Có nên cho trẻ em uống thuốc ho và cảm lạnh không?

Có nên cho trẻ em uống thuốc ho và cảm lạnh không?
2 ngày trướcBài gốc
Khi bị cảm lạnh, hầu hết trẻ em sẽ tự khỏi. Thuốc ho hoặc thuốc trị cảm lạnh sẽ không thay đổi quá trình tự nhiên của bệnh cảm lạnh hoặc khiến bệnh khỏi nhanh hơn. Bên cạnh đó, một số loại thuốc ho và cảm lạnh có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như làm chậm nhịp thở, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Do đó, điều quan trọng là phải biết khi nào mới nên cho trẻ dùng thuốc, lựa chọn loại thuốc nào và khi nào thì không cần dùng thuốc.
1. Cách điều trị cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Ho là triệu chứng bình thường của cảm lạnh, giúp cơ thể tống chất nhầy ra khỏi đường thở và bảo vệ phổi. Các phương pháp điều trị ho không dùng thuốc bao gồm uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là đồ uống ấm để làm dịu cổ họng.
Điều quan trọng là phải biết khi nào mới nên cho trẻ dùng thuốc, lựa chọn loại thuốc nào và khi nào thì không cần dùng thuốc.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đưa ra những mẹo sau để làm giảm các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Dùng máy tạo độ ẩm phun sương mát, sẽ làm giảm tắc nghẽn ở đường mũi, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Không sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương ấm vì có thể khiến đường mũi sưng lên, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
- Thuốc nhỏ mũi hoặc xịt nước muối giúp giữ ẩm cho mũi, tránh nghẹt mũi.
- Hút mũi bằng dụng cụ chuyên dụng cho trẻ (có hoặc không có thuốc nhỏ mũi bằng nước muối), cách này rất hiệu quả đối với trẻ em dưới một tuổi. Phương pháp này có thể áp dụng cho trẻ lớn hơn.
- Thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen, có thể được sử dụng để hạ sốt, giảm đau nhức. Người lớn cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của sản phẩm trên nhãn thông tin thuốc hoặc trao đổi với dược sĩ/bác sĩ về liều dùng.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều chất lỏng để đảm bảo đủ nước.
2. Lưu ý khi cho trẻ uống thuốc ho và cảm lạnh
Thuốc không kê đơn (OTC) có sẵn để điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh. FDA không khuyến nghị dùng các thuốc OTC cho các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 2 tuổi, vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Trên nhãn thuốc, các nhà sản xuất cũng cảnh báo ‘Không sử dụng cho trẻ em dưới 4 tuổi’, đối với các sản phẩm này.
Nhiều sản phẩm trị ho và cảm lạnh OTC chứa nhiều thành phần có thể dẫn đến dùng quá liều. Khi dùng thuốc, cần đọc kỹ thông tin về thành phần để tránh tình trạng dùng quá liều này.
Các sản phẩm trị ho và cảm lạnh không kê đơn có thể gây hại cho trẻ em nếu:
- Dùng thuốc quá liều khuyến cáo hoặc dùng thuốc quá thường xuyên.
- Dùng nhiều hơn một sản phẩm có chứa cùng một loại thuốc (hoạt chất). Ví dụ, dùng cả thuốc giảm đau có chứa acetaminophen và thuốc ho và cảm lạnh có chứa acetaminophen.
Đối với các sản phẩm dạng lỏng dùng cho trẻ nhỏ, nhà sản xuất thường có dụng cụ đong thuốc đi kèm như: Ống tiêm hoặc cốc đong, được đánh dấu bằng các vạch ml chính xác. Sử dụng các dụng cụ này để đong thuốc (không dùng thìa gia dụng hoặc dụng cụ từ các loại thuốc khác).
Không nên cho trẻ em dùng thuốc được đóng gói và sản xuất dành cho người lớn vì thuốc dành cho người lớn có thể khiến trẻ uống quá liều.
Không phải mọi trường hợp sổ mũi hoặc ho đều phải mang trẻ đi khám, tuy nhiên hãy gọi cho bác sĩ hoặc mang trẻ đi khám khi thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
Sốt 38 độ C hoặc cao hơn ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn.
Sốt 38,8 độ C hoặc cao hơn ở trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Môi xanh tái
Thở khó (lỗ mũi nở rộng sau mỗi lần thở); thở khò khè; thở nhanh; xương sườn lộ ra sau mỗi lần thở…
Đau đầu dữ dội.
Không ăn hoặc uống, có dấu hiệu mất nước (như đi tiểu ít).
Quá cáu kỉnh hoặc buồn ngủ.
Đau tai dai dẳng.
Tình trạng của trẻ ngày càng tệ hơn…
DS. Hoàng Thu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/co-nen-cho-tre-em-uong-thuoc-ho-va-cam-lanh-khong-169241201110142413.htm