Tủ bếp kịch trần là loại tủ bếp có thiết kế cao sát trần nhà. Giống như các dạng tủ bếp bình thường, tủ bếp kịch trần có nhiều kiểu dáng như chữ U, chữ L...
Ưu điểm của tủ bếp kịch trần
Một trong những ưu điểm nổi bật của tủ bếp kịch trần là tối ưu không gian lưu trữ. Tủ bếp kịch trần tận dụng toàn bộ chiều cao tường bếp, tạo thêm nhiều ngăn chứa đồ dùng.
Khi tủ thiết kế kịch trần sẽ không còn khe hở phía trên, giúp tổng thể khu bếp gọn gàng và thẩm mỹ hơn.
Nhược điểm cần chú ý
Các ngăn tủ cao sát trần khó tiếp cận để vệ sinh nếu không dùng ghế hoặc thang. Việc này có thể gây bất tiện nếu sử dụng thường xuyên.
Do kích thước và khối lượng lớn hơn tủ bếp thông thường nên tủ bếp kịch trần thường có chi phí cao hơn. Bên cạnh đó, việc thiết kế, thi công và lắp đặt tủ bếp kịch trần đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nên thời gian sẽ lâu hơn.
Tủ bếp kịch trần giúp tối ưu không gian lưu trữ. (Ảnh: Nội thất CaCo)
Có nên làm tủ bếp kịch trần?
Theo các kiến trúc sư, việc có nên làm tủ bếp kịch trần hay không phụ thuộc vào không gian nhà. Tủ bếp cao sát trần phù hợp với các căn hộ chung cư có trần cao vừa phải (từ 3 mét trở xuống). Ở chung cư, diện tích thường hạn chế, làm tủ kịch trần giúp tận dụng thêm không gian chứa đồ.
Không chỉ chung cư, với những căn nhà phố nhỏ, trần thấp cũng có thể lắp tủ bếp kịch trần để có nhiều không gian sinh hoạt hơn.
Với những ngôi nhà trần quá cao (thường là nhà đất) hoặc tủ bếp đủ rộng không nên làm tủ kịch trần. Bởi, trần nhà quá cao sẽ làm mất cân đối giữa tủ trên và tủ dưới. Tủ bếp quá cao gây khó khăn trong quá trình sử dụng, phải dùng thang cao, có thể nguy hiểm. Hơn nữa, nếu tủ bếp đã đủ rộng rãi, đủ vị trí chứa đồ, không cần làm kịch trần, vừa tốn chi phí, vừa khó sử dụng.
Vì vậy, khi lắp tủ bếp kịch trần, cần đảm bảo chiều cao trần phù hợp, cân nhắc tần suất sử dụng các ngăn phía trên để tối ưu công năng thực tế.
Bằng Lăng (tổng hợp)