Có nên độ xe? Những lưu ý quan trọng khi nâng cấp ô tô

Có nên độ xe? Những lưu ý quan trọng khi nâng cấp ô tô
một ngày trướcBài gốc
Đã có nhiều trường hợp xe đang lưu thông trên đường bất ngờ bị cháy nổ do hệ thống điện bị quá tải khi độ thêm âm thanh công suất lớn hoặc đèn LED không đạt chuẩn. Ảnh: TTXVN
Độ xe ô tô là một quá trình nâng cấp, cải tiến để tăng tiện nghi, thẩm mỹ hoặc cá nhân hóa chiếc xe theo sở thích của chủ sở hữu, miễn là không làm thay đổi kết cấu an toàn của xe:
Việc độ xe có thể chia thành nhiều hạng mục, bao gồm:
1. Độ ngoại thất
Độ đèn: Lắp đèn LED, Bi-Xenon, đèn gầm để tăng khả năng chiếu sáng và tính thẩm mỹ (đúng theo quy định Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
Dán decal, đổi màu sơn: Giúp xe nổi bật hơn, thể hiện cá tính của chủ xe.
2. Độ nội thất
Bọc ghế da, ốp nội thất: Tăng sự sang trọng, thoải mái khi sử dụng.
Lắp màn hình Android, hệ thống âm thanh: Cải thiện trải nghiệm giải trí trong xe.
Độ vô-lăng, bọc trần, thay cần số thể thao: Nâng cao cảm giác lái và thẩm mỹ.
3. Độ công nghệ và tiện ích
Cảm biến áp suất lốp (TPMS), camera 360: Tăng tính an toàn khi lái xe.
Cửa hít, cốp điện, cửa sổ trời: Nâng cao tiện nghi, trải nghiệm sử dụng.
Hệ thống đề nổ từ xa, nâng cấp Cruise Control: Hỗ trợ lái xe nhàn hơn, đặc biệt trên đường dài.
4. Những lợi ích khi độ xe
Tăng hiệu suất vận hành: Nâng cấp động cơ, hệ thống xả, phanh hay hệ thống treo giúp xe vận hành mạnh mẽ, linh hoạt hơn.
Cải thiện tính an toàn: Bổ sung các hệ thống hỗ trợ như phanh hiệu suất cao, giảm xóc chất lượng giúp nâng cao độ an toàn khi lái.
Thẩm mỹ và cá nhân hóa: đèn LED, mâm xe thể thao giúp xe trông ấn tượng, thể hiện phong cách cá nhân.
Nâng cao tiện nghi: Bổ sung màn hình giải trí, ghế massage, cách âm giúp hành trình thoải mái hơn.
5. Những hạng mục bị cấm
Thay đổi kết cấu xe:
Độ bodykit (cản trước, cản sau, cánh gió lớn) có thể bị từ chối đăng kiểm nếu ảnh hưởng đến kích thước tổng thể của xe.
Độ cửa xe kiểu cánh chim, lắp thêm ghế không đúng thiết kế gốc bị cấm.
Thay đổi màu sơn mà không đăng ký lại: Nếu đổi màu sơn khác với giấy đăng ký xe mà không xin phép, chủ xe có thể bị phạt từ 300.000 - 800.000 đồng (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Độ đèn LED, Bi-Xenon không đúng tiêu chuẩn: Nếu lắp đèn có cường độ sáng quá mức quy định, có thể bị xử phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Lắp pô nổ, pô on/off gây tiếng ồn lớn: Nếu bị phát hiện gây mất trật tự công cộng, có thể bị phạt từ 800.000 - 2.000.000 đồng và bị buộc tháo dỡ.
6. Những rủi ro khi nâng cấp ô tô
Ảnh hưởng đến độ bền của xe: Một số phụ tùng không chính hãng có thể làm giảm tuổi thọ xe.
Vi phạm quy định pháp luật: Một số thay đổi như nâng cấp đèn, độ pô có thể không được phép lưu thông trên đường.
Khả năng bảo hành và bảo hiểm: Việc độ xe có thể làm mất hiệu lực bảo hành và gây khó khăn khi mua bảo hiểm.
Chi phí phát sinh cao: Nếu không có kế hoạch hợp lý, bạn có thể gặp chi phí phát sinh lớn do sửa chữa và thay thế linh kiện.
Đặc biệt, nguy cơ cháy nổ do độ âm thanh và ánh sáng: Đã có nhiều trường hợp tại Việt Nam ghi nhận xe bị cháy nổ do hệ thống điện bị quá tải khi độ thêm âm thanh công suất lớn hoặc đèn LED không đạt chuẩn. Ví dụ, vào năm 2023, một chiếc ô tô tại Tp Hồ Chí Minh bốc cháy dữ dội do hệ thống dây điện bị chập khi lắp thêm dàn loa công suất cao. Một trường hợp khác xảy ra tại Hà Nội khi chủ xe độ hệ thống đèn LED siêu sáng, khiến mạch điện bị quá tải và gây ra sự cố cháy xe ngay trên đường.
Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/co-nen-do-xe-nhung-luu-y-quan-trong-khi-nang-cap-o-to/368377.html