Chị Lâm Thị Huyền Đông (số báo danh 515) từng tham gia cuộc thi Hoa khôi Sông Vàm 2022 và lọt top 25 chung cuộc
Kế thừa truyền thống hiếu học
Từng là học sinh lớp chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Long An (nay là Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu), chị Huyền Đông say mê các môn tự nhiên nhưng lại rất sợ tiếng Anh. Chị Huyền Đông cho biết: “So với bạn bè đồng trang lứa, tiếng Anh không phải thế mạnh của tôi nhưng đến lớp 12, ý thức được vai trò của môn học này, tôi quyết định thử thách bản thân khi lựa chọn ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc gia TP.HCM - nơi có chương trình dạy học 100% bằng tiếng Anh”.
Thời gian đầu tiếp xúc với chương trình học ngoại ngữ, chị Huyền Đông gặp vô vàn khó khăn, thường xuyên ấp úng khi trả lời vấn đáp. Không bỏ cuộc, chị xem các video hướng dẫn, luyện nghe nhiều hơn.
Song song học ngoại ngữ, chị còn rèn luyện kỹ năng mềm, tích cực làm trợ giảng ngay từ khi chỉ mới năm 2 và nhiều lần đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp khoa, cấp trường.
Chị Huyền Đông tâm niệm “Nỗ lực là tên gọi khác của phép màu” nên cố gắng trau dồi kiến thức. Chia sẻ thêm về lý do “học, học nữa, học mãi”, chị Huyền Đông nói: “Tôi kế thừa truyền thống hiếu học từ gia đình. Ngày xưa, ông nội tôi là nông dân, sinh sống ở vùng biên giới xa xôi thuộc tỉnh An Giang. Trong giai đoạn chiến đấu ác liệt bảo vệ biên giới Tây Nam, ngôi nhà của gia đình tôi bị thiêu rụi toàn bộ. Sau chiến tranh, vùng quê nghèo càng gặp khó khăn, bệnh tật tràn lan nhưng không đủ bác sĩ chữa trị. Nhìn thấy tình cảnh đó, ông nội tôi quyết chí nuôi các con ăn học, làm bác sĩ để có thể giúp đỡ người khác”.
Tâm lành gặt được quả ngọt khi 3 người con trai của ông tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM và hiện tại đều là bác sĩ. Riêng cha của chị Huyền Đông hiện là Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Long An, còn mẹ công tác tại Sở Y tế.
"Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống theo ngành Y nên cha mẹ cũng mong tôi nối nghiệp nhưng khi tôi bày tỏ quan điểm, chia sẻ bản thân đã có định hướng riêng, ba mẹ vẫn vui vẻ chấp thuận và ủng hộ hết mình” - chị Huyền Đông bộc bạch.
Do ảnh hưởng tích cực từ gia đình và quan niệm học là việc cả đời nên chị mạnh dạn làm hồ sơ xin học bổng ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Ngày còn học THCS, tôi đã nhiều lần ao ước được đặt chân đến Thụy Sĩ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi này. Lần nọ, tôi thấy trên website trường có chia sẻ thông tin về suất học bổng ở Áo, tôi tò mò tra cứu thử rồi phát hiện 2 quốc gia này rất gần nhau. Vậy nên tôi làm hồ sơ xét học bổng tại Áo nhưng mọi chuyện lại không như ý muốn, tôi trượt học bổng vì còn “non” kinh nghiệm, số tín chỉ chưa đạt yêu cầu” - chị Huyền Đông kể.
Nỗ lực là tên gọi khác của phép màu
Không từ bỏ ước mơ chinh phục trời Âu, chị Huyền Đông nỗ lực học tập và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để làm “dày” CV. May mắn mỉm cười khi tháng 10/2022, chị đạt học bổng Ernst Mach Grant Scholarship for Exchange Students Program in Austria Top 4 students achieved from Vietnam.
“Tôi nhớ như in hôm nhận được email thông báo trở thành 1 trong 4 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Áo. Lúc ấy, tôi vừa vui sướng, vừa hồi hộp vì đây là lần đầu cô gái tỉnh lẻ như tôi phải bay hơn 20 tiếng để đến học tập, sinh sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ” - chị Huyền Đông nhớ lại.
Trong lúc tham gia chương trình học ở Áo, chị tranh thủ tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ xin học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Vì đã có kinh nghiệm nên chị nhận được phản hồi tích cực và đậu học bổng trao đổi sinh viên JASSO Scholarship for HUSTEP Program in Japan (tháng 4/2023).
Có thời gian học trao đổi, sinh sống tại Nhật Bản, cô gái Long An cảm mến vùng đất này lúc nào không hay và nhen nhóm ý định học thạc sĩ. Dám nghĩ, dám làm, chị chuẩn bị hồ sơ xin học bổng chương trình thạc sĩ tại Đại học Kyoto (Top 2 trường đại học tốt nhất tại Nhật Bản).
Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, chị tạo ấn tượng với ban giám khảo, trở thành sinh viên duy nhất đến từ Việt Nam nhận học bổng MEXT, chương trình thạc sĩ kinh tế của Đại học Kyoto.
Thời điểm đầu khi du học, chị gặp nhiều khó khăn như lệch múi giờ sinh học, hòa nhập với bạn bè từ các quốc gia trên thế giới và quản lý chi tiêu, phân bổ thời gian.
“Tôi giải quyết vấn đề bằng cách lên danh sách các việc cần làm trong ngày, việc nào nhỏ thì ưu tiên xử lý luôn. Ngoài ra, tôi cũng đọc thêm sách để biết cách ứng xử đúng mực với bạn bè nước ngoài, bởi mỗi đất nước sẽ có văn hóa khác biệt” - chị Huyền Đông cho biết thêm.
Bên cạnh việc học, chị Huyền Đông còn dành thời gian tham gia chương trình hợp tác với các trường cấp 2 ở Nhật Bản. Nhiệm vụ của chị là hướng dẫn các bé nhỏ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng tại Nhật, khuyến khích các bé nói tiếng Anh nhiều hơn. Công việc này vừa mang lại mức thu nhập ổn định, vừa giúp chị Huyền Đông rèn luyện kỹ năng mềm, thực hành khả năng quản trị nhân sự.
Ngoài ra, chị còn tích cực nghiên cứu, viết sách và vinh dự có tên trong quyển Routledge Handbook of Tourism and Hospitality Development in Vietnam với tiêu đề ở chương thứ 29 Boosting Hotel Employee Engagement: The Roles of Corporate Social Responsibility, Workplace Ostracism, and Work Social Support.
Chia sẻ về dự định tương lai, chị cho biết tiếp tục trau dồi tiếng Anh, học thêm tiếng Nhật. “Sau khi hoàn thành chương trình cao học tại Nhật, tôi muốn tiếp tục học lên, sau đó quay về đóng góp cho đất nước. Tôi mong muốn truyền động lực cho các bạn trẻ vì từ một cô gái tỉnh lẻ, từng rất sợ tiếng Anh có thể làm được thì các bạn cũng sẽ làm được. Tôi được nuôi lớn bởi lúa gạo Việt Nam nên trong tôi luôn có lòng tự tôn dân tộc và ước vọng cống hiến cho quê hương” - chị Huyền Đông chia sẻ./.
Ngọc Hân