất nước, kinh qua nhiều trọng trách: Giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ, Giám đốc Nhà máy Điện cọc 5 Quảng Ninh, Cục phó Cục Điện lực (Bộ Công nghiệp nặng), Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện Than… Ông đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
Lược trích hồi ký "Tổ quốc" của tác giả Vũ Đình Bông
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/co-mot-su-co-mat-dien-lam-toi-nho-suot-doi-718729.html