Tết Nguyên đán, phần lớn các gia đình mua cành đào về trưng để tăng không khí xuân trong nhà. Một trong những thao tác mà nhiều người thực hiện khi chuẩn bị cắm là đốt gốc cành đào/ Việc này nhằm mục đích gì và hiệu quả ra sao?
Có nên đốt gốc cành đào?
Đốt gốc cành đào là một kinh nghiệm dân gian, xuất phát từ quan điểm cho rằng khi cành đào bị cưa ra khỏi cây, nhựa sẽ chảy ra và đông cứng lại, giống như một chiếc nút bịt kín các mạch, nơi giúp lưu thông nguồn nước chứa dinh dưỡng nuôi cành, lá và hoa. Vì thế, trước khi cắm cành đào vào lọ, cần đốt gốc để nhựa cây nóng chảy ra, làm thông mạch cây, giúp cành tiếp tục hút nước, dưỡng chất từ bình lên để nuôi hoa, nụ hoa nở đều và tươi lâu.
Có nên đốt gốc cành đào trước khi cắm trưng Tết?
Thật ra, việc đốt gốc cành đào có thể để diệt vi khuẩn và nấm, ngăn chúng xâm nhập các mạch dẫn của cành đào, hạn chế nhựa chảy ra, nhưng tác hại nhiều hơn lợi ích. Lửa sẽ làm chết các mô tế bào khiến cành đào không còn tiếp nhận được nước và dưỡng chất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển, khả năng ra hoa và giảm sức khỏe của cành trong quá trình trưng Tết, đặc biệt với những cành bé.
Nếu được chăm sóc đúng cách, được đặt ở nơi có đủ ánh sáng, nhiệt độ phù hợp và đủ độ ẩm, cành đào vẫn có thể ra hoa đẹp, nở lâu, do đó bạn không cần đốt gốc cành đào.
Cách chăm sóc cành đào Tết
Dưới đây là cách chăm sóc cành đào giúp hoa tươi lâu và nở hoa đẹp trong dịp Tết:
Cắt tỉa và xử lý gốc: Gốc cành đào cần được cắt tỉa gọn gàng để dễ dàng hút nước và dinh dưỡng. Để cành đào không bị héo nhanh, bạn cần cắt gốc theo một góc 45 độ, giúp tăng diện tích tiếp xúc với nước, từ đó tăng cường khả năng hút nước.
Dùng nước sạch: Cung cấp nước đầy đủ là yếu tố quyết định giúp cành đào tươi lâu. Bạn nên rửa lọ, bình hoa thật sạch và chuẩn bị nước sạch để cắm. Nước trong bình cần được thay thường xuyên để tránh ô nhiễm, khiến hoa nhanh héo. Bạn nên thay nước 2 ngày/lần, rửa sạch gốc đào mỗi khi thay nước để tránh vi khuẩn hoặc nấm mốc phát triển.
Bổ sung dinh dưỡng: Nếu bạn không có điều kiện thay nước thường xuyên, có thể thêm một ít đường hoặc dung dịch dinh dưỡng vào nước để giúp cành đào hút dưỡng chất dễ dàng hơn và duy trì độ tươi của hoa. Tuy nhiên, bạn cần phải kiểm tra tình trạng của nước, nếu bị hôi thì phải thay.
Để hoa đào nở đẹp, việc chú ý thay nước và thêm dưỡng chất là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Minh Đức)
Đặt cành đào ở vị trí phù hợp: Để cành đào tươi lâu, bạn nên đặt lọ hoa ở một vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Ánh nắng và nhiệt độ cao có thể làm hoa đào nhanh héo, không khoe sắc đúng dịp.
Mặt khác, nếu đặt cành đào ở nơi quá lạnh, hoa sẽ không thể nở đúng thời gian. Trong suốt quá trình chăm sóc, tránh để cành đào tiếp xúc với gió lạnh. Nhiệt độ lý tưởng để cành đào phát triển tốt là khoảng từ 18°C đến 20°C.
Cung cấp độ ẩm cho không khí: Trong mùa đông, không khí trong nhà thường rất khô khiến cho cành đào dễ bị mất nước và héo nhanh. Muốn cành đào khỏe mạnh, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc đặt một chậu nước nhỏ gần cành đào để tăng độ ẩm cho không khí. Cách khác là xịt nhẹ nước lên lá hoặc cành đào vào buổi sáng để giúp cây không bị mất nước quá nhanh. Lưu ý, bạn không nên xịt quá nhiều nước.
Kiểm tra và phòng ngừa sâu bệnh: Cành đào cũng có thể gặp phải các vấn đề về sâu bệnh. Để giữ cho cành đào luôn khỏe mạnh, bạn cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như lá vàng, héo úa hay dấu hiệu của nấm mốc.
Để diệt sâu bệnh, bạn có thể dùng một miếng vải sạch để lau lá, hoặc sử dụng thuốc trừ sâu nhẹ để phun vào các bộ phận bị hư hại. Tuy nhiên, bạn cần tránh sử dụng hóa chất mạnh vì có thể ảnh hưởng việc nở của hoa đào.
Cắt bỏ hoa héo: Trong quá trình chăm sóc cành đào, một số bông hoa có thể nở sớm và nhanh héo. Để cành đào luôn tươi mới và đẹp mắt, bạn cần cắt bỏ những bông hoa héo. Điều này không chỉ giúp cây giữ lại sức sống mà còn tạo không gian thông thoáng cho các bông hoa mới nở, giúp phát triển khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, việc cắt bỏ hoa héo cũng giúp duy trì vẻ đẹp tổng thể của cành đào, tránh tình trạng cây trông bị "xơ xác" hoặc nở không đồng đều.
Hoàng Hà (Tổng hợp)