Đó là gợi mở của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 18-4.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Hải, việc sáp nhập tỉnh là để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Với Đà Nẵng hiện nay diện tích nhỏ hẹp, nếu sáp nhập có thêm diện tích tỉnh Quảng Nam thì lợi thế rất lớn. Do đó, Đà Nẵng nên xem xét có những điều chỉnh kịp thời về mặt hoạch định cho phát triển.
“Ví dụ, khu thương mại tự do có nhất thiết phải đặt ở TP Đà Nẵng hiện nay hay không, hay là có thể đề xuất phát triển ở Quảng Nam, cụ thể là khu vực Chu Lai có cảng Chu Lai, sân bay Chu Lai, đó là khu vực có lợi thế rất tốt để phát triển logistics” - ông Hải gợi ý.
Ông Hải cho hay, trước đây Đà Nẵng có thể chưa nghĩ đến chuyện này vào thời điểm xin cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 136 của Quốc Hội, nhưng bây giờ là lúc phải suy nghĩ, khi Thủ tướng chưa ban hành có thể điều chỉnh bổ sung.
Có thể vẫn có một khu thương mại tự do trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhưng cũng có thể đề xuất khu thương mại tự do ở khu vực Chu Lai để tạo dư địa phát triển.
Đà Nẵng đã có cả đường biển và biên giới khi sáp nhập với Quảng Nam, các loại hình vận tải đều có mặt ở đây. Tuy nhiên, các trung tâm logistics được ví như động lực, trái tim của chuỗi cung ứng thì chưa có. Trong bối cảnh các địa phương đang có sự bứt phá rất lớn.
Đà Nẵng quy hoạch Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Hải thông tin TP Hải Phòng đang xin cơ chế như Đà Nẵng để xây dựng khu thương mại tự do. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang bắt tay với một nhà đầu tư của UAE để triển khai.
Đà Nẵng có lợi thế đi trước nhờ Nghị quyết 136 nhưng nếu không có động thái và sự bứt phá, vào cuộc của cả chính quyền và doanh nghiệp thì lại chậm chân, không phát huy được lợi thế của việc sáp nhập.
“Tôi cũng sốt ruột với các vấn đề liên quan khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, đã có lợi thế nhưng thời điểm này chưa có gì chính thức. Biết đâu đây lại là khoảng thời gian để điều chỉnh bổ sung thêm, chậm một chút nhưng lại mở ra không gian phát triển tốt hơn, lâu dài hơn cho TP” - ông Hải nhận định.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Đà Nẵng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của TP ước đạt hơn 3,2 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,9 tỉ USD, tăng 3,4% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 1,3 tỉ USD, tăng 21,2%.
Đến nay, Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn gồm Đông Bắc Á khoảng 46%, châu Mỹ 25%; EU 15 %; Đông Nam Á 5%.
Trong đó, một số nước có tỉ trọng xuất khẩu lớn như Nhật Bản chiếm khoảng 35%, Hoa Kỳ khoảng 20%...
Về phát triển logistics, thời gian qua UBND TP đã quan tâm, tập trung ban hành quy hoạch, đề án, kế hoạch trên lĩnh vực logistics nhằm thiết lập các căn cứ pháp lý, tạo tiền đề phát triển ngành dịch vụ logistics cho TP.
UBND TP đã tập trung chỉ đạo, triển khai nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics với các dự án quan trọng như: Cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở rộng nhà ga T1 và ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, di dời ga đường sắt.
UBND TP thường xuyên chỉ đạo các sở ban ngành chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics thông qua tổ chức, tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về logistics.
Tấn Việt