Sáng 14-5, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thực tiễn trong nhiều vụ án hình sự, khi tuyên án phần dân sự, tòa án giao ngân hàng hoặc ngân hàng phối hợp với cơ quan thi hành án xử lý một số tài sản.
Từ thực tiễn đó, chủ tọa đã đặt ra vấn đề: Có nên giao cho ngân hàng quyền xử lý tài sản trong vụ án hình sự về kinh tế? Nếu giao cho ngân hàng tự xử lý tài sản thì cơ chế nào để đảm bảo? Nhiều chuyên gia pháp lý đã có những ý kiến phân tích, tranh luận sôi nổi về vấn đề này.
Không nên giao ngân hàng xử lý tài sản
TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng có quyền chủ động xử lý tài sản mà họ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, khi đã phát sinh vụ án hình sự thì việc giao tài sản liên quan đến vụ án cho ngân hàng xử lý là không phù hợp. Bởi nếu để ngân hàng tự định giá tài sản, đặc biệt là các tài sản như cổ phiếu, cổ phần... thì hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng tài sản bị định giá "0 đồng", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người phải thi hành án.
TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM – khẳng định không nên giao ngân hàng xử lý tài sản, đặc biệt là trong các vụ án hình sự. “Chỉ nên giao trong các vụ việc dân sự, phi hình sự, bởi nếu không sẽ dẫn đến việc ngân hàng tùy tiện định giá, tạo ra nhiều hệ lụy pháp lý”, ông Công nêu ý kiến.
Luật sư Lê Văn Hoan, người từng tham gia tố tụng trong nhiều đại án, cũng phân tích rằng việc giao cho ngân hàng, một tổ chức không có chức năng chuyên môn về thi hành án là điều không hợp lý. Theo ông Hoan, ngay cả cơ quan thi hành án, nơi có đầy đủ công cụ, nghiệp vụ và thẩm quyền còn gặp nhiều khó khăn, thì việc giao cho ngân hàng, vốn không có thẩm quyền cưỡng chế, lại càng không khả thi.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Cần thiết có cơ chế giám sát
TS.LS Phan Trung Hoài đặc biệt lưu ý đến cơ chế Cơ quan THA và ngân hàng phối hợp thực hiện nghĩa vụ THA, đồng thời có sự giám sát của VKS, Bộ Công an.
“Vấn đề đặt ra là liệu cơ chế mới này có thực sự hiệu quả hay không, và có nên luật hóa nó không?”, ông Hoài nêu vấn đề.
Gợi mở thêm để các đại biểu thảo luận, GS.TS Đỗ Văn Đại cho biết, với cơ chế mà luật sư Hoài nêu thì sẽ phát sinh thêm cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án, vậy thì có phát sinh chi phí hay không. Điều này cũng cần được tính toán, bên cạnh tính hiệu quả.
Về vấn đề này, TS.LS Phan Trung Hoài cho rằng, giám sát là yếu tố cần thiết, nhất là trong bối cảnh các cơ quan THA gặp nhiều trở ngại khi xử lý các tài sản liên quan đến đại án. Ông cũng cho rằng việc tạo điều kiện để chấp hành viên, luật sư và các bên liên quan trực tiếp làm việc với người phải THA sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình thu hồi tài sản.
Cơ chế này, theo ông Hoài, không làm phát sinh thêm chi phí mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác thu hồi tài sản, đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của người có nghĩa vụ thi hành án.
Luật sư Lê Hồng Nguyên, ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn tại TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: THUẬN VĂN
Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn tại TP.HCM – đồng tình với cơ chế mà ông Hoài đề xuất. Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý rằng nếu đưa quy định này vào luật thì cần cân nhắc kỹ, đặc biệt là vai trò của Bộ Công an. Theo ông, Bộ Công an chỉ nên tham gia ở giai đoạn điều tra, truy tố chứ không nên quy định vai trò giám sát trong giai đoạn thi hành án. Thay vào đó, có thể thiết lập các cơ chế đặc biệt đối với từng vụ án cụ thể.
Luật sư Nguyễn Thành Công cũng bày tỏ sự ủng hộ với cơ chế giám sát đến từ Viện kiểm sát và Bộ Công an trong quá trình thi hành án, xem đây là cơ chế cần thiết trong một số vụ án đặc thù.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng không nên để ngân hàng xử lý tài sản thi hành án trong vụ án hình sự về kinh tế. Ảnh: THUẬN VĂN
Bổ sung góc nhìn, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Phòng Thanh tra pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) – đặt vấn đề về tài sản bảo đảm hiện do ngân hàng nắm giữ. Trong nhiều trường hợp, đây lại là những tài sản cần thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, cần cân nhắc kỹ mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích riêng của ngân hàng.
6 vấn đề đúc kết sau hội thảo
Là chủ tọa, cùng điều hành hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM đúc kết một số vấn đề sau hội thảo như sau:
GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
- Những vướng mắc không chỉ nằm ở Luật Thi hành án dân sự mà còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, Luật Đấu giá, Luật Kinh doanh bất động sản…
- Thời gian xử lý các “đại án” kéo dài gây nhiều hệ lụy, trong đó có việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết hiệu lực, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên liên quan.
- Khi bán tài sản để thi hành án cần tuân thủ điều kiện gì? Có nên nới lỏng điều kiện để đẩy nhanh tiến trình thi hành án?
- Khó khăn trong quá trình xử lý tài sản thi hành án không chỉ đến từ thể chế, điều kiện mà còn từ yếu tố con người. Cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện.
- Cơ chế đặc thù – như đã nêu trong hội thảo – là giải pháp cần thiết để tăng hiệu quả thi hành án.
- Pháp luật cần tăng cường bảo vệ quyền lợi của người phải thi hành án. Dù họ đang chấp hành án phạt tù nhưng không vì vậy mà “quên” đi quyền của họ đối với tài sản của mình. Trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản có giá trị rất lớn, có cả trường hợp đồng sở hữu, cần được xử lý thận trọng và đúng quy định.
NGUYỄN CHÍNH
SONG MAI
HỮU ĐĂNG